Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Bốn kịch bản tiếp theo của chiến tranh Ukraina

Đúng một năm kể từ khi tổng thống Nga Putin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, xung đột không biết bao giờ mới chấm dứt, bên nào cũng tuyên bố sẽ đánh đến cùng để giành chiến thắng, chứ không hề tỏ ý muốn đàm phán hòa bình.

Một người đàn ông hóa trang thành chim bồ câu hòa bình đứng trước đại sứ quán Nga ở Berlin, Đức, trong cuộc biểu tình đánh dấu một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, ngày 24/02/2023.
Một người đàn ông hóa trang thành chim bồ câu hòa bình đứng trước đại sứ quán Nga ở Berlin, Đức, trong cuộc biểu tình đánh dấu một năm ngày Nga xâm lược Ukraine, ngày 24/02/2023. AP - Markus Schreiber
Quảng cáo

Quân đội hai nước nay giao tranh với nhau trên một chiến tuyến dài đến hơn 1.000 km ở miền đông Ukraina, giành giật nhau từng tấc đất tại những thành phố nay chỉ là những đống đổ nát. Chiến tranh Ukraina giờ đã trở thành một cuộc chiến tranh hao mòn. 

Như vậy, cuộc xung đột Nga-Ukraina có thể sẽ tiếp diễn như thế nào, các chuyên gia được tuần báo Pháp L’Obs trích dẫn hôm qua dự báo bốn kịch bản.

Thứ nhất là Ukraina giành chiến thắng. Từ khi lực lượng của Kiev mở cuộc phản công vào tháng 9, chỉ trong vài ngày giành lại quyền kiểm soát 2.500 km2, kịch bản Ukraina giành chiến thắng đã trở thành một trong những giả thuyết được xem là có khả năng xảy ra. Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Thibault Fouillet thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược (FRS), chiến thắng trên chiến trường không đồng nghĩa với việc đạt được các mục đích của chiến tranh mà Kiev đã đề ra, đó là giành lại toàn vẹn lãnh thổ và đạt được những bảo đảm an ninh lâu dài. Hơn nữa, theo ghi nhận của nhà nghiên cứu Céline Marangé tại Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự (IRSEM), chính người dân Ukraina đòi hỏi là bất cứ giá nào cũng phải giải phóng toàn bộ các vùng mà Nga chiếm đóng hoặc sát nhập, kể cả vùng Crimée. 

Hiện giờ, quân Ukraina đang "thừa thắng xông lên" chủ yếu là nhờ nguồn vũ khí dồi dào do phương Tây viện trợ. Nhưng Mỹ, Anh, Pháp, Đức hay Ba Lan không thể nào cung cấp súng đạn, xe tăng lâu dài cho Kiev. Đến một lúc nào đó, nguồn vũ khí viện trợ sẽ cạn dần, liệu sức kháng cự của quân Ukraina có sẽ bị suy giảm hay không ?

Cho nên, không loại trừ khả năng xảy ra kịch bản thứ hai, đó là Nga giành chiến thắng. Matxcơva đã nêu rõ mục đích của họ khi mở cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina: Thay đổi chế độ "phát xít" ở Kiev và đặt Ukraina dưới sự giám hộ của Nga. Tuy nhiên, trước mắt, chế độ Kiev khó mà bị lật, trừ phi bộ máy quân sự của Ukraina bị sụp đổ hoàn toàn. Đúng là Matxcơva có thể ban hành các lệnh động viên mới để gầy dựng lại các lực lượng đã bị tiêu hao ở Ukraina, hoặc điều quân chính quy và lính đánh thuê từ Syria và châu Phi về, để áp đảo quân Ukraina về số lượng. Nhưng quân Nga vẫn còn gặp nhiều vấn đề về thiết bị quân sự và đạn được.

Do cả hai bên đều khó mà giành chiến thắng dứt điểm, nên có thể Nga và Ukraina rồi sẽ đàm phán với nhau để chấm dứt chiến tranh. Nhưng kịch bản thứ ba này khó mà xảy ra trong những tháng tới, vì theo nhận định của chuyên gia Thibaut Fouillet, chiến tranh Ukraina hiện giờ là một cuộc chiến tranh hao mòn, "khi nào mà hai bên tham chiến đều hy vọng giành được thêm đất, thì cả hai đều thấy không cần phải thương lượng với nhau". Hơn nữa, theo nhà nghiên cứu Céline Marangé, đối với tổng thống Zelensky, ngồi vào bàn đàm phán với Nga sẽ làm sụt giảm uy tín chính trị của ông, vì dân Ukraina không chấp nhận bất cứ một nhân nhượng nào với Nga.

Cả ba kịch bản nói trên đều khó có khả năng xảy ra về ngắn hạn, cho nên không thể loại trừ kịch bản thứ tư, đó là nguy cơ leo thang, tức là Nga sử dụng vũ khí nguyên tử, hay chiến tranh Ukraina lan sang các nước khác. Tuy nhiên, theo đa số các chuyên gia, nguy cơ Matxcơva dùng đến các vũ khí không quy ước là rất thấp, vì đối với Nga, cái giá phải trả cho việc dùng vũ khí hạt nhân sẽ rất là cao, trong khi kết quả thu được ở chiến trường Ukraina rất thấp.

Nguy cơ xung đột lan sang các nước láng giềng của Ukraina như Ba Lan cũng khó xảy ra trong lúc này. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Céline Marangé nhấn mạnh, có hai lằn ranh đỏ mà Ukraina và các đồng minh không nên vượt qua: "Nếu chế độ bị đe dọa hoặc nếu lãnh thổ quốc gia bị tấn công, Putin có thể cảm thấy bị dồn đến đường cùng". Chính vì không muốn xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Nga, nên cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn không chấp nhận giao cho Ukraina các tên lửa tầm xa có thể bắn tới mục tiêu cách 300 km, tức là tới các mục tiêu sâu trong lãnh thổ Nga. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.