Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH - TÀI CHÍNH

SVB và Credit Suisse, dấu hiệu báo trước khủng hoảng tài chính toàn cầu ?

Làm thế nào giải thích được trạng thái « bị động » trên các sàn chứng khoán thế giới hiện nay ? Chỉ trong vòng hai tuần lễ, ngành tài chính thế giới nhận được hai tin xấu : Silicon Valley Bank (SVB), ngân hàng lớn nhất của cái nôi công nghệ Mỹ, tuyên bố phá sản. Credit Suisse của Thụy Sĩ, được thành lập từ năm 1856 và là một trong 30 tập đoàn tài chính lớn nhất thế giới, đứng trước nguy cơ thiếu tiền mặt.

Trước trụ sở chính của ngân hàng Credit Suisse tại Zurich, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2023.
Trước trụ sở chính của ngân hàng Credit Suisse tại Zurich, Thụy Sĩ, ngày 16/03/2023. AP - Ennio Leanza
Quảng cáo

Trên nguyên tắc, vụ hai ngân hàng của Mỹ và Thụy Sĩ bị đe dọa không liên can gì đến nhau. Ngân hàng Thụy Sĩ làm ăn thua lỗ từ nhiều năm nay, trong lúc SVB bị phá sản do những khó khăn xuất phát từ ngành công nghệ cao của Mỹ. Thua lỗ của của hai ngân hàng này đều đã được báo trước.

Vậy tại sao giới trong ngành lại lo rằng SVB và Credit Suisse báo trước một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu ?

SVB là vụ « phá sản » lớn nhất từ sau khủng hoảng tài chính 2008, cho nên từ khi ngân hàng tuyên bố phá sản hôm 09/03/2023, từ tổng thống Hoa Kỳ đến Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ đã phải lên tiếng trấn an. Thế nhưng, cổ phiếu của các ngân hàng ở Mỹ và ở châu Âu, châu Á tiếp tục mất giá. Ba ngân hàng nhỏ khác của Hoa Kỳ đã bị kéo vào vòng xoáy của khủng hoảng.

Credit Suisse, tập đoàn có trụ sở tại Zurich, bị cáo buộc đầu tư bất cẩn : Năm 2021 thua lỗ gần 10 tỷ đô la qua trung gian đối tác Anh Greensill. Cũng Credit Suisse, theo Financial Times, bị cáo buộc liên quan đến các vụ rửa tiền, quan hệ mờ ám với giới tài phiệt Nga trong một số thương vụ gần như là bất hợp pháp. Hai cổ đông chính của tập đoàn ngân hàng này giờ đây là Ả Rập Xê Út và Qatar, mỗi bên năm giữ 10 % vốn của Credit Suisse. Đây là mức tối đa mà luật ngân hàng Thụy Sĩ cho phép một đối tác nước ngoài đầu tư vào một ngân hàng quốc gia. Trả lời báo chí hôm 15/03/2023, chủ tịch ngân hàng BNS Ammar Al Khudairy giải thích, theo luật ngân hàng Thụy Sĩ, đối tác Ả Rập Xê Út không thể đầu tư thêm vào Credit Suisse như đã được yêu cầu.

Chủ tịch tổng giám đốc của Credit Suisse trước đó thanh mình rằng ngân hàng này không vướng vào vụ SVB phá sản.

Trùng hợp về thời điểm, hai tuyên bố vụng về từ phía Ả Rập Xê Út BNS và của chính lãnh đạo Credit Suisse cũng đủ gây nên sóng gió. Cổ phiếu Credit Suisse mất giá hơn 24 % trong phiên giao dịch hôm qua. Kèm theo đó là mối lo ngại Thụy Sĩ, một trong những « cột trụ tài chính của thế giới », lâm vào khủng hoảng.

Các giới chức tài chính của Mỹ, Thụy Sĩ và cả châu Âu cùng khẳng định không sợ hiện tượng bị « đổ dàn » như hồi 2008 sau vụ ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố vỡ nợ, nhưng dường như những tuyên bố đó vẫn chưa đủ sức trấn an các nhà đâu tư.

Lý do là, thứ nhất, hiện tại, các ngân hàng trung ương trên thế giới, mà đứng đầu là Cục Dự Trữ Liên Bang Hoa Kỳ FED và Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu BCE đang liên tục tăng lãi suất chỉ đạo để kềm hãm lạm phát. Các đợt tăng lãi suất liên tục đó khiến giới đầu tư ý thức được rằng thời kỳ « tiền rẻ » với lãi suất chỉ đạo ở số không đã qua và tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm sụt do tác động từ chính sách tiền tệ của các ngân hàng. Thêm vào đó là tác động từ chiến tranh Ukraina, dư âm của Covid vẫn tồn tại… Đó là một lý do giải thích vì sao chứng khoán toàn cầu tụt giá từ cả tuần nay.

Thứ hai là vụ SVB phá sản kiến mọi người hoài nghi những nỗ lực của Mỹ và thế giới củng cố hệ thống tài chính, ngân hàng toàn cầu để kịch bản Lehman Brothers không bao giờ tái diễn. Mỹ cũng như Liên Âu đã có những « lá chắn » đề phòng một trận đại hồng thủy về tài chính như hồi 2008, nhưng sau vụ SVB, nhiều người không còn tin vào hiệu quả của những lá chắn tài chính đó.

Lý do thứ ba là trong các hoạt động chứng khoán, yếu tố tâm lý rất quan trọng. Một sự ngờ vực, một thái độ hốt hoảng dù không có cơ sở vẫn có thể khiến các thị trường tài chính mất giá, và như một vết dầu loang, dẫn tới một cuộc khủng hoảng thực thụ.

Trong trường hợp của Credit Suisse, cổ đông chính là ngân hàng Ả Rập Xê Út BNS đã giải thích « không cần tăng vốn cho đối tác Thụy Sĩ do ngân hàng này vẫn hoạt động trên một nền tảng vững chắc ». Nhưng các cổ đông khác của Credit Suisse dường như đã không nghe thấy nhận định đó, mà chỉ chú tâm vào quyết định của BNS « không cấp thêm vốn, không đầu tư thêm » vào Credit Suisse.

Rõ ràng là chứng khoán trên thế giới đang trong một trạng thái rất dễ bị động. Điều chắc chắn là Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu sẽ phải cân nhắc rất kỹ khi thông báo tăng lãi suất chỉ đạo vào hôm nay, tránh gây thêm hoang mang cho các thị trường tài chính thế giới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.