Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Đức xích lại gần Trung Quốc hơn trong khi Liên Âu muốn giữ khoảng cách

Hôm nay, 04/11/2022, thủ tướng Đức Olaf Scholz, lãnh đạo đầu tiên trong Liên Hiệp Châu Âu từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra đã tới thăm chính thức Trung Quốc. Chuyến công du với trọng tâm xác định lại quan hệ hợp tác với đối tác hàng đầu Trung Quốc, trong bối cảnh thế giới đang nhiều biến động. Chuyến đi của lãnh đạo quốc gia vẫn được coi là đầu tầu kinh tế của Liên Âu đã gây chia rẽ và tranh cãi ở trong và ngoài nước Đức.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp nhau tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 04/11/2022.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Đức Olaf Scholz gặp nhau tại Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 04/11/2022. AP - Kay Nietfeld
Quảng cáo

Mặc dù thời gian ngắn ngủi chỉ kéo dài 11 giờ trong ngày hôm nay 04/11 tại Bắc Kinh, nhưng chuyến thăm chính thức Trung Quốc của thủ tướng Olaf Scholz mang nhiều sắc thái biểu tượng. Thủ tướng Đức là lãnh đạo đầu tiên của Liên Âu đến Trung Quốc kể từ khi đại dịch Covid-19 nổ ra cách đây gần 3 năm. Ông cũng là lãnh đạo phương Tây đầu tiên gặp ông Tập Cận Bình, người vừa mới cách đây 12 hôm đã khẳng định quyền lực tuyệt đối lãnh đạo chế độ toàn trị Bắc Kinh sau Đại Hội đảng Cộng Sản lần thứ 20.

Ông Olaf Scholz đến Trung Quốc trước tiên là để bảo vệ lợi ích của nước Đức. Tuy nhiên đây là chuyến đi gây nhiều chia rẽ và nhiều chỉ trích từ các đối tác trong Liên Âu. Lý do là chuyến đi của thủ tướng Đức rơi vào bối cảnh địa chính trị ở châu Âu đang căng thẳng: Cuộc chiến tranh tại Ukraina, quan hệ giữa Châu Âu và Trung Quốc đang ở mức xấu nhất, Liên Âu liên tiếp phải đối mặt với một loạt khủng hoảng nghiêm trọng. Vì sao chuyến thăm Bắc Kinh của lãnh đạo Đức lại gây nhiều tranh cãi nhiều như vậy. Thông tín viên RFI Pierre Benazet tại Bruxelles phân tích:

"Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã quyết định tới Bắc Kinh để chỉ nói về quan hệ Đức – Trung. Tại châu Âu dư luận nhận thấy đó là điều hoàn toàn chính đáng nếu nhìn vào cường độ quan hệ kinh tế và sự lệ thuộc của công nghiệp Đức vào Trung Quốc. Người ta chỉ trích ông Olaf Scholz là vì khi mà nước Đức có nghĩa vụ phải giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc một đối thủ cạnh tranh có hệ thống của ngành công nghiệp.

Ở châu Âu, người ta trách cứ thủ tướng Đức tới thăm Bắc Kinh ngay sau khi ông Tập Cận Bình được tiếp tục nhiệm kỳ lãnh đạo Trung Quốc. Việc này có thể coi như một động thái tôn vinh chế độ toàn trị. Trong Hội Đồng Châu Âu, nhiều tiếng nói hoài nghi đã cất lên trong cuộc họp thượng đỉnh mới đây của Liên Âu khi thủ tướng Olaf Scholz đã xác nhận ý định cho phép bán một phần cảng Hambourg cho tập đoàn Trung Quốc Cosco. Sau đó vụ mua bán này đã được cắt giảm một phần lớn, nhưng điều tệ hại đã xảy ra.

Các nước châu Âu cũng có thể chỉ trích ông Olaf Scholz đơn thương độc mã đến Trung Quốc trong lúc mà tổng thống Pháp đã đề xuất với ông một chuyến đi chung, hoặc hai ông có thể sẽ có nhiều cơ hội gặp ông Tập Cận Bình tại thương đỉnh G20 trong 2 tuần tới.

Ủy viên châu Âu phụ trách thị trường EU, ông Thierry Breton kết lại tâm lý chung với nhận định rằng các nước châu Âu sẽ phải có những phương pháp tiếp cận chung trước một đối thủ là Trung Quốc."

Đại dịch Covid kéo dài dai dẳng, kinh tế Trung Quốc đình trệ làm rối loạn chuỗi cung ứng toàn cầu.  Giữa lúc đó, Châu Âu xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh có hệ thống. Các nhà hoạch định chính sách và các công ty của Châu Âu đau đầu với một câu hỏi : làm sao có thể giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc để có thể tồn tại, phát triển mà không bị tác động của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới ?

Chưa giải đáp được câu hỏi này thì, cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga nổ ra. Cuộc chiến tranh của Nga tại Ukraina đã đặt châu Âu trước một cuộc khủng hoảng năng lượng đe dọa tăng trưởng kinh tế và ổn định. Cả Liên hiệp Châu Âu loay hoay đi tìm giải pháp tự chủ năng lượng. Trong bối cảnh như vậy, nước Đức nền kinh tế hàng đầu của Liên Hiệp Châu Âu, tất nhiên sẽ phải chịu những tác động nặng nề hơn cả.

Đức, nhiều năm qua vẫn luôn là nước Liên Hiệp Châu Âu đi đầu trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc. Đã từ lâu nay Trung Quốc là đối tác thương mại chính của Đức. Trong 6 tháng đầu năm 2022, đầu tư của Đức vào Trung Quốc đạt mức kỷ lục 10 tỷ euro. Hơn 5000 doanh nghiệp của Đức đã có mặt tại Trung Quốc từ các tập đoàn công nghiệp lớn như Volkswagen hay Siemens, cho đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trung Quốc là nơi mà các tập đoàn công nghiệp Đức thu một phần lợi nhuận chủ yếu với lượng hàng hóa trao đổi thương mại giữa hai nước năm ngoái lên tới 246 tỷ euro. Khoảng 104 tỷ euro của các trao đổi thương mại nằm trong các lĩnh vực như chế tạo xe hơi, hóa chất và chế biến, những trụ cột chính của kinh tế Đức. Những con số ấn tượng đó có thể nói lên phần nào lý do thủ tướng Olaf Scholz chủ trương duy trì quan hệ tốt với Trung Quốc, vì lợi ích của kinh tế Đức trong thời buổi khó khăn, bất chấp điều này có thể gây căng thẳng trong chính phủ Đức hay giữa các nước Liên Âu.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.