Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Đảng Cộng Sản Trung Quốc siết chặt kiểm soát kinh tế

Trong suốt 10 năm cầm quyền, Tập Cận Bình đã trao cho các doanh nghiệp Nhà nước vai trò cột trụ trong chiến lược kinh tế, đồng thời gia tăng tầm kiểm soát của đảng Cộng Sản Trung Quốc trong lãnh vực tư nhân. Phải chăng giai đoạn mở cửa và cải cách thời Đặng Tiểu Bình đã bị khép lại ?  

Người dân xem truyền hình cảnh chủ tịch Tập Cận Bình tham dự lễ khai mạc Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 16/10/2022.
Người dân xem truyền hình cảnh chủ tịch Tập Cận Bình tham dự lễ khai mạc Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20, Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 16/10/2022. REUTERS - ALY SONG
Quảng cáo

Khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền cách nay 10 năm, giới quan sát nghĩ rằng Trung Quốc sẽ có một nhà lãnh đạo cấp tiến. Ngay những tháng đầu tiên đầu nhiệm kỳ, thủ tướng của ông là Lý Khắc Cường liên tiếp tuyên bố ủng hộ giảm bớt vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.   

Nhưng 10 năm sau, « không những vai trò của Đảng và Nhà nước trong nền kinh tế chưa bao giờ ngừng được củng cố từ ngày thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa năm 1949, mà còn được tăng cường mạnh mẽ hơn kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền », theo như nhận định của nhà nghiên cứu về Trung Quốc, Alice Ekman trên nhật báo kinh tế Les Echos (14/10/2022).  

Sau  nhiều năm tăng trưởng ngoạn mục, khu vực tư nhân đang bị thu hẹp, trong khi đó, khối doanh nghiệp Nhà nước dần dần chiếm vị trí trọng tâm cho chính sách kinh tế của Tập Cận Bình. Theo Les Echos, khu vực này giờ cung cấp đến 12% thị trường lao động và chiếm từ 25-30% GDP của Trung Quốc.  

Nhà Trung Quốc học, cựu thủ tướng Úc, Kevin Rudd, trong một bài viết có tựa đề « Thế giới theo nhãn quan của Tập Cận Bình », đăng trên Foreign Affairs, giải thích rằng đó là do nền kinh tế Trung Quốc trong một thập niên qua đã chuyển hướng theo chủ nghĩa Marx, tăng cường vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế.   

Sự chuyển hướng này cũng một phần bắt nguồn từ việc ông Tập Cận Bình mất niềm tin vào nền kinh tế thị trường sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, khủng hoảng tài chính Trung Quốc năm 2015 do bùng nổ bong bóng thị trường chứng khoán, khiến giá cổ phiếu Trung Quốc bị giảm mất đến 50%.  

Cũng theo ông Tập, thời kỳ cải cách và mở cửa do Đặng Tiểu Bình đề xướng đã tạo ra một sự phát triển « không cân đối và không phù hợp » Và do vậy ông bác bỏ quan điểm của Đặng Tiểu Bình cho rằng « Trung Quốc cần phải chịu đựng sự bất bình đẳng trong hàng trăm năm trước khi đạt được sự thịnh vượng cho tất cả mọi người. » Theo Tập Cận Bình, Trung Quốc có thể trở nên vĩ đại và đạt được sự bình đẳng về kinh tế nếu nước này tuân thủ nghiêm ngặt hơn các nguyên tắc của chủ nghĩa Marx.  

Kết quả của tư tưởng này là các doanh nghiệp Nhà nước, tuy mức sản xuất thấp hơn của khối tư nhân gần 20%, được trao nhiệm vụ thực thi các chính sách công nghiệp chiến lược mũi nhọn của Trung Quốc như các lĩnh vực công nghệ cao, các chương trình chống biến đổi khí hậu. Cùng lúc, Tập Cận Bình cũng mở một cuộc chiến chống các « biến tướng » của chủ nghĩa tư bản, khi ông không ngừng nhấn mạnh đến lòng trung thành của các doanh nghiệp đối với Đảng, bất kể đó là doanh nghiệp Nhà nước hay tư nhân.  

Do vậy, các chi bộ Đảng hiện diện không chỉ trong doang nghiệp Nhà nước mà cả trong khối tư nhân, kể cả trong các doanh nghiệp nước ngoài, với nhiều quyền hạn đáng kể : Tổ chức các cuộc họp phê và tự phê, các buổi học « tư tưởng Tập Cận Bình » và thậm chí quyết định cả việc chọn lựa ban lãnh đạo, cũng như là các định hướng chiến lược của doanh nghiệp.   

Mặt khác, khi tham gia vào vốn của các công ty tư nhân, Nhà nước khuyến khích các doanh nhân thành đạt đầu tư vào các doanh nghiệp Nhà nước, hình thành nên một kiểu hệ thống hỗn hợp, trộn lẫn thị trường với Nhà nước ở một mức độ lớn hơn bao giờ hết. Và đó sẽ là một nền « kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa theo đặc tính Trung Hoa », theo đúng như ngôn từ của Bắc Kinh. Tóm lại, theo kết luận của cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, « kỷ nguyên cải cách và mở cửa » của Đặng Tiểu Bình đã kết thúc, thay vào đó là một nền kinh tế chính thống mới, một sự pha trộn giữa kế hoạch hóa và các vùng tự do mậu dịch, giữa Nhà nước và tư bản chủ nghĩa !  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.