Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nga - Trung tìm cách lôi kéo Ấn Độ để chống lại ảnh hưởng của Mỹ

Sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc toàn cầu tại Ấn Độ - Thái Bình Dương đang biến khu vực này thành tâm điểm của địa chiến lược với sự hiện diện quân sự ngày càng lớn. Trước những hoạt động ngoại giao và quân sự dồn dập của Mỹ trong khu vực, Trung Quốc và Nga đang tìm cách thắt chặt các mối quan hệ với Ấn Độ.   

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và đồng cấp Vladimir Putin tại Brasilia, Brazil, ngày 14/11/2019.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi (G), chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) và đồng cấp Vladimir Putin tại Brasilia, Brazil, ngày 14/11/2019. © AP - Eraldo Peres
Quảng cáo

Trong một bài viết đề tựa « Vì sao Ấn Độ là quan trọng đối với Nga và Trung Quốc trong mục tiêu chống ảnh hưởng của Mỹ tại Ấn Độ - Thái Bình Dương ? » đăng trên trang mạng của South China Morning Post, ông Danil Bochkov, một chuyên gia của Hội Đồng Quan Hệ Quốc Tế Nga trước hết ghi nhận, sự hiện diện của Ấn Độ trong cuộc tập trận « Vostok 2022 » của Nga năm nay đặc biệt thu hút sự chú ý của nhiều nhà quan sát, bởi vì năm 2018, Ấn Độ đã không tham gia.   

Theo vị chuyên gia này, sự tham dự của Ấn Độ năm nay, cho thấy có những nỗ lực từ phía Nga và Trung Quốc nhằm thu hút nhiều nước ủng hộ, củng cố các liên minh của riêng mình trong bối cảnh hai nước đang bị phương Tây xa lánh. Và nhất là trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ đã có những hoạt động ngoại giao rất tích cực và gia tăng sự hiện diện quân sự trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.   

Những căng thẳng ở eo biển Đài Loan trong tháng 8/2022, các cuộc tập trận giữa Úc với các nước đồng minh NATO cũng như việc Washington thông báo có khả năng thông qua hợp đồng bán vũ khí cho Đài Bắc ước tính trị giá 1,1 tỷ đô la… khiến Nga và Trung Quốc buộc phải có những biện pháp đối phó nhằm bảo đảm sự ảnh hưởng mạnh mẽ của hai nước tại khu vực.   

"Đấu trường" ở Ấn Độ - Thái Bình Dương

Trong bối cảnh khu vực này đang trở thành một đấu trường quan trọng cho các cường quốc, nơi mà họ có thể thiết lập các tiêu chí mới cho một trật tự thế giới đang bị chao đảo vì cuộc khủng hoảng Ukraina, thì Ấn Độ chắc chắn là một nền tảng cho cấu trúc an ninh vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương. Với chính sách đối ngoại « không liên kết », Ấn Độ luôn duy trì danh tiếng « nước trung lập » trong khu vực, bất chấp các áp lực níu kéo từ các liên minh do Mỹ dẫn đầu hay từ khối BRICS – Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi hoặc SCO.  

Chuyên gia Danil Bochkov cho rằng sẽ là một sai lầm khi suy đoán rằng New Dehli có xu hướng xích lại gần Washington khi tham gia Bộ Tứ - QUAD, tham gia tập trận « Yudh Abhyas » giữa Mỹ và Ấn Độ vào tháng 10/2022 gần biên giới tranh chấp Ấn – Trung hay như khả năng hậu thuẫn đề xuất áp mức giá trần dầu hỏa Nga của Washington. Ấn Độ đã khiến nhiều nước phương Tây bất ngờ khi không lên án hành động xâm lược Ukraina của Nga, và tham gia tập trận « Vostok 2022 » theo lời mời từ Matxcơva.   

Về phần mình, Bắc Kinh và New Dehli gần đây thông báo hạ nhiệt căng thẳng để bình thường hóa quan hệ. Ngày 12/09, đôi bên chính thức hoàn tất việc rút quân khỏi vùng Hot Springs-Gogra, trên cao nguyên Ladak, chấm dứt cuộc xung đột chết chóc bùng phát hồi năm 2020, sau 15 vòng đàm phán.    

Chuyên gia này lưu ý, Nga và Trung Quốc không đồng tình với bất kỳ một động thái nào nhằm gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực. Cả Matxcơva và Bắc Kinh cùng lên tiếng cảnh cáo ý đồ hình thành một kiểu NATO tại châu Á của Washington. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hồi tháng Ba năm nay đã mạnh mẽ chỉ trích « một số thế lực (hàm ý Mỹ) đã tìm cách "gây căng thẳng" giữa Trung Quốc và Ấn Độ" và "gieo rắc bất hòa" giữa Nga và Trung Quốc ».  

Trong bối cảnh này, chuyên gia Bochkov kết luận : Nếu Matxcơva và Bắc Kinh muốn giữ NATO tránh xa châu Á, thì việc ve vãn Ấn Độ là điều quan trọng. Điều này cũng đã được lãnh đạo hai nước Nga và Trung Quốc nhấn mạnh trong một cuộc họp ngày 05/8, theo đó, mục tiêu của hai nước là sẽ tăng cường hợp tác trong khuôn khổ BRICS và quan hệ Nga – Ấn – Trung. Chiến lược này còn được tổng thống Nga nhắc lại trong học thuyết đối ngoại mới, công bố hôm 05/9, khẳng định rằng Nga phải tăng cường hợp tác với Trung Quốc và Ấn Độ.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.