Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nga: Lệnh động viên quân dự bị đẩy đất nước vào rối loạn xã hội

Lệnh động viên một phần quân dự bị để hoàn thành mục tiêu quân sự ở Ukraina của tổng thống Nga Vladimir Putin nhiều ngày qua đang thu hút sự chú ý của giới quan sát. Với hơn một tuần thực thi, quyết định mất lòng dân này đã bắt đầu gây ra những hỗn loạn lan rộng trong xã hội Nga, có thể dẫn tới những rủi ro cho quyền lực của ông Putin.

Người Nga đi bộ trên đường phố thị trấn Verkhny Lars (Gruzia) sau khi vượt qua biên giới giữa Gruzia và Nga, ngày 27/09/2022.
Người Nga đi bộ trên đường phố thị trấn Verkhny Lars (Gruzia) sau khi vượt qua biên giới giữa Gruzia và Nga, ngày 27/09/2022. © AP Photo/Zurab Tsertsvadze
Quảng cáo

Sau gần 7 tháng phát động cuộc chiến tranh xâm lược vào Ukraina, trước áp lực của diễn biến bất lợi trên chiến trường miền đông nước này, trong quyết tâm đạt mục tiêu đề ra cho « chiến dịch quân sự đặc biệt » của mình, ông Vladimir Putin đã ra lệnh động viên một phần quân dự bị, tức huy động ồ ạt dân chúng vào cuộc chiến tranh ở xa đất nước mình hàng nghìn km.

Từ khi tổng thống Putin thông báo hôm 21/09, động viên 300 nghìn trong danh sách quân dự bị của Nga để tiếp tục theo đuổi cuộc xâm lược đang bị sa lầy ở Ukraina, nước Nga không còn hòa bình, không khí lo sợ chiến tranh đã lan nhanh trên cả nước. Liên tiếp các sự cố xảy ra trong việc tuyển quân, gọi lính; ở hàng loạt các thành phố lớn trên khắp cả nước là các cuộc biểu tình phản đối lệnh động viên cũng như cuộc chiến tranh ở Ukraina bất chấp bị trấn áp, bắt bớ. Hàng chục nghìn người trong diện có thể bị động viên vào quân đội ùn ùn chạy sang các nước xung quanh Nga tạo thành một dòng người di dân giờ có thể gọi là « tị nạn trốn lính ».

Song song với làn sóng người chạy trốn quân dịch là các cuộc biểu tình chống bắt lính nổ ra như nấm ở hơn năm chục thành phố và mỗi ngày thêm lan rộng ra các vùng nông thôn xa xôi, như ở Daguestan. Nước cộng hòa đa số dân là Hồi Giáo ở bắc Kavkaz này chỉ có 3 triệu dân nhưng dự tính có tới 13 nghìn lính được động viên.

Từ khi khởi sự cuộc chiến tranh ở Ukraina hôm 24/02, mới chỉ thấy rải rác ở vài thành phố Nga có các cuộc tập hợp kêu gọi hòa bình. Người biểu tình chưa bao giờ bày tỏ phản đối cụ thể chiến dịch quân sự do tổng thống phát động vì sợ bị bắt bớ và có nguy cơ bị án tù từ 10 đến 15 năm theo luật hiện hành. Lần này, thông báo động viên một phần quân dự bị đã nhanh chóng làm dấy lên các cuộc biểu tình chống chiến tranh trên khắp đất nước Nga dù cảnh sát đã đàn áp nhanh chóng và bắt giữ hàng nghìn người. Nhưng dường như nỗi lo sợ phải bỏ mạng vào một cuộc chiến tranh phục vụ cho tham vọng của ông Putin, người luôn ấp ủ ý đồ phục hưng sự vĩ đại của đế chế Nga, đã vượt lên trên nỗi sợ hãi trấn áp của một chế độ chuyên chế.

Lệnh động viên được ban bố ngày 21/9 được coi là một nỗ lực của Matxcova nhằm bổ sung cho những tổn thất quân số trên chiến trường ở Ukraina. Tuy nhiên, những gì diễn trong tuần qua ở bên trong nước Nga đã cho thấy những hạn chế của chính quyền và của tổng thống Nga. Chính quyền không thể đóng cửa đất nước để ngăn dòng người chạy trốn lính vì làm như vậy theo như cách ví của nhà chính trị đối lập ở Nga, Dmitri Goudkov, được báo Le Figaro trích dẫn, thì « nếu đóng cửa đất nước như thế sẽ có nghĩa là người ta đậy vung một nồi nước đang sôi và hơi nước không thoát ra sẽ làm nổ nồi nước ».

Bên cạnh những bất ổn xã hội, giới quan sát cảnh báo, Nga sẽ phải đối mặt thách thức lớn về hậu cần và tài chính để huấn luyện cho số quân nhân mới này trước khi tung họ vào chiến trường Ukraina. Phần đông giới chuyên gia quân sự nhận định thiếu huấn luyện quân sự cũng như quá trình triển khai hoạt động tuyển quân một cách vội vàng cho thấy nhiều tân binh Nga sẽ được triển khai ra tiền tuyến với sự chuẩn bị tối thiểu và gia tăng nguy cơ chịu thương vong cao.

Theo các cuộc thăm dò dư luận, đa số người dân Nga không phản đối cuộc chiến tranh ở Ukraina, nhưng họ cũng không sẵn sàng đến chiến đấu ở đó. Đây là điều mà ông Putin đã hiểu rất rõ. Những bất cập và rối ren bùng lên từ sắc lệnh động viên quân dự bị, cho thấy rõ  tinh thần ái quốc của người dân Nga đang tắt dần, Lòng yêu nước của ngời Nga là yếu tố mà ông Putin vẫn biết khai thác triệt để cho tham vọng của mình.

300 nghìn quân, nếu huy động đủ, liệu có giúp cho tổng thống Nga xoay chuyển được tình thế đạt được mực tiêu để ra ở Ukraina hay không ? Điều này chưa gì bảo đảm, nhưng người ta đến lúc này có thể dễ dàng thấy lệnh động viên này là quyết định mất lòng dân nhất của Vladimir Putin trong hơn hai mươi năm cầm quyền ở Nga và có vẻ như ông sẵn sàng chấp nhận rủi ro hy vọng không trắng tay trong một ván bài lớn. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.