Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chiến tranh Ukraina: Biện pháp cấm vận dầu Nga sẽ chỉ có hiệu quả tương đối

Với lệnh cấm vận dầu hỏa được Ủy Ban Châu Âu đề xuất hôm 04/05/2022, sợi dây thòng lọng bóp nghẹt nền kinh tế Nga đã được siết chặt thêm. Câu hỏi đặt ra vẫn là liệu biện pháp này có thể làm Matxcơva suy yếu đến mức dừng cuộc chiến tại Ukraina hay không? 

Ảnh minh họa : Khu khai thác dầu lửa Yarakta, thuộc sở hữu của Công ty Dầu Irkutsk (INK), vùng Irkutsk, Nga, ngày 10/03/2019.
Ảnh minh họa : Khu khai thác dầu lửa Yarakta, thuộc sở hữu của Công ty Dầu Irkutsk (INK), vùng Irkutsk, Nga, ngày 10/03/2019. REUTERS - VASILY FEDOSENKO
Quảng cáo

Điều hiển nhiên là biện pháp cấm vận dầu hỏa Nga là một quyết định rất hợp lý vì khi tiếp tục mua năng lượng của Nga, Liên Hiệp Châu Âu đã mặc nhiên tài trợ cho cuộc chiến của Vladimir Putin tại Ukraina. 

Theo ước tính của Trung Tâm Nghiên Cứu Năng Lượng và Không Khí Sạch (CREA) tại Phần Lan, kể từ khi Nga mở chiến dịch xâm lược Ukraina, Liên Âu đã trả cho Nga đến hơn 53 tỷ euro chi phí mua năng lượng, bao gồm 21 tỷ mua dầu hỏa, gần 31 tỷ mua khí đốt và 881 triệu mua than. 

Để xóa bỏ nghịch lý kể trên, ngày 08/04, khối Liên Âu đã thực hiện bước đầu tiên bằng cách quyết định dừng mua than đá của Nga. Đề nghị cấm vận dầu mỏ của Nga, chiếm 26% lượng dầu nhập khẩu của Liên Âu, là bước kế tiếp, trong khi chờ đợi bước tối hậu và phức tạp nhất là dừng mua khí đốt. 

Nếu quyết định về than đá có tác động không đáng kể, thì việc Liên Âu xóa bỏ nguồn thu từ dầu mỏ của Điện Kremlin, trên lý thuyết có ý nghĩa hơn rất nhiều vì cho phép tước đi một nguồn tài trợ đáng kể cho cuộc chiến ở Ukraina.  

Dầu thô chiếm một vị trí quan trọng trong ngân sách nước Nga. Trong năm 2021, doanh thu xuất khẩu dầu hỏa qua châu Âu chiếm đến 11% GDP của Nga, trong lúc khí đốt chỉ chiếm 2,5%. Và kể từ khi cuộc chiến Ukraina nổ ra, doanh thu từ xuất khẩu dầu hỏa của Nga đã tăng lên gấp đôi, và khoản tiền khổng lồ này đã giúp tài trợ cho các chi phí đặc biệt, quân sự hoặc xã hội, liên quan đến cuộc chiến ở Ukraina. 

Khó tìm được thị trường thay thế Châu Âu 

Vấn đề đặt ra là Matxcơva không phải là không tính tới khả năng Liên Âu đóng cửa thị trường đối với dầu mỏ Nga. Trong thời gian qua, các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc và Ấn Độ đã đổ xô vào mua dầu thô của Nga đang được bán ra với giá thấp. 

Thế nhưng, theo giới chuyên gia phân tích, khả năng Nga nhanh chóng tìm được thị trường mới đủ sức hấp thụ một lượng dầu tương đương với châu Âu trước mắt có vẻ khá hạn chế. Hai thị trường Trung Quốc và Ấn Độ sẽ không thể tiêu thụ hai triệu rưỡi thùng mà Nga vận chuyển đến châu Âu mỗi ngày.  

Bên cạnh đó, vấn đề giá cả sẽ không có lợi cho Nga, vì Matxcơva sẽ bị các khách hàng mới bắt bí. Ấn Độ chẳng hạn, hiện đang đàm phán để mua dầu của Nga ở mức 70 đô la/thùng, trong khi giá dầu Brent đã tăng lên mức trên 100 đô la/thùng. Do đó, nguồn thu từ dầu mỏ của Nga chắc chắn sẽ bị giảm sụt theo lệnh cấm vận của Liên Âu. 

Một khó khăn khác đối với Nga là các đường ống dẫn dầu chính của Nga đều hướng về phương Tây. Chỉ có một đường ống duy nhất nối Nga với Trung Quốc và tuyến này đang hoạt động hết công suất. Để xây dựng một mạng lưới mới phục vụ châu Á tương tự như đường ống đã cung cấp dầu thô cho châu Âu, Nga sẽ phải mất không chỉ vài tháng, mà là nhiều năm và rất nhiều tiền của.  

Phương án vận chuyển bằng đường thủy, thông qua các tàu chở dầu cỡ lớn cũng sẽ gặp trở ngại vì không chắc chủ nhân các con tàu này sẵn sàng hứng chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây. 

Và nếu không có khách hàng, các nhà sản xuất Nga sẽ bị buộc phải đóng cửa các giếng dầu, và trái với các đối thủ vùng Vịnh như Ả Rập Xê Út, việc mở lại sản xuất sau khi đóng cửa đối với ngành khai thác tại Nga không dễ dàng.  

Tóm lại, lệnh cấm vận dầu mỏ của Liên Âu sẽ có tác động tiêu cực đến cả doanh thu xuất khẩu và năng lực sản xuất của Nga. Tuy nhiên, cấm vận của châu Âu cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường quốc tế. Nếu xuất khẩu của Nga giảm, điều này có thể đẩy giá dầu lên cao, qua đó giúp Nga bù đắp một phần thiếu hụt.  

Nhìn chung, cấm vận dầu mỏ Nga của châu Âu sẽ làm suy yếu nền kinh tế Nga, nhưng không nhất thiết ngăn cản điện Kremlin tiếp tục cuộc chiến ở Ukraina. Tháng Tư vừa qua, Quỹ Tài Sản Chủ Quyền của Nga đã có đến 155 tỷ đô la, đủ để trang trải chi phí chiến tranh và chi phí xã hội nếu nguồn thu từ dầu mỏ bị cạn kiệt. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.