Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chủ tịch Cuba đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất từ 3 thập niên qua

Hôm qua, 19/04/2023, Quốc Hội Cuba đã bỏ phiếu bầu tân chủ tịch và kết quả không có gì là bất ngờ: ông Miguel Diaz-Canel đã tái đắc cử nhiệm kỳ 2, vì ông là ứng cử viên duy nhất. Kết quả bầu cử cũng theo đúng truyền thống của quốc gia Cộng sản này: 97,66%, tức là 459 trên tổng số 462 đại biểu, đã bỏ phiếu cho ông. 

Ảnh minh họa: Người dân xếp hàng chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở La Habana, Cuba, ngày 18/04/2023.
Ảnh minh họa: Người dân xếp hàng chờ đổ xăng tại một trạm xăng ở La Habana, Cuba, ngày 18/04/2023. AP - Ramon Espinosa
Quảng cáo

Ngay sau khi được bầu lại vào chức chủ tịch, Diaz-Canel đã hứa chính phủ của ông sẽ “giải quyết các vấn đề về thiếu hiệu quả” tại Cuba, để gia tăng mức cung hàng hóa và dịch vụ cho người dân, đồng thời kềm chế lạm phát. Ông cũng cực lực đả kích nạn quan liêu, tham nhũng “không thể chấp nhận được”

Diaz-Canel tái đắc cử chủ tịch Cuba vào lúc nước này đang trải qua khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất từ ba thập niên qua. 

Vào năm 2018, ông Diaz-Canel đã là nhân vật đầu tiên thuộc thành phần dân sự lên nắm chức chủ tịch Cuba thay thế hai anh em Fidel và Raul Castro, đã thay phiên nhau cầm quyền suốt từ cuộc Cách Mạng 1959. Lúc đó ai cũng hy vọng tân lãnh đạo, nguyên là một kỹ sư điện tử, sẽ mang lại một luồng gió mới cho đảo quốc này. 

Thuộc thế hệ sinh sau 1959, Diaz-Canel được giao trọng trách thúc đẩy tiến trình cải tổ kinh tế còn dè dặt, do người tiền nhiệm Raul Castro khởi xướng. Thế nhưng, sau 5 năm cầm quyền, chủ tịch Cuba đã không thể chặn đứng khủng hoảng kinh tế bắt đầu từ năm 2018, với tình trạng khan hiếm lương thực, thuốc men, nhiên liệu, một phần cũng là do Hoa Kỳ tăng cường lệnh cấm vận được ban hành từ năm 1962 và một phần là do tác động của đại dịch Covid-19. 

Từ đầu năm 2021, ông Diaz-Canel đã tiến hành cải tổ tiền tệ, chấm dứt việc áp dụng hối suất 1 đô la đổi một peso Cuba, một tỷ giá phi thực tế vẫn tồn tại từ bao thập niên qua. Nhưng cải tổ này lại gây ra những xáo trộn lớn trong nền kinh tế Cuba, khiến lạm phát tăng vọt, đồng peso bị mất giá rất nhiều, người dân bất bình. Trong vòng 2 năm, tỷ giá chính thức của đồng tiền Cuba đã từ 14 peso/đô la lên thành 120 peso/đô la, còn tỷ giá chợ đen thì lên tới 185 peso/đôla.   

Chủ tịch Cuba cũng đã khuyến khích người dân kinh doanh cá thể và cho phép tư nhân thành lập các xí nghiệp cỡ nhỏ và vừa, thế nhưng những biện pháp này đã không đủ để giúp cải thiện tình hình kinh tế.

Theo chuyên gia Cuba về quan hệ quốc tế Arturo Lopez-Levy, hiện làm việc tại Hoa Kỳ, được hãng tin AFP trích dẫn, ông Diaz-Canel đã không tiến hành một sự chuyển tiếp toàn diện đến một nền kinh tế hỗn hợp. Vị chuyên gia này nhấn mạnh: một số thay đổi kinh tế đã không diễn ra theo dự kiến và những cải tổ khác thì không chắc là sẽ được thực hiện.

Đối với nhà đối lập Manuel Cuesta, chủ tịch Diaz-Canel tái đắc cử đúng vào lúc Cuba đang gặp hai khủng hoảng: khủng hoảng về mô hình kinh tế và khủng hoảng trong các cơ quan nhà nước đặc trách tìm ra các giải pháp thích hợp cho Cuba.

Cho dù là một lãnh đạo có phong cách trẻ trung hơn, tân thời hơn hai anh em Castro, Diaz-Canel thật ra vẫn là một nhân vật của cơ chế, một đảng viên trung kiên của đảng Cộng sản Cuba, không hề có ý định cải tổ hệ thống chính trị của Cuba. Ông cũng đã tỏ ra không chút khoan nhượng đối với các cuộc biểu tình lịch sử ngày 11/07/2021, thẳng tay đàn áp những người xuống đường đòi tự do, đòi cơm áo. Theo tổ chức phi chính phủ Cubalex, trụ sở ở Miami, vào lúc đó, khoảng 1.300 người biểu tình đã bị bắt giữ, trong đó gần 500 người bị tuyên các án tù lên đến 25 năm. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.