Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Philippines : Marcos Junior dịu với Trung Quốc về Biển Đông để ưu tiên hợp tác kinh tế

Khoảng 30 triệu cử Philippines đã dành phiếu cho Ferdinand Marcos Junior, con trai của nhà độc tài Marcos, trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 09/05/2022. Chính sách đối ngoại chưa bao giờ là lý do khiến cử tri bỏ phiếu cho một ứng cử viên, nhưng vấn đề chủ quyền của Philippines ở Biển Đông cũng như mối quan hệ với Trung Quốc sẽ được xử lý như nào trong nhiệm kỳ của ông Marcos Junior ? 

Hình ảnh đăng tải trên Facebook của Bongbong Marcos, ứng viên tổng thống Philippines, ngày 09/05/2022.
Hình ảnh đăng tải trên Facebook của Bongbong Marcos, ứng viên tổng thống Philippines, ngày 09/05/2022. AP
Quảng cáo

Ông Marcos Junior, người được « tổng thống mãn nhiệm Duterte dọn đường » sẽ hoàn toàn tự do theo đuổi chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm, đặc biệt là với một phó tổng thống cũng là con gái của ông Duterte. 

Theo giới quan sát, Marcos Junior sẽ tiếp tục lập trường hữu hảo với Trung Quốc. Không thẳng thừng coi phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực La Haye năm 2016 là « tờ giấy lộn » như cách gọi của người tiền nhiệm, nhưng ông Marcos Junior lại thấy « vô ích » khi áp dụng phán quyết, mà theo ông « không còn ý nghĩa trọng tài » vì chỉ có một bên tham gia (Philippines), còn Bắc Kinh « sẽ không nghe những phán quyết của Tòa »

Phát biểu trong một diễn đàn vào tháng 01/2022, con trai của cố độc tài thừa nhận « biển Tây Philippines (tên gọi Biển Đông của Philippines) hiện là một điểm nóng về mặt địa chính trị » và Philippines sẽ đi theo « một nguyên tắc đơn giản : chúng ta sẽ không nhân nhượng một centimet vuông nào cho bất kỳ nước nào ». Ông khẳng định Philippines « phải tìm ra được đường lối riêng ». Tuy nhiên, theo những phát biểu sau đó của ông Ferdinand Marcos Junior, đường lối riêng đó sẽ được bắt đầu từ việc duy trì « mối quan hệ hài hòa với nước láng giềng lớn phương bắc »

Đây chính là sự tiếp nối chính sách của tổng thống Duterte. Theo ông Wang Yiwei, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế của Đại học Nhân Dân Trung Quốc, được báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn, « nhìn từ quan điểm phát triển của Philippines, dù là về mặt kinh tế quốc gia, phát triển cơ sở hạ tầng, thậm chí là hòa bình và an ninh, thì việc duy trì một mối quan hệ tương đối tốt với Trung Quốc sẽ có lợi cho an ninh và phát triển của Philippines »

Chính quyền mới kỳ vọng rằng mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh có thể tạo cơ hội cho Philippines thu hút thêm đầu tư của Trung Quốc. Tổng thống Duterte từng kỳ vọng như vậy để rồi phải « vỡ mộng ». Tuy nhiên, giữa tổng thống đắc cử và Trung Quốc dường như đã có một mối quan hệ khá thân thiện. Tháng 10/2021, Marcos Junior là khách mời danh dự của đại sứ quán Trung Quốc ở Manila trong buổi khai trương một triển lãm ảnh, trong đó có một bức ảnh của nhà độc tài Marcos, ngồi phía dưới hai lá cờ Philippines và Trung Quốc. 

Nói tóm lại, để « giữ thế cân bằng tế nhị » tại Biển Đông, tổng thống đắc cử Marcos sẵn sàng đưa ra thảo luận song phương với Trung Quốc về những bất đồng, tranh chấp chủ quyền trong vùng biển. Điểm này luôn được Bắc Kinh yêu cầu, thậm chí là tìm cách áp đặt đối với các nước có tranh chấp, thay vì phải đàm phán với toàn khối ASEAN. 

Ngoài ra, ông muốn « một cách tiếp cận cân bằng hơn » để vẫn duy trì quan hệ thân thiện với Bắc Kinh nhưng đồng thời cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Trái với tổng thống Duterte, người nhiều lần dọa hủy các thỏa thuận quân sự với Mỹ, để đến gần phút cuối mới quyết định duy trì hiệp ước phòng thủ chung có từ năm 1951, ít nhất trong 6 năm tới, Mỹ vẫn có thể đưa quân và thiết bị quân sự vào Philippines nếu ông Marcos Junior giữ lời hứa duy trì các hiệp ước với Washington. Về các liên minh quân sự quốc tế, như Bộ Tứ - QUAD, ông Marcos Junior cổ vũ vì « có lợi ích cho Philippines » nhưng lại không tin vào « phạm vi ảnh hưởng » trong khu vực của các cường quốc. 

Cuối cùng, bên hài lòng nhất với kết quả bầu cử tổng thống Philippines vẫn là Bắc Kinh. Trong bài xã luận ngày 10/05, Global Times, cơ quan ngôn luận tiếng Anh của đảng Cộng Sản Trung Quốc, tỏ ra hân hoan : « Cam kết với Trung Quốc « sẽ được tiếp tục » trong thời hậu Duterte, bất chấp yếu tố Mỹ »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.