Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trung Quốc và Nga, hai « mục tiêu » trong Chiến lược An ninh Quốc gia của Đức

Matxcơva là « mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình », còn Bắc Kinh là một « đối thủ cạnh tranh có hệ thống ». Phải chăng Berlin đang thay đổi quan điểm về hai điểm tựa quan trọng là Nga và Trung Quốc, từng góp phần làm nên sức mạnh của nền công nghiệp, xuất khẩu cho nước Đức ? Trong báo cáo đầu tiên về chiến lược an ninh quốc gia được công bố hôm 14/06/2023, chính quyền thủ tướng Olaf Scholz nêu đích danh Nga và Trung Quốc là những thách thức đối với Berlin.

Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, trong buổi họp báo giới thiệu Chiến lược An ninh Quốc gia, Berlin, Đức, ngày 14/06/2023.
Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, trong buổi họp báo giới thiệu Chiến lược An ninh Quốc gia, Berlin, Đức, ngày 14/06/2023. REUTERS - FABRIZIO BENSCH
Quảng cáo

Tài liệu đó gồm những gì liên quan đến Nga và Trung Quốc ? Tại sao Berlin dám nêu đích danh hai hiểm họa đó trong bối cảnh thủ tướng Đức cho đến rất gần đây vẫn mong muốn nối lại đối thoại với tổng thống Nga Vladimir Putin về hồ sơ Ukraina ?

Cho đến trước khi nổ ra chiến tranh Ukraina, cỗ máy công nghiệp của Đức phụ thuộc chủ yếu vào các nhà cung cấp dầu khí của Nga, còn Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất mà không một đại tập đoàn nào của Đức dám bỏ qua. Những đời thủ tướng tiền nhiệm, từ Angela Merkel đến Gerhard Schröder, đều đã đã rất thân thiện với cả Trung Quốc lẫn Nga. Cả hai từng có quan hệ cá nhân rất tốt đẹp với các lãnh đạo ở Matxcơva và Bắc Kinh.

Từ tháng 02/2022, Matxcơva đưa quân xâm lược Ukraina, chiến tranh bùng nổ ngay trên lãnh thổ châu Âu, sát cạnh nhiều thành viên Liên Âu, việc Berlin xem Nga là một mối đe dọa đối với hòa bình thế giới là điều dễ hiểu. Điều này lại càng hiển nhiên hơn nữa khi mà từ đầu chiến tranh Ukraina, tổng thống Vladimir Putin vẫn để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, gây lo ngại cho toàn châu lục. Thêm vào đó, chính quyền Đức nhận ra sai lầm là đã dựa quá nhiều vào dầu khí của Nga để phục vụ cỗ máy công nghiệp. Nhưng không chỉ có Nga trong tầm ngắm của Berlin, Đức nay cũng tỏ ra cứng rắn với Trung Quốc.

Trước ống kính truyền hình thế giới, hôm qua thủ tướng Scholz cùng với một số thành viên trong nội các đã nhấn mạnh « lần đầu tiên trong lịch sử », Đức cho công bố một tài liệu về « Chiến Lược An Ninh Quốc Gia ». Văn bản gần 80 trang xác định những thách thức, những mục tiêu và tầm mức quan trọng về an ninh của Đức, bởi vì chiến tranh Ukraina đẩy chính sách đối ngoại và quốc phòng của Berlin vào « một thời kỳ mới ». Ngoại trưởng Annalena Baerbock, thuộc đảng Xanh trong liên minh cầm quyềnnói thêm cần tăng cường chiến lược an ninh, « để không bị Trung Quốc nghe trộm (…), để không bị robot của Nga tung tin giả trên các mạng xã hội » làm khuynh đảo nước Đức.

Trong tài liệu vừa được công bố, chính phủ Đức quan niệm Trung Quốc « vừa là một đối tác, một nước cạnh tranh và là một đối thủ có hệ thống ». Berlin ghi nhận Bắc Kinh « tìm mọi cách để kiến tạo một trật tự thế giới mới (…) càng lúc càng hung hăng thể hiện vai trò bá chủ trong khu vực và luôn hành xử ngược lại với những quyền lợi và giá trị » của nước Đức. « Trong những năm gần đây, Đức ghi nhận nhiều yếu tố thể hiện sự cạnh tranh và đối đầu đó» . Một số hành vi của Trung Quốc « gia tăng sức ép đối với ổn định trong khu vực và an ninh của quốc tế ». Dù vậy, thủ tướng Olaf Scholz vẫn tin rằng « Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu để giải quyết nhiều thách thức chung trên thế giới ».

Những tuyên bố mạnh mẽ này được đưa ra vào lúc thủ tướng Trung Quốc Lý Cường chuẩn bị công du Đức vào tuần tới. Trung Quốc là đối tác kinh tế quan trọng của Đức, là thị trường lớn thứ nhì của các doanh nghiệp Đức sau Liên Âu, hơn một triệu công việc làm tại Đức tùy thuộc vào xuất khẩu sang thị trường rộng lớn tại châu Á này. Cũng chính vì yếu tố thương mại và kinh tế đó mà Berlin nhiều lần bị chỉ trích nương tay với Trung Quốc, đặc biệt là về vấn đề nhân quyền. Các đối tác của Đức trong Liên Hiệp Châu Âu còn nhớ cựu thủ tướng Merkel đã gây áp lực tối đa để thông qua thỏa thuận đầu tư giữa 27 thành viên trong khối với Bắc Kinh vào những ngày cuối cùng năm 2020, để rồi thỏa thuận đó rơi vào tình trạng « bị chết từ trong trứng nước ».

Trong Liên Âu, Đức là nền kinh tế duy nhất trong thế « xuất siêu » với Trung Quốc. Nếu như Berlin lệ thuộc vào năng lượng của Nga, thì toàn bộ cỗ máy công nghiệp của Đức, từ công nghiệp xe hơi đến các tập đoàn sản xuất vũ khí, lại phụ thuộc vào đất hiếm của Trung Quốc. 

Vậy làm sao giải thích lập trường cứng rắn của chính phủ Đức thể hiện qua « Chiến Lược An Ninh Quốc Gia » được công bố hôm qua ? Giới quan sát ghi nhận : Chính phủ liên minh của thủ tướng Olaf Scholz đang chịu nhiều áp lực. Sức ép mạnh nhất xuất phát từ chính các thành viên trong nội các. Đảng Xanh chẳng hạn, do bà Baerbock đại diện ở cương vị ngoại trưởng, vẫn chỉ trích thủ tướng Scholz mềm yếu với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan, nhân quyền.

Áp lực thứ nhì xut phát từ nhiều đối tác trong Liên Âu. Chuyến công du Bắc Kinh hồi tháng 11/2022 của thủ tướng Olaf Scholz khiến Berlin bị chỉ trích là « ích kỷ », đặt lợi ích của Đức lên trên quyền lợi chung của Liên Âu, vào lúc mà Bruxelles chủ trương « giảm thiểu rủi ro vì dựa quá nhiều vào Trung Quốc » về kinh tế và phụ thuộc quá nhiều vào công xưởng thế giới này trong chuỗi cung ứng. Một số nhà quan sát thậm chí cho rằng ông Scholz đã vội vã sang Bắc Kinh tiếp kiến ông Tập hòng « cứu vãn mô hình kinh tế của Đức ». Sự hoài nghi đó càng lớn hơn khi cũng chính Olaf Scholz đồng ý nhượng một phần hải cảng Hambourg cho một đối tác Trung Quốc.

Hoa Kỳ là áp lực thứ ba. Một quan chức tại Washington thậm chí đặt câu hỏi « chuyến đi Bắc Kinh của Olaf Scholz có thực sự cần thiết hay không » khi biết rằng ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ 3 sẽ không khoan nhượng phương Tây trên bất kỳ điểm nào ? Vậy phải chăng tài liệu 80 trang về an ninh quốc gia vừa được công bố trước hết là nhằm dập tắt những chỉ trích nói trên, nhằm trấn an liên minh cầm quyền, hay nhằm xoa dịu căng thẳng giữa Berlin với các đối tác trong Liên Âu và nhất là giữa chính quyền Đức với điểm tựa quân sự là Hoa Kỳ ?

Dù vậy, khi mạnh mẽ xác nhận Bắc Kinh là một thách thức đối với an ninh quốc gia, chính phủ Đức đang khẳng định đặt ưu tiên trên vế an ninh so với những lợi ích về kinh tế. Ngoại trưởng Baerbock đã xác nhận điều này khi cho rằng, « lơ là với an ninh, Đức sẽ tốn cả thời gian lẫn sức lực » để khắc phục hậu quả. Riêng đối với Bắc Kinh, chính sách an ninh của Berlin sẽ là một trong những đề tài thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đề cập đến với đồng cấp Đức vào tuần tới.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.