Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Gia nhập NATO : Thụy Điển và Phần Lan vẫn lo Thổ Nhĩ Kỳ cản đường

NATO trở nên « hùng mạnh hơn và vững chắc hơn » khi kết nạp thêm Thụy Điển và Phần Lan. Tuy nhiên, hy vọng vừa nhen nhúm của NATO đã bị Thổ Nhĩ Kỳ dội gáo nước lạnh. Bản ghi nhớ thỏa thuận, ký vào tối 28/06/2022, còn chưa kịp ráo mực, Ankara đã đưa ra yêu cầu đầu tiên, buộc Phần Lan và Thụy Điển dẫn độ 33 thành viên của đảng Những người lao động Kurdistan PKK và phong trào FETO của giáo sĩ Gullen, người bị coi đứng sau cuộc đảo chính hụt năm 2016.

Tổng thống  Recep Tayyip Erdogan (G) bắt tay ngoại trưởng Thụy Điển bà Ann Linde dưới sự chứng kiến của tổng thư ký NATO và tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh ngày 28/06/2022.
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan (G) bắt tay ngoại trưởng Thụy Điển bà Ann Linde dưới sự chứng kiến của tổng thư ký NATO và tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto. Ảnh ngày 28/06/2022. © Bernat Armangue/AP
Quảng cáo

Đảng PKK và phong trào FETO đều bị chính quyền Ankara liệt vào danh sách « khủng bố ». Theo AFP, dẫn độ những phần tử « khủng bố » là một trong ba yêu cầu chính của Thổ Nhĩ Kỳ trong biên bản ghi nhớ thỏa thuận : Dỡ bỏ các hạn chế về việc xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ, thay đổi thái độ đối với các tổ chức Kurdistan bị Ankara liệt là « khủng bố » ; dẫn độ các nhà đấu tranh người Kurdistan hoặc theo phong trào FETO hiện đang sống tại Thụy Điển và Phần Lan.

Liệu rạn nứt đầu tiên đã bắt đầu ?

Ngày 29/06, bộ Tư Pháp Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu Phần Lan dẫn độ 6 thành viên của đảng PKK, 6 thành viên của phong trào FETO. Tương tự, Thụy Điển phải dẫn độ 11 thành viên PKK và 10 thành viên của FETO. Theo lập luận của ngành tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ, « niềm tin trong nội bộ NATO chỉ có thể được bảo đảm khi giữ được an ninh của các nước thành viên ».

Cả Helsinki và Stockholm đều dập ngay hy vọng của Ankara. Trong buổi họp báo ở Madrid (Tây Ban Nha), tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto khẳng định : « Tất cả những vụ đó đã được xử lý ở Phần Lan. Nếu đó là quyết định của tư pháp thì chúng tôi (chính phủ) không thể và cũng sẽ không làm gì được ».

Ngoại trưởng Thụy Điển Ann Linde tuyên bố mạnh mẽ « sẽ không để bị khuất phục trước ông Erdogan » và cam kết « sẽ không dẫn độ ai khi không có bằng chứng về hoạt động khủng bố ».

Quá nhân nhượng Thổ Nhĩ Kỳ ?

Thế nhưng, Helsinki và Stockholm « thất hứa » được bao lâu khi Ankara dọa « sẽ nhắc lại với họ là phải giữ lời hứa ». Cả ba yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ đều bị chính giới và giới bảo vệ nhân quyền ở Thụy Điển và Phần Lan đánh giá là « rất quan ngại ».

Về việc xuất khẩu vũ khí, trên thực tế, từ khi Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp quân sự vào Syria tháng 10/2019, Thụy Điển và Phần Lan không cung cấp vũ khí cho Ankara. Tuy nhiên, chính quyền Stockholm khẳng định « không có lệnh cấm vận nào được ban hành trên quy mô quốc gia », nhưng vẫn cam kết sẽ nới lỏng chính sách xuất khẩu cho các nước thành viên của NATO.

Nương tay với Thổ Nhĩ Kỳ về xuất khẩu vũ khí, nhân nhượng trong vấn đề dẫn độ trở thành tâm điểm « quan ngại » của một số chính đảng ở Thụy Điển. Liệu Thụy Điển sẽ trang bị vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến tại Syria ? Việc cả Helsinki và Stockholm xác nhận liệt PKK là tổ chức khủng bố và cam kết « không ủng hộ » các đồng minh YPG của tổ chức này ở Syria sẽ đẩy số phận của cộng đồng người Kurdistan, lên đến 100.000 người ở Thụy Điển, đi đến đâu ? Liệu những người chỉ trích chế độ Ankara sẽ bị trục xuất khỏi Thụy Điển ?

Một mặt, do đang cần đến sự ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ để được gia nhập NATO, cả Thụy Điển và Phần Lan cam kết rằng hồ sơ dẫn độ sẽ được nghiên cứu « kỹ lưỡng và khẩn trương » và sẽ tính đến những chỉ dẫn của Thổ Nhĩ Kỳ. Mặt khác, ngoại trưởng Thụy Điển cũng trấn an « không có lý do để người Kurdistan nghĩ rằng các quyền về con người và dân chủ của họ bị đe dọa ». Tuy nhiên, thái độ cứng rắn này sẽ kéo dài được bao lâu ? Vì khả năng Ankara quay ngoắt vẫn rất cao, trong khi ngành ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ vẫn bị coi là « khó lường », theo nhận định của cựu thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt.

Vẫn thường đi ngược lại những lợi ích chung của NATO, Thổ Nhĩ Kỳ tự hào « đã nhận được những gì mình muốn ». Nếu làm trái ý Ankara, chính quyền của tổng thống Erdogan dọa lại dùng quyền phủ quyết để ngăn hai nước Bắc Âu gia nhập NATO. Từ giờ đến mùa thu, thời điểm có thể được kết nạp, Thụy Điển và Phần Lan vẫn phập phồng lo sợ vì lưỡi gươm Damocles của Thổ Nhĩ Kỳ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.