Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Quyết định từ chức của Boris Johnson chỉ tác động hạn chế đến hậu thuẫn Anh Quốc dành cho Ukraina

Chỉ vài phút sau khi ông Boris Johnson loan báo quyết định rời bỏ chức vụ thủ tướng Anh vào hôm qua, 07/07/2022, phía Ukraina đã đồng loạt lên tiếng cảm ơn người đứng đầu chính phủ Anh. Thậm chí, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenski còn tỏ ý lấy làm tiếc về việc ông Johnson ra đi.

Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy (T) và thủ tướng Anh Boris Johnson (P) thăm khu sân chơi Mykhailivska bị quân đội Nga oanh kích, Kiev, Ukraina, ngày 17/06/2022.
Tổng thống Ukraina Volodymyr Zelenskiy (T) và thủ tướng Anh Boris Johnson (P) thăm khu sân chơi Mykhailivska bị quân đội Nga oanh kích, Kiev, Ukraina, ngày 17/06/2022. © REUTERS - UKRAINIAN PRESIDENTIAL PRESS
Quảng cáo

Thiện cảm của chính quyền Kiev đối với thủ tướng Anh sắp mãn nhiệm tỷ lệ thuận với sự giúp đỡ rất nhiệt tình mà Anh Quốc dành cho Ukraina trong cuộc chiến chống Nga, điều được cho là sẽ không thay đổi gì nhiều với một lãnh đạo mới tại Luân Đôn.

Phải nói là kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina từ cách nay 4 tháng, Anh Quốc đã nổi lên thành quốc gia châu Âu nhiệt tình nhất trong việc chi viện cho Ukraina.

Về phần mình, thủ tướng Boris Johnson đã liên tục có những tuyên bố ủng hộ Kiev, phê phán những ai còn chần chờ trong việc giúp đỡ nước đang bị tấn công, bất ngờ đến tận Ukraina để bày tỏ hậu thuẫn. Mới hôm qua 07/07, ông Johnson còn tuyên bố là "Vương Quốc Anh sẽ tiếp tục ủng hộ cuộc chiến giành tự do của Ukraina cho đến chừng nào còn có thể".

Dưới sự lãnh đạo của ông, Anh là một trong những quốc gia đầu tiên cung cấp vũ khí sát thương cho Kiev, và từ đó đã tăng cường hỗ trợ quân sự một cách đáng kể cho Ukraina. Tên lửa chống tăng NLAW của Anh là một trong những loại vũ khí rất hữu ích cho Kiev.

Vào cuối tháng 6, một gói viện trợ mới trị giá một tỷ bảng Anh (1,16 tỷ euro) cho Ukraina đã được tháo khoán, bao gồm các hệ thống phòng không và máy bay không người lái, và nâng tổng viện trợ quân sự của Anh lên mức 2,3 tỷ bảng Anh.

Tuy nhiên, việc thủ tướng Anh Boris Johnson từ chức không đặt lại vấn đề về sự hỗ trợ của Luân Đôn trong bối cảnh cuộc chiến tiếp tục hoành hành ở Ukraina, theo nhận định của giới quan sát. 

Bà Sylvie Bermann, cựu đại sứ Pháp tại Vương Quốc Anh và Nga, nhận xét : "Đường lối chung sẽ vẫn thế, dù phong cách sẽ khác. Hỗ trợ cho Kiev là một chủ trương được chia sẻ rất nhiều ở Anh vì vậy sẽ không có thay đổi". 

Lord Peter Ricketts, cựu cố vấn an ninh Anh và cựu đại sứ của Vương quốc Anh tại Pháp nhận định : "Bất cứ ai là thủ tướng đều có thể ít nhiều làm điều tương tự, Johnson đã mang phong cách riêng của mình vào đó, nhưng đó là một chính sách sẽ tồn tại lâu hơn ông ấy"

Đây cũng là ý kiến của Bertrand Badie, một chuyên gia Pháp về quan hệ quốc tế, khi cho rằng sẽ có "một bước ngoặt trong phong cách ngoại giao" so với thời Johnson, nhưng một sự tiếp tục trong "bản chất và tính nhất quán của chính sách đối ngoại"

Đối với các chuyên gia trên, do bản tính cá nhân hay "chơi nổi", ông Boris Johnson đã thu hút sự chú ý đến vai trò của Anh. Tuy nhiên, Luân Đôn không phải là thủ đô duy nhất nỗ lực viện trợ tài chính và quân sự cho Kiev.

Bà Sylvie Bermann lưu ý rằng ông Boris Johnson nổi tiếng là thích cường điệu, phô trương, và trên vấn đề trợ giúp Ukraina cũng thế. Còn Lord Peter Ricketts nói thêm : "Có một chút tinh thần ganh đua trong cách tiếp cận của người Anh", với quyết tâm là phải "cho những người châu Âu khác thấy rằng Anh có thể làm được nhiều hơn họ".

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.