Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Serbia, cửa ngõ đưa vũ khí Trung Quốc vào châu Âu

Là một đồng minh của Nga tại châu Âu, Serbia vừa nhận được một lô tên lửa địa đối không hiện đại FK-3 của Trung Quốc vào cuối tuần qua. Vũ khí hiện đại của Trung Quốc liệu có đe dọa ổn định trong vùng Balkan, nơi mà ngọn lửa dân tộc chủ nghĩa giữa Serbia và Bosnia vẫn chưa được dập tắt ? Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina, lo ngại của phương Tây càng lớn hơn nữa trước khả năng Trung Quốc gián tiếp cung cấp vũ khí tối tân cho Nga.

Máy bay vận tải quân sự Y-20 của Không Quân Trung Quốc chuẩn bị đáp xuống Beograd (Serbia) ngày 11/04/2022.
Máy bay vận tải quân sự Y-20 của Không Quân Trung Quốc chuẩn bị đáp xuống Beograd (Serbia) ngày 11/04/2022. AP - Darko Vojinovic
Quảng cáo

Là một người rất ngưỡng mộ Vladimir Putin, nhưng lại chủ trương đưa Serbia gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Aleksandar Vucic vừa tái đắc cử tổng thống Serbia hôm Chủ Nhật vừa rồi và gần như cùng lúc, 6 chiếc máy bay vận tải quân sự cỡ lớn của Trung Quốc Y-20 đã lần lượt đáp xuống phi trường quốc tế Beograd, mang theo hệ thống tên lửa địa đối không FK-3.

Phát biểu hôm nay, 13/04/2022, tổng thống Aleksandar Vucic khẳng định lô vũ khí vừa nhận được của Trung Quốc là « niềm tự hào mới » của quân đội Serbia, nhưng bộ Quốc Phòng đã lúng túng, từ chối bình luận về vụ Bắc Kinh giao tên lửa.

Khác hẳn với thái độ lúng túng của Beograd, Bắc Kinh hân hoan thông báo « đội ngũ máy bay vận tải Trung Quốc vừa thực hiện phi vụ quy mô nhất trên trường quốc tế », như lời một quan chức của đội quân hùng hậu nhất thế giới, được Hoàn Cầu Thời Báo trích dẫn.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên, trong một cuộc họp báo, xác nhận đã « chuyển giao trang thiết bị quân sự cho Serbia trong khuôn khổ hợp tác thường niên ». Quan chức này nói thêm phi vụ đó « không nhắm vào bất kỳ một quốc gia nào khác và không liên quan đến tình hình hiện nay ». Không chắc đại diện ngoại giao Trung Quốc trấn an được châu Âu, hiện lo ngại khi thấy máy bay vận tải quân sự Trung Quốc đáp xuống phi trường Beograd. Chuyến bay chở vũ khí Trung Quốc đã bay qua hai nước thành viên NATO là Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgari.

Theo các chuyên gia quân sự quốc tế, vụ giao tên lửa cho Beograd cho thấy Trung Quốc đang khẳng định thêm vị trí của mình trên thị trường xuất khẩu vũ khí. Chính Hoàn Cầu Thời Báo đã nhấn mạnh chỉ nội việc điều máy bay vận tải Y-20 sang đến tận Serbia là bằng chứng về « khả năng vận chuyển của quân đội Trung Quốc trong các chiến dịch mang tính chiến lược ».

Y-20 là máy bay vận tải quân sự thế hệ mới mà quân đội Trung Quốc bắt đầu sử dụng từ 2016. Loại máy bay vận tải này từng được điều sang Matxcơva tham dự các cuộc diễu binh, hay được Không Quân Trung Quốc sử dụng để sách nhiễu Đài Loan. Gần đây nhất, hồi tháng Giêng vừa qua, cũng những chiếc máy bay vận tải quân sự Y-20 được lệnh chở hàng cứu trợ nạn nhân núi lửa tại quần đảo Tonga trong vùng Thái Bình Dương. 

Liên quan đến hệ thống tên lửa địa đối không FK-3 vừa giao cho Serbia, trang mạng OPEX360.com chuyên về quân sự tiết lộ đây là phiên bản của hệ thống HQ-22 quân đội Trung Quốc đã sử dụng từ 2017. Trên nguyên tắc, hệ thống này có thể nhắm vào các mục tiêu ở độ cao từ 27.000 mét và cách xa đến 100 cây số. Đây là một hệ thống phòng thủ chống lại « máy bay tiêm kích, trực thăng, drone hay tên lửa hành trình » của đối phương.

Vấn đề đặt ra là vũ khí Trung Quốc trên lãnh thổ Serbia đang làm dấy lên nhiều lo ngại. Beograd và Bắc Kinh cùng có lập trường bài Mỹ. Serbia vẫn chưa quên chiến dịch oanh tạc mà Liên Minh Bắc Đại Tây Dương tiến hành hồi 1999 trong chiến tranh Kosovo. Cũng chính ở vào thời điểm đó tòa đại sứ Trung Quốc tại Beograd đã bị trúng bom, làm 3 công dân Trung Quốc thiệt mạng và gây nhiều thiệt hại vật chất. NATO sau này đã nhìn nhận « bắn nhầm mục tiêu ».

Lo ngại thứ nhì của phương Tây xuất phát từ thái độ mập mờ của Beograd. Năm 2019, khi Serbia ký hợp đồng mua tên lửa Trung Quốc, Hoa Kỳ đã cảnh cáo chính quyền của tổng thống Vucic nên « dứt khoát tỏ rõ lập trường » : Serbia không thể vừa thân thiện với Nga, với Trung Quốc, trang bị vũ khí của hai đối thủ chiến lược của phương Tây, vừa đòi gia nhập Liên Hiệp Châu Âu và một số tổ chức khác của khối tự do. Còn với nước Nga, Âu Mỹ ghi nhận tổng thống Vucic đã không vội vàng lên án Matxcơva xâm chiếm Ukraina và vì những « lợi ích sống còn gắn liền Serbia với nước Nga », Beograd đã không ngả theo Mỹ và Liên Âu cấm vận kinh tế Nga.

Lo ngại thứ ba,Serbia là quốc gia đầu tiên tại châu Âu đang tích lũy vũ khí của Trung Quốc và Nga, sau khi đã mua từ máy bay đến xe bọc thép, đạn dược và kể cả drone của Trung Quốc. Beograd đang tính toán gì với kho vũ khí càng lúc càng lớn đang có trong tay ? Liệu đây có là dấu hiệu báo trước căng thẳng lại dấy lên trong vùng Balkan ? Đến nay Beograd vẫn không công nhận Kosovo là một quốc gia độc lập, trong khi đó thì Liên Hiệp Châu Âu đã tăng cường hiện diện quân sự tại Bosnia.

Sau cùng, do mối liên hệ thân thiết giữa Serbia với hai đối tác là Trung Quốc và Nga, và gần đây hơn là những tuyên bố về một mối liên minh « không giới hạn » gắn kết Matxcơva với Bắc Kinh, khiến phương Tây tự hỏi liệu Serbia có là một cửa ngõ để vũ khí Trung Quốc chuyển đến nước Nga hay không, sau tiết lộ của một số báo chí Anh, Mỹ rằng Matxcơva yêu cầu Bắc Kinh cung cấp trang thiết bị quân sự cho cuộc chiến tranh Ukraina ? Không ai lường được những hậu quả kèm theo, nếu lo ngại đó của phương Tây là có cơ sở.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.