Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Tổng thống Erdogan tái đắc cử, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục chính sách đối ngoại thực dụng

Kết quả bầu cử tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ được công bố tối 28/05/2023. Nga, Mỹ, châu Âu cùng hối hả chúc mừng Recep Tayyip Erdogan tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ 5 năm. Cả Kiev lẫn Matxcơva cùng yên tâm khi quyền lực tại Anraka không đổi chủ. Ấn Độ, Trung Quốc và nhất là các nước trong vùng Vịnh đều bằng lòng với chọn lựa của 60 triệu cử tri Thổ Nhĩ Kỳ. Thế giới có kỳ vọng quá nhiều và quá tin tưởng vào chính sách ngoại giao của Ankara ? 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan. Ảnh ngày 28/05/203.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdogan. Ảnh ngày 28/05/203. AP - Ali Unal
Quảng cáo

Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên duy nhất trong tổ chức quân sự Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO còn duy trì đối thoại với Nga, vừa mua vũ khí của Mỹ vừa trang bị tên lửa S-400 của Nga. Ông Erdogan khẳng định tổng thống Vladimir Putin là « bạn » nhưng đồng thời Ankara cung cấp drone cho Kiev để đối phó với quân Nga xâm lược Ukraina. 

Âu Mỹ có thành thật hay không khi tỏ ra « nóng lòng » tiếp tục làm việc với chính quyền Erdogan nhằm vãn hồi hòa bình tại châu Âu, để giải quyết xung đột Ukraina ? Lãnh đạo Anh và Mỹ trong điện chúc mừng đã nhắc nhở Ankara về vai trò của một « đồng minh và thành viên » trong liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương NATO. Trong cuộc vận động tranh cử vừa qua, ông Erdogan một mặt tố cáo Hoa Kỳ mưu toan « lật đổ » ông, đánh cược vào ứng viên của phe đối lập, mặt khác ông ra sức « ve vãn » Matxcơva. Chính « cặp bài trùng » Putin-Erdogan đã làm dấy lên nhiều nghi vấn, như phân tích của một chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ tại Matxcơva, Karim Has được tuần báo L’Express trích dẫn. 

Với Liên Hiệp Châu Âu, quan hệ cũng không mấy nồng thắm. Chính quyền Erdogan thường xuyên dùng lá bài di dân để mặc cả với Bruxelles. Với Pháp, bang giao không mấy thuận thảo : Paris và Ankara đã nhiều đấu khẩu gay gắt. Với Đức, nơi có đông cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống, chúc mừng Erdogan tái đắc, thủ tướng Đức Olaf Scholz nói đến một « lực đẩy mới » giữa hai quốc gia có nhiều gắn bó về kinh tế, ngụ ý Berlin chờ đợi một bước đột phá « khả quan hơn ». 

Riêng với Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden nhanh chóng có lời chúc mừng ông Erdogan, nhưng trên thực tế, chính quyền Washington có nhiều lý do để bực mình vì một đồng minh gây nhiều phiền toái. Thứ nhất, cùng với Hungary, Thổ Nhĩ Kỳ đã làm khó dễ trong việc kết nạp thêm hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, để rồi cuối cùng Erdogan bật đèn xanh cho Helsinki tham gia NATO còn Thụy Điển thì chưa. Cũng Thổ Nhĩ Kỳ đặt nhiều vấn đề cho NATO khi gây sự với một thành viên khác trong liên minh quân sự này là Hy Lạp, do tranh chấp khai thác tài nguyên ở Địa Trung Hải.

Điểm thứ nhì trong chính sách đối ngoại của Ankara khiến Mỹ bực mình là mức độ thân thiện giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga được lệnh cho Ankara thêm một năm để thanh toán các hóa đơn đáo hạn. Đổi lại, cũng chuyên gia Karim Has từ Matxcơva cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác quan trọng giúp Vladimir Putin lách lệnh trừng phạt quốc tế và tránh đẩy nước Nga lún sâu thêm vào khủng hoảng kinh tế. 

Nhưng nói như vậy có lẽ là chỉ nhìn vấn đề theo một chiều.

Trên vấn đề mở rộng NATO, giới quan sát ghi nhận, Ankara chỉ muốn mặc cả với toàn khối và với riêng Thụy Điển về « hiểm họa khủng bố », nhưng về cơ bản Thổ Nhĩ Kỳ không phản đối việc mở rộng Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. 

Kế tới là vào lúc căng thẳng giữa phương Tây và Nga dâng cao, đặc biệt là vì xung đột Ukraina, việc ông Erdogan giữ được kênh liên lạc với Putin cũng là điều cần thiết và chưa chắc là Mỹ thực sự muốn ly gián Thổ Nhĩ Kỳ với Nga. Bằng chứng rõ rệt nhất là vai trò trung gian của Thổ Nhĩ Kỳ trong thỏa thuận ngũ cốc cho Ukraina được thông qua hồi mùa hè 2022. 

Không thể phủ nhận Erdogan là một đồng minh « khó bảo », là một đối tác khó lường, nhưng xét cho cùng tiếng nói của Ankara lại rất cần thiết, từ hồ sơ Ukraina đến việc giải quyết xung đột khu vực giữa Azerbaijan và Armenia, hay trên vấn đề Libya … Trên tất cả những vấn đề này, trong một chừng mực nào đó, Recep Tayyip Erdogan vẫn là đại diện của NATO. 

Nhà chính trị học Ahmet Insel đại học Galatararay, Istanbul lưu ý, vào lúc Trung Đông không còn là ưu tiên của Hoa Kỳ, Liên Âu thì không có được một chính sách rõ ràng nào đối với khu vực. Trong lúc châu Âu không có trọng lượng trên các hồ sơ Libya hay xung đột ở Thượng Karabakh, thì Thổ Nhĩ Kỳ « đã và còn sẽ tiếp tục » mở rộng ảnh hưởng với tất cả các khu vực này. Chính vì thế mà trong thư chúc mừng ông Erdogan tái đắc cử, phương Tây cần phải vừa nhắc nhở vừa thể hiện rõ rằng Thổ Nhĩ Kỳ là « thành viên quan trọng của NATO », là một đại diện của khối phương Tây. 

Điều đó không cấm cản tổng thống Recep Tayyip Erdogan trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới tiếp tiếp tục theo đuổi một chính sách ngoại giao « không giống ai » như Didier Billon, phó giám đốc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược của Pháp ghi nhận. Có nghĩa là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thắt chặt thêm quan hệ với những quốc gia thù nghịch với Mỹ và đặc biệt là sẽ mở rộng bang giao với Trung Quốc vì những tính toán kinh tế. Cũng vì những tính toán kinh tế đó mà Ankara đã và sẽ còn tiếp tục sưởi ấm quan hệ với các nước trong vùng Vịnh, từ Ả Rập Xê Út đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất hay Israel ở Trung Đông. 

Trong 20 năm Erdogan lãnh đạo đất nước, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành một mắt xích quan trọng, một đối tác « hữu ích » trong bang giao quốc tế. Ngày nào mà Ankara còn có thể là nhịp cầu giữa Nga, Mỹ, hay giữa phương Tây với bất kỳ một đối thủ nào khác thì không chắc là các nền dân chủ phương Tây sẽ mạnh mẽ ủng hộ các nhà đấu tranh nhân quyền trên quê hương của ông Erdogan.   

  

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.