Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Kosovo: Cộng đồng người Serbia vẫn không công nhận chính quyền Pristina

Tình hình tại Kosovo đã trở nên rất căng thẳng từ nhiều ngày qua khiến NATO phải can thiệp, mà nguyên nhân chính đó là cộng đồng thiểu số người Serbia cho tới nay vẫn không công nhận chính quyền Pristina và vẫn trung thành với Beograd.

Binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR đứng gác tòa thị chính ở Zvecan, Kosovo, ngày 30/05/2023.
Binh sĩ lực lượng gìn giữ hòa bình KFOR đứng gác tòa thị chính ở Zvecan, Kosovo, ngày 30/05/2023. © REUTERS / OGNEN TEOFILOVSKI
Quảng cáo

Tháng Tư vừa qua, chính quyền Pristina đã phải tổ chức các cuộc bầu cử hội đồng thành phố để lấp vào những chỗ trống sau khi hàng loạt quan chức người Serbia trong nhiều cơ quan địa phương đã từ chức. Những người này rời bỏ chức vụ để phản đối một quyết định của chính quyền Pristina cấm người Serbia sống ở Kosovo sử dụng các biển số xe do chính quyền Beograd cấp. Chính quyền Kosovo hiện đã tạm ngưng thi hành quyết định này. 

Chính vì không công nhận chính quyền Pristina mà trong cuộc bầu cử tháng Tư, rất nhiều cử tri người Serbia đã tẩy chay, không đi bỏ phiếu tại 4 thành phố của miền bắc Kosovo nơi mà họ chiếm đa số. Kết quả là toàn bộ các thị trưởng được bầu đều là người Kosovo Albanie, và tỷ lệ cử tri đi bầu chỉ là 3,5%. 

Bất chấp các lời kêu gọi của Liên Hiệp Châu Âu và của Hoa Kỳ, chính quyền Kristina vào tuần trước vẫn để cho các thị trưởng mới nhậm chức. Từ mấy ngày qua, người biểu tình Serbia đã tập hợp trước các tòa thị chính có liên quan để đòi các tân thị trưởng từ chức và đòi lực lượng cảnh sát Kosovo rút khỏi vùng mà người Serbia chiếm đa số. 

Thật ra, ngoài nguyên nhân trực tiếp là việc bầu các thị trưởng người Albanie, căng thẳng hiện nay có nguyên nhân sâu xa hơn đó là vấn đề độc lập của Kosovo. Vùng lãnh thổ tranh chấp này đã tuyên bố độc lập, tách khỏi Serbia vào năm 2008, sau một thập niên chiến tranh ác liệt, khiến khoảng 13.000 người thiệt mạng, đa số là người Albanie. Nước Cộng hòa Kosovo nay được khoảng 100 quốc gia công nhận, đa số là các nước phương Tây và gần đây có cả Israel. Nhưng Serbia chưa bao giờ công nhận nền độc lập của Kosovo. Hai thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc là Nga và Trung Quốc cũng không thừa nhận Cộng hòa Kosovo, cho nên nước này chưa thể gia nhập Liên Hiệp Quốc. Ngay cả trong Liên Hiệp Châu Âu cũng có 5 nước thành viên không công nhận Kosovo.

Nhiều người ở Serbia vẫn xem Kosovo như là cái nôi tôn giáo và dân tộc của họ. Còn cộng đồng thiểu số người Serbia ở Kosovo có khoảng 120.000 người, đa số trung thành với Beograd. Một phần ba trong số này sống tập trung ở miền bắc Kosovo, gần biên giới Serbia và được Serbia hỗ trợ về tài chính. Tại vùng này, quốc kỳ Serbia được treo khắp nơi, người dân vẫn sử dụng đồng dinar của Serbia, thậm chí họ không trả tiền điện, tiền nước, tiền thuế cho Nhà nước Kosovo. Mỗi lần cảnh sát Kosovo can thiệp vào vùng này, người dân đều phản đối. 

Vào năm 2013, đã có một thỏa thuận được ký kết, dự trù thành lập một liên hiệp 10 thành phố có cộng đồng người Serbia sinh sống, nhưng thỏa thuận vẫn không được thực hiện do Kosovo và Serbia không đồng ý với nhau về thẩm quyền của cơ chế này. 

Người Kosovo Albanie  sợ liên hiệp các thành phố nói trên sẽ biến thành một chính quyền song song và do Beograd kiểm soát. Nhưng đối với nhiều người Kosovo Serbia, công nhận thẩm quyền của chính quyền Pristina chẳng khác gì chấp nhận là Kosovo không còn thuộc quyền kiểm soát của Beograd và vùng lãnh thổ này sẽ không có ngày được trở về với đất mẹ. 

Trong bối cảnh chiến tranh Ukraina vẫn ác liệt, trong thời gian qua, Liên Hiệp Châu Âu đã gây áp lực với cả hai bên ở Kosovo, đòi họ phải cố gắng tìm ra đồng thuận nhằm tránh bùng nổ một cuộc xung đột khác ở châu Âu. Nhưng có thể áp lực của đồng minh Hoa Kỳ sẽ có hiệu quả hơn. Sau khi chỉ trích quyết định của chính quyền Pristina để cho các tân thị trưởng người Albanie nhậm chức, Washington đã loại Kosovo ra khỏi một chương trình thao dượt quân sự đa quốc gia, đồng thời dọa sẽ chấm dứt ủng hộ ngoại giao cho việc quốc tế công nhận nền độc lập của vùng lãnh thổ này.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.