Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Sau những thất bại liên tiếp tại Ukraina, quân đội Nga bị dồn vào chân tường

Việc lính Nga tháo chạy khỏi vùng chiến lược Kherson ở miền nam Ukraina và ngay cả tại các vùng lãnh thổ mà Matxcơva vừa tuyên bố sáp nhập vào Liên Bang Nga, đã làm rộ lên những chỉ trích gay gắt nhắm vào quân đội Nga.

Tổng thống Putin (trái) trao đổi với tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nga, tướng Valeri Guerassimov. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/12/2021.
Tổng thống Putin (trái) trao đổi với tổng tham mưu trưởng Quân Đội Nga, tướng Valeri Guerassimov. Ảnh tư liệu chụp ngày 21/12/2021. AFP - SERGEI GUNEYEV
Quảng cáo

Tức nước vỡ bờ : Không chỉ có công luận mà ngay cả trong giới lãnh đạo tại Matxcơva đã công khai bày tỏ phẫn nộ về « chiến dịch quân sự đặc biệt » mà tổng thống Putin phát động để xâm chiếm Ukraina. Cho đến tận tháng 9 vừa qua, các phương tiện truyền thông Nga, các quan chức trong chính quyền, các chuyên gia đều trước sau như một, xem việc Matxcơva điều quân sang Ukraina là một « nghĩa vụ cao cả ». Mọi tiếng nói phản chiến đều bị khép vào tội bôi nhọ quân đội và với tội danh này, bị cáo cơ thể bị xử phạt tù.

Nhưng lệnh động viên lính dự bị mà tổng thống Vladimir Putin ban hành hôm 21/09/2022 khiến công luận Nga không còn không còn tránh né từ « chiến tranh ». Tiếp theo đó là hình ảnh dân Nga tìm mọi cách để trốn lệnh động viên và lần đầu tiên trong lịch sử, công dân của một quốc gia đem quân xâm lược một nước khác lại phải ồ ạt đi tị nạn.

Những thất bại liên tiếp của quân đội Nga trên chiến trường Ukraina là một bước ngoặt trong cuộc chiến mà Matxcơva đã khai mào. Dấu hiệu gần đây nhất là phát biểu của chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng tại Hạ Viện Nga, tướng Andreï Kartapolov hôm 05/10/2022. Ông cho rằng đã đến lúc quân đội phải « nói thật » với công luận về những thất bại quân sự. Vào lúc quân đội Ukraina đã giải phóng thị trấn Lyman, trong vùng Donetsk, miền đông Ukraina, một mắt xích quan trọng về mặt hậu cần, bộ Quốc Phòng Nga vẫn khẳng định đang « ồ ạt tấn công » và quân đội Nga đang « giáng cho kẻ thù những thiệt hại nặng nề ». Về tình hình tại miền nam Ukraina, bộ Quốc Phòng Nga cũng có giọng điệu tương tự.

Chủ tịch Ủy Ban Quốc Phòng tại viện Duma đòi bộ Quốc Phòng Nga phải « nói sự thật » với dân khi ông trả lời Vladimir Soloviov, nhà báo nổi tiếng là « một người yêu nước », là cái loa phóng thanh của điện Kremlin. Ngay Soloviov gần đây đã không còn ngần ngại cho rằng quân đội Nga đang « tự bắn vào chân mình », khi để những cho những kẻ « bất tài » chỉ huy chiến dịch Ukraina. Thân trọng hơn, một phóng viên chiến trường của báo chí chính thức là ông Alexandre Kots thì dám tường thuật rằng « không có tin vui từ chiến trường Ukraina trong những ngày sắp tới ».

Một nhà quan sát khác trên đài truyền hình nhà nước không ngần ngại lưu ý khán giả « quân đội Nga chỉ tiến được từng thước đất một, nhưng lại tuyên bố chiếm hết tỉnh này đến tỉnh khác » trên lãnh thổ Ukraina. Các phương tiện truyền thông Nga không còn vòng vo khi nêu bật những « khó khăn » quân đội Nga vấp phải trên trận địa và thừa nhận Nga trong tình trạng « thiếu quân » để tiếp tục sứ mệnh « giải phóng Ukraina », như Vladimir Putin đã thông báo hôm 24/02/2022 khi biện minh cho việc đưa quân xâm chiếm nước láng giềng.

Trong tuần, lãnh đạo Cộng hòa Tchetchenia Ramzan Kadyrov đã táo bạo chỉ trích luôn cả một số tướng lĩnh Nga. Trước mắt, Kadyrov mới chỉ « đánh ở vòng ngoài », nhắm vào Alexandre Lapine, lãnh đạo các chiến dịch trong vùng Donetsk. Kadyrov xem ông này là một « kẻ ăn hại », thiếu sót trong việc cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết, tiếp liệu, đạn dược cho những người lính đang cầm súng ở tại địa điểm chiến lược như Donetsk. Trong mắt của Kadyrov, người vừa được tổng thống Vladimir Putin thăng hàm thượng tướng, với thành tích thảm hại đó, Alexandre Lapine chỉ xứng đáng là « thằng lính quèn ». Ramzan Kadyrov còn cho rằng Nga nên dùng bom nguyên tử loại nhẹ để giải quyết vấn đề Ukraina.

Không hiểu rằng, việc tổng thống Putin vừa phong thượng tướng, cấp bậc cao thứ ba trong hàng ngũ quân đội Nga, cho ông Kadyrov có phải là một lời cảnh cáo chủ nhân điện Kremlin gián tiếp gửi đến các tướng lĩnh ở cấp cao nhất trong hàng ngũ quân đội và bên bộ Quốc Phòng Nga ?. Trong trường hợp giả thuyết này được xác nhận thì rõ ràng quân đội Nga, mà đứng đầu là bộ trưởng Quốc Phòng Serguei Choigu và tổng tham mưu trưởng quân đội Nga, Valeri Guerassimov đang chịu búa rìu từ tứ phía : công luận, chính giới, tổng thống Putin và phe diều hâu Nga.

Vẫn trong kịch bản này, câu hỏi kế tiếp là làn sóng phẫn nộ hiện đang nhắm vào quân đội Nga có dừng lại ở đó, hay sẽ tràn vào tận điện Kremlin ? Một số nhà bình luận và chính trị học tại Matxcơva thiên về giả thuyết Vladimir Putin sẽ bị lật đổ. Đầu tháng trước, hơn một chục chính khách Nga, ở cấp địa phương, đã ký một bản kiến nghị đòi tổng thống Putin từ chức và thậm chí là phải bị xét xử về tội phản bội nước Nga, vì « Vladimir Putin là mối đe dọa chính đối với an ninh của nước Nga » như một nghị viên thành phố Saint-Petersbourg, quê hương của ông Putin, đã ghi nhận.

Không ai có thể dự báo về tương lai. Chỉ biết rằng lớp sơn bề ngoài về sức mạnh của quân đội Nga, về quyền lực của chủ nhân điện Kremlin ngày càng để lộ nhiều vết rạn nứt. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.