Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Thế giới có cần đến các hội nghị quốc tế chống biến đổi khí hậu như COP27 hay không?

Hữu ích hay vô dụng? Câu hỏi này lại tiếp tục được đặt ra vào lúc hàng chục ngàn đại biểu từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tề tựu về thành phố ven biển Sharm el-Sheikh tại Ai Cập để tham dự COP27 (tức hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công Ước Khung của LHQ về biến đổi khí hậu), mở ra ngày 06/11/2022 và sẽ kéo dài trong hai tuần.

Hội nghị Quốc tế chống Biến đổi Khí hậu COP27, phiên khai mạc ngày 06/11/2022, tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập.
Hội nghị Quốc tế chống Biến đổi Khí hậu COP27, phiên khai mạc ngày 06/11/2022, tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập. AP - Peter Dejong
Quảng cáo

Đối với giới hoài nghi, chủ yếu là các nhà hoạt động bảo vệ môi trường, rõ ràng là các COP liên tiếp mở ra hàng năm từ gần 30 năm nay là những sự kiện vô ích so với mục tiêu đề ra là đối phó hữu hiệu với đà hâm nóng của Trái Đất.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu hay đại diện các chính phủ quan tâm đến môi trường và sinh thái, dù không mang lại hiệu quả 100%, cơ chế này rất cần thiết để đánh động công luận, và nhất là cung cấp một diễn đàn để cho tiếng nói  các nước nghèo bị biến đổi khí hậu tàn phá được lắng nghe.

COP vô ích

“Lề mề, phức tạp, cồng kềnh, không hiệu quả”, đây chính là những từ ngữ thường được giới đấu tranh bảo vệ môi trường dùng đến khi đánh giá về kết quả các hội nghị về khí hậu. Một ví dụ điển hình lời phê phán mới đây của cô gái Thụy Điển Greta Thunberg, đã cho rằng các hội nghị về khí hậu của Liên Hiệp Quốc chỉ là “những cỗ máy tẩy xanh (greenwashing)… không thực sự có mục tiêu thay đổi hệ thống”.

Đối với nhiều người, COP hầu như không mang lại kết quả gì. Lượng phát thải khí nhà kính đã tăng 45% kể từ đầu những năm 1990, sự đa dạng sinh học giảm đi trong khi đà nóng lên toàn cầu tăng nhanh gây ra các đợt nắng nóng đổ lửa, các đám cháy tàn khốc và lũ lụt lịch sử.

Tệ hơn nữa, các cam kết của các quốc gia không được thực hiện. Được ký kết vào năm 2015 nhân hội nghị COP21, Thỏa Thuận Paris, dự kiến hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 ° C so với thời kỳ tiền công nghiệp, không hề được tôn trọng. Với các chính sách hiện tại, một thảm họa tăng thêm 2,8°C đang xuất hiện.

Trong tình hình đó, theo nhận định của đài truyền hình France 24, COP27 lần này khó có thể đảo ngược xu thế trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng buộc nhiều nước phải trở lại với các nguồn nhiên liệu gây ô nghiễm nặng nề, và căng thẳng giữa hai quốc gia gây ô nhiễm lớn nhất hành tinh là Trung Quốc và Mỹ khiến cho việc phối hợp hành động gặp trở ngại.

COP vẫn có ích

Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, dù không nên mong đợi một phép màu vào những kỳ hội nghị COP, nhưng sự kiện này vẫn hữu ích trên nhiều khía cạnh.

Theo ông Clément Sénéchal, giám đốc chiến dịch khí hậu cho tổ chức phi chính phủ Greenpeace, các hội nghị khí hậu quốc tế là diễn đàn hiếm hoi nơi các nước dễ bị tổn thương nhất vì biến đổi khí hậu, thường là nghèo nhất, có được tiếng nói ngang hàng với các quốc gia phát triển. Nhà quan sát này nhấn mạnh: “Đây là diễn đàn đa phương duy nhất mà cuộc đối thoại này thực sự diễn ra”. Mặt trái: các quyết định được thông qua với thể thức nhất trí. "Mỗi quốc gia có quyền phủ quyết, vì vậy kết quả thường là mẫu số chung thấp nhất."

Sébastien Treyer, giám đốc Viện Phát Triển Bền Vững và Quan Hệ Quốc Tế (IDDRI) cũng nhận định: “Diễn đàn đa phương không hoàn hảo nhưng đó là cái tốt nhất mà chúng ta có". Ông nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc "đưa ra các thỏa thuận ở cấp độ cao nhất" để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sinh thái.

Huy động xã hội dân sự, nâng cao nhận thức của dư luận, các COP cũng có lợi ích trong việc tạo ra một luồng dư luận xoay quanh các vấn đề khí hậu giữa các quốc gia rất khác nhau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.