Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Khi Trung Quốc gây xáo trộn bàn cờ Ukraina

Đúng một năm sau cuộc chiến tranh tại Ukraina, Trung Quốc xuất hiện như một tác nhân quan trọng có thể giải quyết cuộc xung đột với một « kế hoạch hòa bình » cho Ukraina. Động thái nhằm tìm vị thế cường quốc của Trung Quốc, tuy không có gì bất ngờ, khiến phương Tây không khỏi lúng túng.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/02/2022.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (P) và tổng thống Nga Vladimir Putin tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/02/2022. AP - Alexei Druzhinin
Quảng cáo

Hôm 24/02 , đúng vào dịp đánh dấu 1 năm cuộc xung đột Ukraina-Nga diễn ra, Trung Quốc, tự đưa ra một « kế hoạch hòa bình » gồm 12 điểm để « giải quyết bằng con đường chính trị cuộc khủng hoảng Ukraina ». Từ đầu cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina, Bắc Kinh vẫn bị giới quan sát cho là có thái độ mập mờ, nếu không muốn nói là nghiêng về Matxcơva, một  đồng minh và đối tác chiến lược từ lâu nay.

Các nước phương Tây trong cuộc đọ sức với Nga trên hồ sơ Ukraina đã không ngừng tìm cách thuyết phục, lôi kéo và gây sức ép sao cho Trung Quốc không hậu thuẫn Vladimir Putin, nhưng các nỗ lực đó đều không thành công.

Theo nhà nghiên cứu Trung Quốc Jean Philippe Béja được La Croix trích dẫn, « bản kế hoạch hòa bình này là cách để Bắc Kinh khẳng định vị trí và trở lại sân khấu quốc tế. Đồng thời cũng là cách tránh bị gạt ra ngoài lề của các hồ sơ lớn của thế giới »

Hoa Kỳ gần đây nghi ngờ đối thủ lớn Trung Quốc dự tính cung cấp vũ khí cho Nga vào lúc cuộc chiến tranh đang bước vào giai đoạn gay cấn. Những cáo buộc đã bị Bắc Kinh phủ nhận.

Từ đầu cuộc chiến tranh, dù là đồng minh của Matxcơva, Bắc Kinh vẫn giới hạn sự hậu thuẫn ở phạm vi ngoại giao và kinh tế. Một trong những lý do để Trung Quốc  gần gũi với Nga, đó là vì họ không có sự lựa chọn nào khác khi mà phương Tây, nhất là Mỹ từ nhiều năm nay luôn coi Trung Quốc là đối thủ có hệ thống. Có mấy đối tác nào ngoài Matxcơva cũng chia sẻ quan điểm về trật tự thế giới với Bắc Kinh. Tuy nhiên, chuyên gia Triệu Long, phó giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Thượng Hải được nhật báo Le Monde trích dẫn trong một bài đăng ngày 03/03/2023, cho rằng có sư khác biệt quan trọng : « Nga đạp đi xây mới lại hệ thống quan hệ quốc tế hiện nay, trong khi đó Trung Quốc muốn biến đổi hệ thống hiện có bằng việc chiếm giữ một vị trí quan trọng hơn ở trong đó ».

Nga và Trung Quốc có chung quan điểm về căn nguyên của cuộc chiến tranh Ukraina bắt nguồn từ phương Tây. Nhưng cách giải quyết thì khác nhau, « Trung Quốc chống việc dùng đến vũ lực ». Bắc Kinh muốn thay đổi hình ảnh một nước lớn hống hách, lấn lướt không tôn trọng luật pháp quốc tế... như nhiều nước láng giềng trong khu vực và Tây phương gần đây vẫn lên án.

Phần đông giới quan sát, chủ yếu ở phương Tây, nhận thấy về chi tiết, giải pháp cho Ukraina mà Trung Quốc đưa ra chủ yếu là những lập trường mang tính nguyên tắc, không rõ ràng về các vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân, hay thúc đẩy đàm phán cũng như tôn trọng toàn vẹn chủ quyền của các quốc gia.

Trên thực tế, dù các nước phương Tây có vẻ đồng nhất với nhau về quan điểm lúc này chưa phải là thời điểm đàm phán với Nga về Ukraina, nhưng không phải tất cả đều chia sẻ mục đích trong cuộc chiến tranh này.  Giải pháp của Trung Quốc  có thể khiến các nước phải suy xét về mối quan hệ với Bắc Kinh, hay quan điểm của họ về châu Âu.

Lấy ví dụ như trường hợp Pháp. Vốn vẫn muốn có mối quan hệ với Trung Quốc theo cách riêng của mình, Paris hiện vẫn tỏ thận trọng với các tố cáo của Mỹ về khả năng Trung Quốc cung cấp vũ khí cho Nga. Tương tự, Berlin cũng tỏ ra thận trọng. Ngay sau khi bản kế hoạch hòa bình được công bố, lần lượt các lãnh đạo Pháp và châu Âu đã xúc tiến chuẩn bị kế hoạch đi Bắc Kinh trong thời gian tới. 

Trong khi đó, Kiev tỏ ra hài lòng khi thấy một nước lớn có thể có ảnh hưởng với Matxcơva nhảy vào cuộc. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã nhận thấy sự cần thiết phải làm việc với Bắc Kinh. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc qua lời phát ngôn viên của ông ngay hôm 24/02, đã lên tiếng khen ngợi văn kiện đề xuất của Trung Quốc là một « đóng góp quan trọng ». Từng đấy dấu hiệu đã có thể cho thấy bước đầu Trung Quốc đã đạt được mục tiêu ngoại giao. Xa hơn nữa, có thể Trung Quốc không muốn trở thành nạn nhân của cuộc xung đột tại Ukraina.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.