Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Mỹ hối thúc Ukraina đàm phán với Nga để rảnh tay đối phó với Trung Quốc ?

Thời gian gần đây, Mỹ liên tục thúc giục Kiev nên tiến tới đàm phán với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh. Theo giới quan sát, trong ván cờ tay ba giữa Nga – Mỹ – Trung, nước Nga của ông Vladimir Putin xem như đã bị loại, giờ Hoa Kỳ muốn tập trung nguồn lực cho cuộc đấu tay đôi với Trung Quốc trong tương lai.  

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (T) và tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley họp báo tại Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia, Hoa Kỳ ngày 16/11/2022.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin (T) và tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ Mark Milley họp báo tại Lầu Năm Góc ở Arlington, Virginia, Hoa Kỳ ngày 16/11/2022. REUTERS - TOM BRENNER
Quảng cáo

Washington những ngày qua đưa ra nhiều tín hiệu rõ ràng và mạnh mẽ, kêu gọi Kiev nên bắt đầu nghĩ đến đàm phán hòa bình. Tướng Mark Milley, phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế New York tuần rồi cho rằng đôi bên nên « nắm bắt lấy thời điểm » khi mùa đông đang tới, mọi chiến dịch quân sự cũng sẽ bị chậm lại. Nếu như nguồn hậu thuẫn của Mỹ đối với Ukraina là không suy giảm, thì sự ủng hộ này cũng ngày càng hướng đến việc kết thúc chiến tranh hơn là tiếp tục một cuộc chiến mà Washington đánh giá là cả Nga và Ukraina khó có thể giành được chiến thắng quân sự.  

Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh Kiev vẫn có tham vọng thu hồi toàn bộ các vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng, kể cả vùng bán đảo Crimée, bị sáp nhập vào Nga từ năm 2014. Nhưng khát vọng tái chinh phục bán đảo Crimée của Ukraina đang làm dấy lên những lo lắng từ nhiều nước phương Tây đứng đầu là Hoa Kỳ.   

Theo nhận định từ đại tá Peer de Jong, phó chủ tịch Viện Thémis, chuyên gia địa chính trị với kênh truyền hình Franceinfo TV, để thực hiện chiến dịch này, Kiev sẽ cần rất nhiều đến nguồn hỗ trợ khí tài và tin tình báo từ Mỹ. Đối với Washington, dù không công nhận việc sáp nhập bán đảo Crimée, nhưng trợ giúp Ukraina tái chiếm Crimée rất có thể là bước tiến tới « đoạn tuyệt » bang giao với Nga.   

Armelle Charrier, cây bút xã luận về quan hệ quốc tế trên kênh France 24 lưu ý, trong cuộc chiến tranh Ukraina này, không chỉ có thách thức giữa Nga và Mỹ, mà còn có một thách thức Mỹ - Trung. Trong tính toán của Mỹ, chính quyền Biden hậu thuẫn Ukraina vì « cuộc đấu tranh dân chủ », và do vậy chấp nhận tạm đẩy lùi cuộc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc. Bất chấp cuộc gặp thượng đỉnh vừa qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều hiểu rằng họ sẽ là kẻ thù của nhau trong tương lai, trên bình diện kinh tế và chính trị.  

Theo hướng này, Joe Biden không thể đến nói chuyện với Tập Cận Bình trong một thế yếu. Hoa Kỳ phải có một nền kinh tế vững mạnh cũng như là một đội quân hùng mạnh. Nếu Ukraina quyết định đánh chiếm lại bán đảo Crimée, điều đó cũng đồng nghĩa với việc chiến tranh Ukraina sẽ kéo dài, có nguy cơ làm tổn hại đến những kho vũ khí chiến lược vì phải tiếp tục cung cấp đạn dược cho Ukraina.  

Đây chính là điểm khiến Washington lo lắng. « Nếu phải cung cấp quá nhiều vũ khí và tài chính cho Ukraina, Hoa Kỳ có nguy cơ tự làm suy yếu mình. Những loại vũ khí mà Washington đặt trên lãnh thổ châu Âu có nhiều rủi ro rơi vào tay quân Nga, để rồi bị bán lại cho Trung Quốc và có nguy cơ bị Trung Quốc sao chép, và sau này rất có thể bị Trung Quốc sử dụng để chống lại phương Tây », theo như giải thích của bà Armelle Charrier.  

Nỗi lo này của Mỹ không hẳn là vô căn cứ. Matxcơva và Teheran, gần đây đã đúc kết được một thỏa thuận, theo đó, Iran cung cấp linh kiện và công nghệ cho Nga để chế tạo drone tự sát trên lãnh thổ Nga. Đổi lại, Matxcơva sẽ giao cho Teheran ba chiếc tên lửa do Mỹ và Anh sản xuất để nước này có thể sao chép, chế tạo và sử dụng cho các cuộc xung đột trong tương lai.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.