Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Từ biểu tình đến bạo loạn, hình ảnh nước Pháp bị sứt mẻ nặng nề, ngành du lịch bị đe dọa

Những vụ bạo động ở nhiều nơi trên đất Pháp sau vụ một thiếu niên 17 tuổi vị cảnh sát bắn chết hôm 27/06/2023 đã làm xấu đi thêm hình ảnh của nước Pháp trên trường quốc tế, một uy tín gần đây từng bị sứt mẻ do những cuộc biểu tình, đình công chống cải tổ hưu trí.

Cảnh sát chống bạo động triển khai tại đại lộ Champs - Elysées, Paris, Pháp, tối ngày 01/07/2023.
Cảnh sát chống bạo động triển khai tại đại lộ Champs - Elysées, Paris, Pháp, tối ngày 01/07/2023. AP - Christophe Ena
Quảng cáo

Vì những vụ bạo động bùng lên trong nước, ngày 01/07/2023 vừa qua, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã phải hủy bỏ chuyến công du cấp Nhà nước tại Đức. Đây là một vố đau cho uy tín của nước Pháp vì lần đầu tiên từ năm 2000 đến nay một chuyến thăm cấp cao nhất như vậy được tổ chức và phải hoãn lại.

Đối với giới quan sát, những vụ bạo động đã làm xấu đi thêm hình ảnh của nước Pháp trên trường quốc tế. Uy tín của Pháp gần đây từng bị sứt mẻ do những cuộc biểu tình, đình công chống cải tổ hưu trí, đã buộc Paris phải hủy bỏ chuyến thăm Pháp của quốc vương Anh Charles III, vào cuối tháng 3, trong bối cảnh lãnh đạo Anh đã tỏ ý rất trân trọng nước Pháp khi chọn Paris là nơi thăm viếng đầu tiên trong tư cách người đứng đầu Vương Quốc Anh.

Theo nhận đinh của nhật báo Pháp Le Figaro, vì các rối loạn trong nước, rõ ràng là chính quyền của tổng thống Macron đã phải liên tiếp nuốt nhục về ngoại giao khi phải hủy bỏ những cuộc hẹn quan trọng.

Không chỉ thế, sau những vụ bạo động ở nhiều nơi trong những ngày qua, Paris đã phải liên tục nghe những cảnh báo của chính phủ nhiều nước, khuyến cáo người dân của họ tránh đến thăm Pháp khi tình hình chưa ổn định.

Bộ Ngoại Giao Mỹ chẳng hạn, đã ban hành cảnh báo an ninh, khuyến cáo công dân Hoa Kỳ tránh xa các điểm biểu tình có nguy cơ chuyển thành bạo lực ở Paris cũng như các thành phố khác. Tương tự, Luân Đôn cũng khuyên người Anh đang du lịch tại Pháp là nên tránh những khu vực dễ trở thành mục tiêu của những vụ bạo loạn.

Không những thế, một số nước còn lớn tiếng đòi Pháp phải bảo vệ kiều dân của họ. Algerie ngày 01/07 vừa qua, đã yêu cầu chính phủ Pháp “thực hiện đầy đủ nghĩa vụ bảo vệ” đối với người Algeria ở Pháp. Qua ngày 02/07, đến lượt tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Marseille đã gửi công hàm phản đối chính quyền Pháp sau vụ tấn công một chiếc xe buýt chở du khách Trung Quốc. Một số người được cho là đã bị thương nhẹ do cửa sổ bị vỡ.

Về phía chính quyền Iran, thái độ còn khiếm nhã hơn với lời kêu gọi Pháp “chấm dứt việc đối xử bạo lực” với dân mình và “thể hiện sự kiềm chế”.

Thậm chí phát ngôn viên văn phòng Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc còn yêu cầu Pháp “nghiêm túc giải quyết các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử trong lực lượng thực thi pháp luật”, một tuyên bố đã lập tức bị Paris phản đối.

Dẫu sao thì bạo động tại Pháp sẽ tác hại đến ngành du lịch, với lượng du khách quốc tế giảm sụt. Trả lời phỏng vấn của hãng tin Pháp AFP ngày 02/07, ông Jean-François Rial, giám đốc Cơ Quan Du Lịch khẳng định rằng các vụ bạo động vừa xẩy ra đã khiến hàng loạt du khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Mỹ, hủy bỏ các đơn đặt phòng trong các kỳ nghỉ tới đây.

Theo ông Rial, riêng tại Paris, vào đầu tháng 7, đã có khoảng 20-25% khách hàng quốc tế hủy phòng đặt trước, và trên toàn quốc sẽ là những tỷ lệ tương tự. Ông lo ngại tình hình sẽ xấu như hồi năm 2005 khi có đến 30% phòng đặt trước bị hủy.

Không chỉ thế, nhân vật này còn lo ngại là nếu tình hình không được cải thiện, hình ảnh nước Pháp sẽ xấu đi thêm và có thể tác hại đến Thế Vận Hội mùa hè 2024 tổ chức tại Paris. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.