Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Châu Âu không muốn một Yalta II mà Nga đang cố áp đặt

Các nước châu Âu muốn thúc đẩy một “chiến lược Helsinki II”, mang tính hòa dịu cho an ninh của lục địa này, đối lại với chiến lược “Yalta II”, mang tính đối đầu giữa hai khối, mà Nga đang cố áp đặt. Đó là tuyên bố của ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian hôm qua, 12/01/2022, khi trả lời phỏng vấn với hãng tin AFP. Tuyên bố này của ông Le Drian đáng chú ý bởi nó phản ánh lập trường của Pháp, quốc gia hiện đang giữ chức chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Âu.

Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (T) tiếp người đồng cấp Nga Serguei Lavarov tại Paris, ngày 27/11/2018.
Ảnh tư liệu: Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian (T) tiếp người đồng cấp Nga Serguei Lavarov tại Paris, ngày 27/11/2018. © AP Photo/Thibault Camus
Quảng cáo

Ông Le Drian giải thích: “Nga đã đề nghị những nét cơ bản rất giống với việc quay trở lại hiện trạng trước năm 1975, tức là một kiểu Yalta II, mà sẽ dẫn đến việc hình thành trở lại các khối, các vùng ảnh hưởng”.  Đối với ngoại trưởng Pháp, những định hướng mà Nga đề nghị sẽ khiến một số nước mất đi sự tự do chọn lựa và chủ quyền, mất đi sự tự do quyết định tham gia vào các liên minh.   

Cho tới nay, Nga vẫn đòi Hoa Kỳ và khối NATO phải có những bảo đảm về an ninh nhằm tái lập vùng ảnh hưởng của họ ở các nước thuộc Liên Xô cũ và một vùng trái độn giữa khối NATO với phần lãnh thổ của Nga ở Đông Âu. 

Đặc biệt, Matxcơva đòi NATO không tiếp tục mở rộng sang phía đông, nhất là không kết nạp Ukraina, đồng thời giảm sự hiện diện quân sự tại các nước thành viên mới của Liên Minh, như Rumani và nước vùng Baltic. 

Trả lời hãng tin AFP, ngoại trưởng Pháp Le Drian tuyên bố những yêu cầu nói trên của Nga là “không thể chấp nhận được”. Đây cũng là lập trường của Hoa Kỳ và các thành viên khác của Liên minh Bắc Đại Tây Dương. Đối với ngoại trưởng Pháp, làm theo các yêu cầu của Nga chẳng khác gì phân chia châu Âu giống như Hoa Kỳ và Liên Xô đã phân chia lục địa này tại hội nghị Yalta, rồi hội nghị Potsdam năm 1945.

Ông Le Drian nói rõ: “Trước một chiến lược nhằm đi đến một Yalta II, chúng ta phải phát triển một chiến lược nhằm thúc đẩy một Helsinki II, theo tinh thần những cam kết mà toàn bộ các nước ký kết các hiệp định Helsinki đã đưa ra năm 1975, trong đó có Liên Xô”. Những cam kết này sau đó đã được tiếp nối với Hiến chương Paris năm 1990.

Những hiệp định được ký kết sau hội nghị Helsinki về an ninh và hợp tác ở châu Âu đã tạo được bầu khí hòa dịu giữa các nước phương Tây và Liên Xô sau nhiều thập niên Chiến tranh lạnh. Các hiệp định này bảo đảm sự bất khả xâm phạm của các đường biên giới và tạo điều kiện cho các công dân và ý tưởng được lưu thông dễ dàng hơn giữa các nước châu Âu. 

Tiếp đến, Hiến chương Paris 1990 về an ninh châu Âu, được soạn thảo trên cơ sở các hiệp định Helsinki, đã chính thức đánh dấu sự kết thúc Chiến tranh lạnh, sau khi nước Đức thống nhất và các chế độ cộng sản ở Đông Âu sụp đổ.

Mong muốn của các nước châu Âu về một Helsinki II có sẽ thành hiện thực hay không, điều đó tùy thuộc vào kết quả các cuộc họp trong tuần này giữa Hoa Kỳ, Nga, khối NATO và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Các cuộc họp tại Genève giữa Mỹ và Nga, tại Bruxelles giữa Nga và khối NATO chưa giải tỏa được các bất đồng giữa Matxcơva và phương Tây về an ninh châu Âu. Cuộc họp hôm nay của OSCE chắc cũng không có bước đột phá nào. 

Nhưng có một điểm tích cực mà ngoại trưởng Pháp ghi nhận, đó là trước và sau cuộc họp với Nga, Mỹ đều tham khảo ý kiến các nước châu Âu. Ông Le Drian khẳng định trong mọi cuộc họp, kể cả cuộc họp của OSCE hôm nay, các nước châu Âu đều nỗ lực bảo vệ lợi ích về an ninh của mình. 

Tóm lại, có thể nói thách thức an ninh lớn nhất đối với các nước Liên Hiệp Châu Âu đang được đặt ra trong các cuộc họp tuần này. Nhưng hiện còn quá sớm để biết Yalta II hay Helsinki II sẽ thắng thế.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.