Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Áp lực gia tăng đối với tập đoàn quân sự khi các tập đoàn lớn rút khỏi Miến Điện

Quyết định của tập đoàn năng lượng Woodside của Úc rút khỏi Miến Điện tiếp theo sau các tập đoàn quốc tế khác như Total và Chevron đang làm dấy lên những lời kêu gọi các ngân hàng quốc tế nên ngưng làm ăn với Miến Điện và các chính phủ nên ban hành thêm các trừng phạt nhằm ngăn chận nguồn tài chính cho tập đoàn quân sự.

Nhân viên của tập đoàn năng lượng Total thảo luận về việc đo lường đường ống dẫn khí đốt tại Miến Điện, ngày 28/11/2003
Nhân viên của tập đoàn năng lượng Total thảo luận về việc đo lường đường ống dẫn khí đốt tại Miến Điện, ngày 28/11/2003 Pascale TROUILLAUD AFP/File
Quảng cáo

Trước việc quân đội Miến Điện gia tăng đàn áp phong trào phản đối đảo chính quân sự cách đây gần đúng một năm, khiến tổng cộng khoảng 1.400 thường dân thiệt mạng, các tổ chức phi chính phủ vẫn duy trì áp lực lên các tập đoàn quốc tế để buộc họ ngưng các hoạt động ở nước này. 

Cho tới khi có thông báo của Total ngày 21/01, rất ít tập đoàn rút ra khỏi Miến Điện. Công ty viễn thông Telenor của Na Uy là một trong số hiếm hoi các tập đoàn quốc tế đã quyết định ngay từ tháng 7 bán chi nhánh đang làm ăn rất khấm khá của họ ở Miến Điện cho một công ty Liban bị nghi là có liên hệ với chính quyền quân sự. Nhưng cho tới nay việc mua bán này chưa hoàn tất.   

Vào giữa tháng 2, Telenor cũng vừa thông báo sẽ nhượng lại cho đối tác Singapore các hoạt động trong lĩnh vực chi trả bằng điện thoại di động Wave Money. 

Sau đó, ngày 21/01, đến lượt tập đoàn dầu khí Total của Pháp và Chevron của Mỹ, rồi hôm nay là Woodside của Úc thông báo rút khỏi Miến Điện, cả ba đều là đối tác khai thác mỏ khí đốt Yadana ngoài khơi Miến Điện, để cung cấp điện cho nhu cầu sử dụng trong nước và cung cấp điện cho nước láng giềng Thái Lan. 

Ngày 21/01, khi thông báo rút khỏi dự án khí đốt Yadana, ngoài lý do tình hình nhân quyền ở Miến Điện ngày càng tồi tệ, tập đoàn Total nêu thêm lý do là vì họ không thể ngăn chận việc những món tiền mà họ trả chạy vào tài khoản của Công ty Dầu khí Miến Điện (MOGE), một công ty do nhà nước sở hữu. Quân đội Miến Điện vẫn được hưởng thu nhập từ mỏ khí Yadana thông qua cổ phần của MOGE. 

Trong thông báo nói trên, tập đoàn Total cũng cho biết họ đã yêu cầu chính phủ Pháp ban hành các trừng phạt chuyên biệt để làm sao những khoản tiền mà họ trả thông qua đối tác Thái Lan được đặt vào tài khoản do một bên thứ ba tạm thời nắm giữ (escrow account). Nhưng họ đã không tìm được cách nào để làm điều đó. 

Những người chống đảo chính ở Miến Điện dầu sao cảm thấy phấn khởi vì có vẻ như Total ủng hộ các trừng phạt nhắm vào MOGE, điều mà họ yêu cầu từ lâu, vì đây là cách để ngăn chận nguồn cung cấp tài chính cho tập đoàn quân sự. 

Họ cũng yêu cầu các tập đoàn dầu khí khác như của Malaysia, Hàn Quốc và Nhật Bản ngưng mọi chi trả cho chính quyền quân sự bằng bất cứ hình thức nào. 

Trong một tuyên bố về việc các tập đoàn dầu khí quốc tế rút khỏi Miến Điện, ông Paul Donowitz, một lãnh đạo của tổ chức Myanmar for Global Witness, kêu gọi Hoa Kỳ, Pháp và các nước khác nên nghe theo những tiếng nói của xã hội dân sự ở Miến Điện và chấm dứt việc chi trả các khoản tiền lớn từ việc khai thác khí đốt cho tập đoàn quân sự “tàn ác”. 

Các tài liệu do tổ chức Justice for Myanmar công bố tháng 12 vừa qua cho thấy là các khoản tiền từ mỏ khí đốt Yetagun, do tập đoàn Malasyia Petronas khai thác, được trả cho tập đoàn quân sự qua một tài khoản của ngân hàng nhà nước Foreign Trade Bank của Miến Điện đặt tại chi nhánh Singapore của ngân hàng Malaysian CIMB. Cho nên tổ chức Justice for Myanmar kêu gọi các ngân hàng quốc tế ngưng chi trả cho chính quyền quân sự Miến Điện, đồng thời kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ ban hàng trừng phạt nhắm vào cả các ngân hàng nhà nước của Miến Điện, trong đó có Foreign Trade Bank.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.