Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nga triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật : Yếu tố Belarus và Trung Quốc

Cuối tuần qua, một lần nữa tổng thống Nga Vladimir lại khuấy động dư luận thế giới với thông báo triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật trên lãnh thổ đồng minh Belarus. Động thái leo thang đe dọa nhằm vào phương Tây này không gây nhiều ngạc nhiên nhưng nói nhiều điều về mối quan hệ giữa Nga và hai đồng minh chủ chốt hiện nay là Belarus và Trung Quốc.

Tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko (T) với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 01/03/2023.
Tổng thống Belarus, Alexandre Loukachenko (T) với thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 01/03/2023. AFP - MAXIM GUCHEK
Quảng cáo

Đã trở nên quen thuộc, từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraina, mỗi khi phương Tây dấn thêm bước mới trong việc hậu thuẫn Ukraina khiến Nga gặp khó khăn trên chiến trường, là Matxcơva lại giương quân bài vũ khí hạt nhân nhằm chặn đà ủng hộ của phương Tây đối với Ukraina. Không ít nhà quan sát cho rằng thông báo của ông chủ điện Kremlin là để đáp trả việc Anh Quốc dự định cung cấp các loại đạn pháo có chứa uranium nghèo, cho dù giữa vũ khí hạt nhân chiến thuật và đạn uranium nghèo không có gì liên quan. Đây là cách hành động thường thấy ở ông Putin : Đối thủ đe dọa một thì mình phải đáp lại mạnh hơn nhiều lần.

Hôm 28/03, Minsk đã xác nhận các vũ khí hạt nhân chiến thuật của Nga sẽ được triển khai ở Belarus. Một câu hỏi được dư luận đặt ra là vì sao Belarus lại dễ dàng chấp nhận để Nga triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình ?

Quyết định của Minsk được giải thích là để đáp trả các sức ép ngày càng lớn của phương Tây đối với Belarus từ nhiều năm nay, từ trừng phạt, cô lập đến việc NATO tăng cường quân sự gần biên giới. Theo Minsk, đó là những nỗ lực của phương Tây nhằm lật đổ chế độ của Alexandre Loukachenko. Tổng thống Belarus đã được Vladimir Putin cứu thoát trong cuộc nổi dậy của dân chúng hồi năm 2020. 

Chính quyền Belarus quả quyết rằng quyết định này không hề đi ngược lại các thỏa thuận quốc tế chống phổ biến vũ khí hạt nhân và đây là một trong những cảnh cáo cứng rắn nhất của Matxcơva đối với phương Tây. Cũng cần phải nhắc lại là Belarus đã chuẩn bị từ trước « sân bãi » cho quyết định mới đây của tổng thống Nga. Từ năm 2022, tổng thống Alexandre Loukachenko đã cho sửa đổi Hiến pháp để có thể tiếp nhận triển khai vũ khí hạt nhân Nga trên lãnh thổ Belarus.

Thông cáo của bộ Ngoại Giao Belarus ngày 28/3 ghi rõ trong hoàn cảnh hiện nay, xuất phát từ những nguy cơ và lo ngại chính đáng về vấn đề an ninh quốc gia mà « Belarus phải đáp lại bằng cách tăng cường năng lực an ninh và quốc phòng của mình ». Với Matxcơva, thì việc triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Belarus, càng khẳng định nước này đang hội nhập toàn diện với nước Nga.

Một dấu hiệu khác được giới quan sát chú ý là động thái đe dọa hạt nhân mới này được Putin tung ra vào thời điểm không lâu sau chuyến thăm Matxcơva của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong chuyến thăm ba ngày đó, chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga đã khẳng định mối quan hệ « đặc biệt » giữa hai nước. Vì thế mà nhiều câu hỏi được đặt ra về lập trường của Trung Quốc và mối quan hệ Nga -Trung xung quanh căng thẳng mới về vũ khí hạt nhân.

Phần đông các chuyên gia đều cảm thấy ngạc nhiên khi mà trong chuyến thăm đó, ông Tập Cận Bình và Vladimir Putin đã ghi vào thông cáo chung quan điểm « một cuộc chiến tranh hạt nhân không bao giờ được xảy ra » và hai bên, cùng là cường quốc hạt nhân, cam kết không triển khai vũ khí hạt nhân bên ngoài lãnh thổ của mình. Truyền thông ở phương Tây lập tức nêu thắc mắc : Phải chăng Kremlin đã hành động với sự thỏa thuận của Bắc Kinh ? Hay là tổng thống Nga đã xỏ mũi đồng minh Trung Quốc ?

Giới chuyên gia đều cho rằng khó có câu trả lời thấu đáo cho vấn đề này. Có một điểm dễ thấy đó là Bắc Kinh vẫn luôn giữ thái độ mập mờ về cuộc xâm lược của Nga vào Ukraina, muốn lợi dụng cuộc chiến tranh này để đạt được mục đích kép. Một mặt có được độc quyền quan hệ kinh tế với Nga đang trong thế cô lập vì bị bao vây cấm vận của phương Tây, mặt khác làm suy yếu tối đa các đối thủ của chính mình, nhưng không hẳn là kẻ thù, là các cường quốc phương Tây.

Bắc Kinh không dại gì để bị lôi vào chiến tranh, đồng thời không thể áp đặt lập trường hay cách hành xử của Vladimir Putin. Có điều chắc chắn là Trung Quốc và Belarus vẫn luôn là đồng minh của Nga và tất cả đều có chung một mục đích : Làm sao để phương Tây suy yếu!

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.