Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Bắc Kinh phớt lờ « tẩy chay ngoại giao » Thế Vận Hội mùa đông 2022

Trong vài giờ nữa Bắc Kinh đi vào lịch sử thể thao thế giới với thành tích là nơi duy nhất tổ chức cả Thế Vận Hội mùa hè và mùa đông. Khác hẳn với Olympic 2008, thế giới đã vỡ mộng về « phép lạ » Trung Quốc. Gần một chục nước phương Tây « tẩy chay ngoại giao » sự kiện thể thao trọng đại này. Nhưng đó chưa chắc là điều khiến Bắc Kinh bận tâm. 

Tại một sân vận động trong nhà, nơi chuẩn bị diễn ra các trận đấu khúc côn cầu trên băng của Thế Vận Hội mùa đông 2022, Bắc Kinh, ngày 31/1/2022.
Tại một sân vận động trong nhà, nơi chuẩn bị diễn ra các trận đấu khúc côn cầu trên băng của Thế Vận Hội mùa đông 2022, Bắc Kinh, ngày 31/1/2022. AP - Mark Humphrey
Quảng cáo

Trên khán đài danh dự trong lễ khai mạc, bên cạnh ông Tập Cận Bình, chỉ thấy có nguyên thủ Nga, Ai Cập hay Kazakhstan, hoàng thái tử Ả Rập Xê Út… Đó là những nhà lãnh đạo cai trị đất nước với một bàn tay sắt. Điều đó dường như không làm Bắc Kinh nao núng. Trái lại, chính câu hỏi về hiệu quả của quyết định « tẩy chay » một sự kiện thể thao, dù là « tẩy chay ngoại giao » tức vẫn để các vận động viên tham dự nhưng các phái đoàn chính phủ thì vắng mặt, mới là điều thu hút sự chú ý của các nhà bình luận.   

Báo Nhật Bản The Diplomat hôm 01/02/2022 nhắc lại : Năm 1980, Hoa Kỳ đã huy động được 60 quốc gia « tẩy chay » Olympic Matxcơva đánh động công luận quốc tế về việc Liên Xô vi phạm nhân quyền, bốn năm sau đó Matxcơva lôi kéo được 14 quốc gia trong khối Cộng Sản tẩy chay Thế Vận Hội Los Angeles, nhưng không thuyết phục được Trung Quốc và Roumani.   

Lần này, chừng một chục nước đứng về phía Mỹ - trong số này có Canada, Anh, Nhật Bản hay một nước nhỏ như Litva đang có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc do vấn đề Đài Loan. Có nhiều yếu tố giải thích cho thái độ thận trọng đó với Bắc Kinh, kể cả của chính Washington,    

Trọng tâm của thế giới, kể cả trong lĩnh vực thể thao, đã bắt đầu dịch chuyển sang châu Á. Hơn hẳn các nước phương Tây, Nhật Bản, Trung Quốc và gần đây hơn là Hàn Quốc đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực thể thao, coi đây là một nhịp cầu mở ra với thế giới. Riêng trong trường hợp của Trung Quốc, tác giả bài viết trên The Diplomat, Susan Brownell, xem chiến lược ngoại giao bóng bàn từ thập niên 1970 được Trung Quốc coi như  một công cụ chính trị để phá vỡ thế cô lập và khẳng định vị trí với phần còn lại của thế giới. Chính trong tinh thần đó Thế Vận Hội mùa hè 2008 là « phút đăng quang » : cộng đồng quốc tế hoa mắt trước những thành công chói lọi của Trung Quốc không chỉ về kinh tế, mà cả về khả năng tổ chức sự kiện thể thao trọng đại nhất thế giới. Với Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc chen chân vào câu lạc bộ các siêu cường thế giới và từ 14 năm qua, không còn một ai dám phủ nhận điều đó.   

Từ mùa hè 2008 đến mùa đông 2022  

Có điều Trung Quốc không dừng lại ở thời điểm Thế Vận Hội mùa hè 2008. 14 năm qua, Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, một thị trường màu mỡ ngay cả với các nhà cung cấp trang thiết bị và dịch vụ cho các môn thể thao mùa đông. Bắc Kinh giờ đây tự tin vào sức mạnh cả về công nghệ, lẫn quân sự và ngoại giao của mình để đương đầu trước hàng loạt những chỉ trích của phương Tây trên tất cả mọi hồ sơ, như Biển Đông, Hồng Kông, Tây Tạng hay ý đồ xâm chiếm Đài Loan. Cũng chính những vấn đề này là nguyên nhân khiến Hoa Kỳ tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh năm nay. Tuy nhiên, chỉ nội sự hiện diện của tổng thống Vladimir Putin tại Bắc Kinh lần này,  và Ukraina sẽ là một trong những hồ sơ chính trong các cuộc trao đổi giữa lãnh đạo Nga và Trung Quốc, đã giúp chủ tịch Tập Cận Bình « ghi một bàn thắng quan trọng » về mặt ngoại giao trước khi Olympic 2022 mở màn.   

Ukraina đang là điểm nóng của thế giới huy động biết bao nhiêu nỗ lực ngoại giao cả về phía Hoa Kỳ lẫn Nga, Liên Hiệp Châu Âu ráo riết đóng vai trò trung gian với hy vọng hạ nhiệt tình hình : công luận quốc tế nghĩ gì, nếu như sau khi từ Bắc Kinh trở về, tổng thống Nga Vladimir Putin có một cử chỉ hòa hoãn nào đó trên hồ sơ Ukraina ? Từ một vài ngày qua, một số nhà ngoại giao phương Tây đã đánh tiếng kêu gọi ông Tập Cận Bình « trao đổi » với tổng thống Vladimir Putin để dẹp được một mặt trận nóng tại châu Âu. Không phải tình cờ mà báo chí Âu Mỹ thì không vòng vo bình luận : « Khủng hoảng Ukraina, mọi cặp mắt hướng về Bắc Kinh ».   

Sau cùng, một nguyên nhân nữa khiến Trung Quốc không nao núng vì lời kêu gọi « tẩy chay » Olympic 2022 do có một thực tế không thể chối cãi : « Thể thao là một ngôn ngữ phổ quát của nhân loại, dân chủ thì không ». Giám đốc IRIS, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược của Pháp, Pascal Boniface trả lời báo La Croix (ngày 22/11/2021) ghi nhận như trên, và ông nhìn nhận rằng « tẩy chay » một sự kiện thể thao, dưới hình thức nào đi chăng nữa thì cũng là một vố đau cho nước chủ nhà, nhưng nếu phải trừng phạt Trung Quốc, thì tại sao lại bắt các vận động viên trả giá ?  

Tại sao chỉ tập trung vào một sự kiện thể thao 4 năm mới có một lần để bắt các vận động viên phải trả giá, trong lúc mà các nền dân chủ tôn trọng nhân quyền vẫn giao thương với Trung Quốc và phương Tây vẫn duy trì những trao đổi với Trung Quốc về mặt văn hóa ?  

Về phần nhà sử học Patrick Clastre, đại học Genève, Thụy Sĩ, ông đưa ra một thực tế : « Tẩy chay ngoại giao là một quyết định mang tính tượng trưng » để đánh động công luận về thực trạng nhân quyền tại Trung Quốc, nhưng « tẩy chay một mùa Thế Vận Hội không cho phép làm thay đổi chiến lược quân sự hay kinh tế của quốc gia liên quan ».   

Trong bối cảnh đó chuyên gia về Đông Bắc Á, Antoine Bondaz thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược của Pháp, trên đài phát thanh France Inter hôm 02/02/2022 kết luận: sau thành công mỹ mãn với Thế Vận Hội mùa hè 2008 được cả thế giới công nhận Trung Quốc là một « siêu cường », Olympic mùa đông lần này trước hết là thông điệp mà ông Tập Cận Bình gửi đến hơn 1,4 tỷ dân Trung Quốc vài tháng trước Đại Hội đảng Cộng Sản, đó là thế thượng phong của mô hình Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của ông Tập, so với các mô hình dân chủ. Vì thế, việc một số quốc gia « tẩy chay ngoại giao » sự kiện thể thao này chắc chắn không phải là điều khiến Bắc Kinh bận tâm.   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.