Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chiến tranh Ukraina : Nga thăm dò mức độ ủng hộ của châu Mỹ Latinh

Nga có dễ thuyết phục châu Mỹ Latinh về thiện chí hòa bình? Để chứng minh Matxcơva không bị cô lập về ngoại giao vì xâm chiếm Ukraina, ngoại trưởng Serguei Lavrov công 4 nước tại châu lục này kể từ hôm qua, 18/04/2023. Brazil là chặng đầu tiên trước khi ông đến Venezuela, Cuba và Nicaragua.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov phát biểu với báo chí tại Brasilia, Brazil, ngày 17/04/2023.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov phát biểu với báo chí tại Brasilia, Brazil, ngày 17/04/2023. © REUTERS - UESLEI MARCELINO
Quảng cáo

Tại Caracas, thủ đô Venezuela, hôm qua, ông Lavrov đã kêu gọi thành lập một «liên minh» chống «những mưu đồ bắt bí và hành động đơn phương bất hợp pháp của phương Tây». Ngoại trừ Brazil, chính quyền ba quốc gia kia đều đang bị các biện pháp trừng phạt kinh tế do Hoa Kỳ ban hành. Bản thân nước Nga cũng đang bị Liên Âu Mỹ trừng phạt từ khi tổng thống Putin đưa quân xâm chiếm Ukraina. Mục tiêu chính trong chuyến đi châu Mỹ Latinh của ngoại trưởng Lavrov lần này nhằm thăm dò xem châu lục này ủng hộ Matxcơva đến mức độ nào đối với «chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraina», như từ ngữ điện Kremlin xử dụng.

Tại Brasilia, tổng thống Lula đã tiếp lãnh đạo ngoại giao Nga ít ngày sau tuyên bố của ông từ Bắc Kinh về hồ sơ Ukraina. Nguyên thủ quốc gia Brazil cho rằng việc Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây cung cấp vũ khí cho Ukraina là châm thêm củi lửa cho chiến tranh. Ông Lula không đả động đến trách nhiệm của Matxcơva trong cuộc chiến này. Nhưng rồi đúng ngày tiếp ngoại trưởng Lavrov, tổng thống Brazil đã phải mạnh mẽ nhắc lại lập trường «lên án hành vi xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina». Sau cuộc họp giữa ngoại trưởng Nga và Brazil, đôi bên không ra thông cáo chung về Ukraina, mà chỉ đề cập đến việc thúc đẩy hợp tác kinh tế và công nghiệp song phương. Nga là nguồn cung cấp phân hóa học quan trọng nhất cho Brazil, một vựa ngũ cốc của thế giới.

Khác hẳn với Brazil, Venezuela, Cuba hay Nicaragua là những quốc gia thân thiện với Nga. Cả ba đều đang có quan hệ nhiều sóng gió với phương Tây, đứng đầu là Mỹ và đều bị lên án chà đạp nhân quyền. Matxcơva là điểm tựa của Caracas, Maragua và nhất là La Habana. 

Venezuela dưới thời tổng thống Hugo Chavez đã đứng về phía Matxcơva khi điện Kremlin đưa quân đánh chiếm Gruzia năm 2008. Caracas cũng là một khách hàng mua vũ khí của Nga. Giờ đây Venezuela không còn là nền kinh tế thịnh vượng ở châu Mỹ Latinh nên lại càng cần dựa vào Nga nhiều hơn. Nhưng trong cuộc biểu quyết hồi tháng 3/2022về nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraina, Caracas đã «không đủ điều kiện tham dự», vì không nộp niên liễm đúng hạn. 

Cuba thì từ lâu nay đã «chịu ơn» nước Nga. Tháng 11/2022 chủ tịch Miguel Diaz Canel đã đến Matxcơva tiếp kiến tổng thống Vladimir Putin. Vào lúc Cuba trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ cuộc cách mạng 1959, Nga đồng ý viện trợ dầu hỏa cho Cuba, cho dù khoản trợ giúp đó không đủ để vực dậy nền kinh tế hơn 11 triệu dân này.

Còn tại Nicaragua, ngoại trưởng Lavrov như chơi trên sân nhà : Từ tháng 6/2022 Nga và Nicaragua đã ký một thỏa thuận cho phép Matxcơva triển khai quân cùng với chiến đấu cơ và tàu chiến tại quốc gia châu Mỹ Latinh này trong khuôn khổ các chương trình hợp tác cứu trợ nhân đạo.

Dù vậy Matxcơva ghi nhận : Trong các cuộc biểu quyết tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi năm ngoái lên án Nga xâm chiếm Ukraina, Nga mất hai lá phiếu ủng hộ của Cuba và Venezuela. Chỉ có Nicaragua cùng 5 quốc gia khác trên thế giới bỏ phiếu chống lại nghị quyết của Liên Hiệp Quốc bất lợi cho nước Nga.

Từ một năm qua, chiến tranh Ukraina đã đẩy giá dầu hỏa lên cao, làm thay đổi cục diện trên bàn cờ năng lượng quốc tế. Chính quyền Biden nay nhìn chế độ Maduro dưới một lăng kính mới, bởi Venezuela là một trong những kho dự trữ dầu của thế giới. Caracas bắt đầu kỳ vọng vào những bước đầu «bình thường hóa quan hệ với Washington». Venezuela đang cần khởi động lại ngành công nghiệp dầu hỏa để vực dậy kinh tế.

Ngoài bốn chặng dừng nói trên ở châu Mỹ Latinh, ngoại trưởng Lavrov cũng thừa biết rằng nhiều quốc gia khác tại châu lục này vẫn giữ thái độ « trung lập » : không hùa với phương Tây lên án Matxcơva xâm chiếm Ukraina, nhưng cũng không cấp vũ khí cho Kiev, cho dù những nước như Achentina, hay Colombia và Mêhicô đã phải cưỡng lại áp lực của phương Tây. Bảo đảm được Châu Mỹ Latinh vẫn «trung lập» trên vấn đề Ukraina đã là một thắng lợi của ngành ngoại giao Nga và có lẽ đây là mục tiêu mà ông Serguei Lavrov thực sự nhắm tới trong chuyến đi lần này.  

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.