Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trung Quốc: 10 năm cầm quyền, Tập Cận Bình không chỉ tái kiến tạo quân đội mà cả Châu Á – Thái Bình Dương

Trong vòng một thập niên dưới quyền lãnh đạo của Tập Cận Bình, Trung Quốc đã xây dựng một lực lượng hải quân hàng đầu thế giới, tái cấu trúc đội quân chuyên nghiệp lớn nhất hành tinh và phát triển cả một kho vũ khí hạt nhân, đạn đạo khiến các đối thủ phải e sợ. Nhưng sự « nhào nặn, đẽo gọt » này của Trung Quốc có nguy cơ đẩy cả vùng châu Á – Thái Bình Dương lao vào chạy đua vũ trang cuồng nhiệt.  

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly ở tiệc chiêu đãi tại Đại Lễ Đường Nhân Dân trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 30/09/2022.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nâng ly ở tiệc chiêu đãi tại Đại Lễ Đường Nhân Dân trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 30/09/2022. AP - Ng Han Guan
Quảng cáo

Từ « bảo tàng » trở thành một trong những quân đội hùng mạnh trên thế giới  

AFP nhắc lại, trong vòng nhiều năm liền, Quân đội Giải phóng Nhân dân bị đánh giá là lạc hậu và không hiệu quả. Một sử gia còn ví quân đội Trung Quốc như là « một viện bảo tàng quân sự lớn nhất thế giới », được trang bị bằng những loại vũ khí cũ kỹ từ thời Liên Xô, rồi tham nhũng hoành hành. Thời đó, quân đội chủ yếu dựa vào pháo binh với những kết quả không mấy gì hào quang trên những chiến trường ngoài lãnh thổ, như cuộc chiến Triều Tiên (400 ngàn binh sĩ thiệt mạng theo phương Tây, trong khi Bắc Kinh công bố 180 ngàn), hay cuộc đối đầu đẫm máu với Việt Nam năm 1979.  

Từ những năm 1990, dưới thời ông Giang Trạch Dân, vốn dĩ tỏ ra rất ấn tượng trước những kỳ công quân sự Mỹ được phô diễn trong trong cuộc chiến Vùng Vịnh và cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan lần ba, các cuộc cải cách quân đội đã bắt đầu.  

Tuy nhiên, chỉ khi Tập Cận Bình lên nắm quyền chỉ huy quân đội thực sự năm 2013, Trung Quốc gia tăng củng cố năng lực quân sự. Ngân sách cho quốc phòng của Trung Quốc tăng đều đặn từ 27 năm qua. Giờ đây, Hải quân Trung Quốc có một đội tầu ngầm, tầu chiến, hàng không mẫu hạm hùng hậu nhất nhì thế giới. Quân đội Trung Quốc có trong tay hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm trung và tầm xa, cũng như là hàng nghìn chiến đấu cơ. Đến mức, Karl Thomas, chỉ huy hạm đội 7 của Mỹ từng tuyên bố trước báo giới rằng « nếu Trung Quốc muốn hăm dọa và bố trí tầu chiến xung quanh Đài Loan, họ có thể dễ dàng làm điều đó. »  

Thời hoàng kim của Hải quân Mỹ sắp hết ?  

Theo Lầu Năm Góc, trong cùng khoảng thời gian này, kho vũ khí hạt nhân của Bắc Kinh tăng mạnh, và chúng có thể được trang bị cho cả bộ binh, không quân và hải quân. Bulletin of the Atomic Scientists cho biết Trung Quốc ngày nay có khoảng 350 đầu đạn hạt nhân, tăng gấp hai lần so với thời kỳ Chiến Tranh Lạnh. Các cơ quan tình báo Mỹ dự đoán, kho dự trữ này của Trung Quốc rất có thể sẽ đạt mức 700 đầu đạn từ đây đến năm 2027. Nhiều hầm chứa tên lửa hạt nhân hiện đang được xây dựng tại vùng tây bắc Trung Quốc.  

Cũng theo một báo cáo của Lầu Năm Góc năm 2021, được AFP trích dẫn, Trung Quốc là « đối thủ duy nhất có khả năng phối hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để tạo thành một thách thức lâu dài cho hệ thống quốc tế ổn định và mở rộng. » Cũng theo báo cáo này, « Bắc Kinh đang định hình lại trật tự thế giới sao cho phù hợp với hệ thống chính trị chuyên chế và các lợi ích quốc gia của mình. »  

Triển vọng này của Trung Quốc khiến các nước trong khu vực lo sợ. Hàn Quốc và Úc ra sức tăng cường năng lực hải quân. Việc Canberra ký kết hiệp ước liên minh AUKUS mua tám tầu ngầm hạt nhân từ Mỹ và Anh là một minh chứng. Quân đội Úc còn tìm cách trang bị các loại vũ khí siêu thanh, tên lửa đạn đạo tầm xa hay oanh tạc cơ tàng hình, có khả năng tấn công bất kỳ nơi đâu trên thế giới mà không lo bị phát hiện…  

Tương tự,  các nước láng giềng gần gũi với Trung Quốc như Philippines, Việt Nam, Ấn Độ đều lần lượt tăng ngân sách quốc phòng. Đặc biệt, Nhật Bản năm nay đã tăng ngân sách kỷ lục vì cho rằng môi trường an ninh « ngày càng bạo lực ».  

Malcolm Davis, cựu quan chức quốc phòng Úc, hiện cộng tác với Viện Chiến lược Chính trị Úc kết luận : « Tất cả các tác nhân chủ chốt trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương phản ứng nhanh nhất có thể trước đà hiện đại hóa của quân đội Trung Quốc (…) Điều này phản ảnh nhận thức, theo đó, Trung Quốc mỗi lúc có nhiều thế mạnh kiến tạo lại khu vực theo ý của mình. Thời kỳ mà hải quân Mỹ "làm mưa làm gió" tại những vùng biển phía Tây Thái Bình Dương đang đến hồi kết thúc. »  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.