Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nguy cơ Nga xâm lăng Ukraina chưa thật sự chấm dứt

Thông báo của Nga rút một phần lực lượng khỏi vùng biên giới Ukraina phải chăng có nghĩa là mối đe dọa một cuộc xâm lăng của Nga đã chấm dứt ? Hiện giờ chưa ai có thể trả lời câu hỏi này một cách dứt khoát.

Một đoàn tàu hỏa chở quân xa Nga băng qua chiếc cầu nối liền Crimée với Nga ngày 16/02/2022. Ảnh trích từ một đoạn video do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp.
Một đoàn tàu hỏa chở quân xa Nga băng qua chiếc cầu nối liền Crimée với Nga ngày 16/02/2022. Ảnh trích từ một đoạn video do bộ Quốc Phòng Nga cung cấp. AP
Quảng cáo

Đúng là ngay từ thứ hai, tổng thống Vladimir Putin đã bắt đầu tỏ một số dấu hiệu hòa dịu khi tuyên bố rằng vẫn còn cơ may cho con đường ngoại giao. Bộ Quốc Phòng Nga thì cho phổ biến các đoạn video cho thấy các xe tăng tấn công đang rời khỏi vị trí của chúng. Một phát ngôn viên của bộ này khẳng định là một số đơn vị được điều động đến vùng biên giới Ukraina đã kết thúc đợt thao dượt và sẽ quay trở về căn cứ gốc của họ.

Nhưng vấn đề là cho tới nay vẫn chưa có những bằng chứng xác thực cho thấy căng thẳng Ukraina đang thật sự xuống thang. Bộ Quốc Phòng Nga đã không nói rõ có bao nhiêu trung đoàn được rút đi. Hôm nay, tại cuộc họp với các bộ trưởng Quốc Phòng của khối NATO, tổng thư ký của khối này, ông Jens Stoltenberg, báo động là dường như Nga tiếp tục tăng cường sự hiện diện quân sự và như vậy là có thể xâm lăng Ukraina mà không cần báo trước. Ngay từ hôm qua, ông Stoltenberg đã cho rằng chỉ nên lạc quan một cách thận trọng. Theo ông, « việc di chuyển quân Nga không giúp làm giảm căng thẳng nếu các thiết bị quân sự nặng vẫn còn đó, bởi vì quân Nga có thể quay trở lại một cách nhanh chóng ».

Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm qua cũng tỏ ra thận trọng không kém. Theo lời ông, các thông tin tình báo vẫn không có gì đáng lạc quan, nhất là vì có tin Nga đã xây các bệnh viện dã chiến gần biên giới Ukraina và có thêm nhiều toán chiến thuật của các tiểu đoàn tiến đến gần biên giới. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm qua cũng nói thẳng là một cuộc xâm lăng của Nga vẫn hoàn toàn có thể xảy ra, bởi vì lực lượng Nga hiện còn ở tại các vị trí mang tính đe dọa đối với Ukraina.

Theo trang mạng của đài phát thanh Pháp France Info (franceinfo), cho đến hôm thứ hai, một số ảnh vệ tinh còn cho thấy quân đội Nga đang gia tăng hoạt động ở vùng biên giới Ukraina. Cuộc triệt thoái quân Nga chỉ có thể được chứng thực khi chúng ta có những ảnh vệ tinh độc lập cho thấy có một sự di chuyển ồ ạt các binh lính Nga khỏi vùng biên giới Ukraina.

Cũng theo trang franceinfo, thời điểm mà quốc tế có thể kiểm chứng thực tâm của Matxcơva trong việc làm hạ nhiệt đó là ngày 20/02, ngày dự kiến kết thúc các cuộc tập trận chung quy mô lớn giữa Nga với Belarus, nước láng giềng của Ukraina. Nếu các đơn vị tham gia cuộc tập trận này đi về phía Đông thì lúc đó chúng ta mới có thể thật sự xem là căng thẳng đã xuống thang. Hôm nay, ngoại trưởng Belarus Vladimir Makeï bảo đảm : « Sẽ không có một binh lính nào, sẽ không có một thiết bị nào ở lại lãnh thổ Belarus sau các cuộc tập trận chung với Nga ».

Tình hình lại còn rối rắm thêm với việc Viện Douma (Hạ Viện Nga) hôm qua đã thông qua một nghị quyết yêu cầu tổng thống Putin công nhận nền độc lập của các vùng lãnh thổ ly khai thân Nga Donetsk và Lougansk ở Ukraina, mà từ 8 năm qua vẫn chiến đấu chống quân đội Ukraina với sự trợ giúp của Matxcơva. Hiện giờ, theo lời phát ngôn viên điện Kremlin, chính quyền Nga chưa có quyết định chính thức nào về việc này, nhưng theo ông, yêu cầu của các dân biểu Viện Douma « phản ánh nguyện vọng của người dân Nga ». Hôm qua, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã cảnh cáo là việc Matxcơva công nhận các lãnh thổ ly khai nói trên là đồng nghĩa với « một cuộc tấn công không vũ khí ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.