Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Mỹ-Trung thất đàm tại diễn đàn đối thoại an ninh Shangri-La

Diễn đàn An ninh châu Á Shangri-La đã khép lại hôm Chủ Nhật 04/06/2023. Bất chấp cái bắt tay bất ngờ của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin với đồng nhiệm Trung Quốc Lý Thượng Phúc, cánh cửa đối thoại Mỹ - Trung để hạ nhiệt căng thẳng dường như vẫn bị khép. Phải chăng Đài Loan là « chốt chặn », ngăn cản hai siêu cường đối thoại về an ninh khu vực ?  

Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc ( Li Shangfu) tại Đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore, ngày 04/06/2023.
Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc ( Li Shangfu) tại Đối thoại an ninh Shangri-La ở Singapore, ngày 04/06/2023. via REUTERS - MARK CHEONG/THE STRAITS TIMES
Quảng cáo

Có một điều chắc chắn, theo giới quan sát, vụ va chạm suýt xảy ra trên biển giữa tầu chiến Mỹ và Trung Quốc tại eo biển Đài Loan ngày 03/06 lại càng làm mờ nhạt đi khả năng đối thoại song phương. Bắc Kinh tố cáo Washington có hành động khiêu khích trong khi Mỹ chỉ trích Trung Quốc có thái độ « hành xử không an toàn ».  

Sự cố này đã làm dấy lên nỗi lo sợ va chạm và có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu giữa các siêu cường. Đây cũng là lý do vì sao thủ tướng Úc Anthony Albanese, trong bài phát biểu quan trọng đầu tiên đã đặt trọng tâm cho sự đối thoại tại vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương nhằm ngăn chặn tình huống xấu nhất xảy ra.  

Chỉ có điều, tại Đối thoại An ninh Shangri-La, Trung Quốc và Mỹ lại « nói cạnh nói khóe » mà không thực sự nói chuyện với nhau như nhận xét từ nhà nghiên cứu Graeme Dobell, thành viên cấp cao tại ASPI – Australian Strategic Policy Institute trên trang mạng The Stratgist. Những bài phát biểu của hai lãnh đạo quốc phòng hàng đầu thế giới chỉ là những lời buộc tội đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhưng thiếu sự lắng nghe và ít có trao đổi.  

Như thông lệ đã được soạn sẵn, lãnh đạo quốc phòng Trung Quốc khi lên án Mỹ khiêu khích còn nhắc nhở phương Tây : « Đài Loan là của Trung Quốc. Đó là chính sách một nước Trung Hoa. Và đây là vấn đề nội bộ của Trung Quốc. » Khác với những năm trước, lời lẽ của ông Lý Thượng Phúc cứng rắn và có phần xác quyết hơn khi cảnh cáo không quân – hải quân phương Tây « chớ mon men » đến gần vùng lãnh hải và không phận của Trung Quốc. Sự cố trên biển với Mỹ là một hồi chuông cảnh báo từ Trung Quốc.   

Về phần mình, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ chỉ trích Trung Quốc không sẵn lòng tham gia nghiêm túc các cơ chế quản lý khủng hoảng giữa quân đội hai nước. Bộ trưởng Lloyd Austin trong bài phát biểu liệt kê số lần có nguy cơ xảy ra va chạm trên không giữa Trung Quốc với Mỹ và các đồng minh, năm lần cảnh báo chống sự ép buộc và ba lần đề cập đến việc bị bắt chẹt và nhất lại nhắc lại lập trường « kiên quyết phản đối đơn phương thay đổi nguyên trạng ở eo biển Đài Loan » bất kể là từ Bắc Kinh hay Đài Bắc.  

Tuy nhiên, chuyên gia Graeme Dobell cảnh báo : Một cuộc xung đột nếu xảy ra ở eo biển này hậu quả sẽ là tàn khốc. Trong bản « Đánh giá An ninh châu Á – Thái Bình Dương » do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) thực hiện, chương « Mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung và mối đe dọa ngày càng tăng đối với Đài Loan », của nhà nghiên cứu Nigel Inkster, trước hết nhận định mục tiêu thống nhất với Đài Loan của Bắc Kinh vào dịp kỷ niệm 100 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vẫn chỉ là một khát vọng.   

Việc giới lãnh đạo quân sự Hoa Kỳ dự báo Trung Quốc có khả năng sử dụng vũ lực chiếm lại Đài Loan không dựa trên những « phân tích tình báo chắc chắn » mà là dựa trên những đánh giá về thời điểm Trung Quốc sẽ có khả năng quân sự để tấn công. Nhưng Inkster cũng ước tính rằng một cuộc chiến tranh xảy ra tại eo biển này sẽ gây thiệt hại đến hai nghìn tỷ đô la Mỹ ngay lập tức cho nền kinh tế toàn cầu.  

Do vậy, nhà nghiên cứu này kết luận, không ai biết được lúc nào và Trung Quốc có sẽ sử dụng vũ lực để đánh chiếm Đài Loan hay không. Nếu xảy ra, chiến dịch sẽ được thực hiện dưới nhiều hình thức. Nhưng Trung Quốc cũng chuẩn bị mọi giải pháp bao gồm cả việc sử dụng luật lệ (lawfare), nghĩa là Bắc Kinh có thể đơn phương quyết định eo biển Đài Loan không là tuyến đường biển quốc tế.   

Trong mọi trường hợp, quyết định có sử dụng vũ lực hay không, giờ có thể không chỉ nằm trong tay Trung Quốc mà còn tùy thuộc vào diễn tiến quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington. Nhà nghiên cứu Graeme Dobell kết luận : Trong bối cảnh « Biển động mà đối thoại bất động », cái bắt tay « phục kích » (theo như mỉa mai của giới chuyên gia Trung Quốc) vẫn còn có lợi cho an ninh toàn cầu hơn là bị « lịch sử phục kích » !  

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.