Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Liên Âu tìm đến Nam Mỹ và Caribê để giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga về kim loại hiếm

Từ năm 2035, Liên Hiệp Châu Âu sẽ cấm ô tô chạy bằng xăng dầu và chỉ dùng xe điện. Để đạt được mục tiêu này, cũng như trung hòa khí phát thải, các thành viên Liên Âu cần nhập nhiều kim loại hiếm để sản xuất pin lithium, nhưng lại không muốn phụ thuộc vào Trung Quốc và Nga.

Từ trái: tổng thống Achentina Alberto Fernandez và Ralph Gonsalves thủ tướng Saint-Vincent và Grenadines cùng  chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu sau cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh EU-CELAC tại Bruxelles ngày 18/07/2023.
Từ trái: tổng thống Achentina Alberto Fernandez và Ralph Gonsalves thủ tướng Saint-Vincent và Grenadines cùng chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu sau cuộc họp báo kết thúc thượng đỉnh EU-CELAC tại Bruxelles ngày 18/07/2023. AP - Francois Walschaerts
Quảng cáo

Cộng đồng các nước Nam Mỹ và vùng Caribê (CELAC) trở thành một giải pháp giúp Liên Âu tăng cường tự chủ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế ít phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, trong khi đây lại là chuỗi cung ứng mà Trung Quốc thống lĩnh. 

Liên Hiệp Châu Âu là nhà đầu tư lớn nhất vào khu vực Nam Mỹ và Caribê nhưng Trung Quốc đã vượt Mỹ, trở thành đối tác thương mại hàng đầu của khu vực. Sau nhiều năm lơ là, Liên Hiệp Châu Âu muốn khởi động lại và thắt chặt quan hệ với khu vực để cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Cộng đồng CELAC giờ trở thành một mắt xích trong dự án Global Gateway của Liên Âu với khoản đầu tư 45 tỉ euro được chủ tịch Ủy Ban Châu Âu thông báo tại thượng đỉnh diễn ra trong hai ngày 17-18/07/2023 ở Bruxelles, Bỉ. 

Bà Ursula von der Leyen muốn kéo các đối tác Nam Mỹ và Caribê cùng tham gia cuộc chiến đối phó với ba thách thức : hậu quả từ đại dịch Covid-19, chiến tranh Ukraina và « sự xác quyết ngày càng lớn của Trung Quốc ở nước ngoài ». Các nhà lãnh đạo châu Âu hiểu ra rằng để nhận được tiếng nói ủng hộ của các nước đang phát triển, cần gây dựng được mối quan hệ bền chặt, tin tưởng lẫn nhau, điều mà Bruxelles lơ là trong những năm vừa qua. 

Trường hợp tiêu biểu chính là tuyên bố chung kết thúc thượng đỉnh về cuộc chiến của Nga tại Ukraina. Hai bên chỉ đạt đồng thuận bày tỏ « quan ngại sâu sắc » thay vì lên án Matxcơva gây chiến. Lỗi tại « sự hống hách của các nước châu Âu », như nhận định của thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Châu Âu chỉ biết đột ngột yêu cầu các nước Nam Mỹ và Caribê lên án Nga nhưng lại không hiểu hết những bận tâm của họ trong thời gian vừa qua. 

Một lộ trình hợp tác đã được vạch ra, dựa trên cơ sở « đôi bên cùng có lợi ». Ngoài khoản đầu tư trong khuôn khổ dự án Global Gateway, Liên Hiệp Châu Âu ký thỏa thuận với nhiều nước trong vùng, giầu nguyên liệu phục vụ cho quá trình chuyển đổi nền kinh tế. Nhiều thỏa thuận hợp tác được Bruxelles lần lượt kí với Achentina (vào cuối tháng 06) và Chilê (ngày 18/07) để đa dạng hóa hợp tác năng lượng sau khi cắt quan hệ với Nga và muốn giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Thỏa thuận với Achentina và Chilê - hai nước nằm trong « tam giác lithium » với Bolivia - còn được cho là làm đối trọng với đầu tư của Nga và Trung Quốc với chính quyền La Paz. 

Cuối tháng 06, công ty Trung Quốc Citic Guoan và tập đoàn Nga Uranium One Group thông báo đầu tư 1,4 tỉ đô la để mở hai mỏ khai thác lithium ở Bolivia cùng với doanh nghiệp Nhà nước Yacimientos de Litio Bolivianos (YLB). Bolivia được thẩm định có khoảng 21 triệu tấn lithium sẵn có ở sa mạc muối Uyuni và được coi là mỏ lithium lớn nhất thế giới, nhưng không được khai thác do địa hình và căng thẳng chính trị và thiếu kinh nghiệm. 

Theo báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Địa chất Mỹ (USGS) được trang L’Express trích dẫn, chỉ riêng ba nước Achentina, Chilê và Bolivia đã chiếm gần 53% trữ lượng lithium của thế giới, trong khi trữ lượng của Mỹ chiếm 12,2%, Úc 8%, Trung Quốc 6,9%. Không chỉ có trữ lượng lithium lớn nhất thế giới - tập trung trong các hồ nước mặn ở sa mạc Atacama, Chilê cũng là nhà sản xuất đồng lớn nhất thế giới. Do đó, thỏa thuận với các nước Nam Mỹ có tầm quan trọng chiến lược lớn, giúp Liên Hiệp Châu Âu dễ dàng tiếp cận các nguồn nguyên liệu hơn so với Nam Phi. 

Tình hình khá cấp bách đối với Liên Hiệp Châu Âu vì từ giờ đến năm 2030 sẽ có 54 dự án nhà máy sản xuất pin lithium đi vào hoạt động, trong đó có 15 dự án ở Đức, 5 ở Hungary, 4 ở Pháp và 4 ở Na Uy, theo thống kê của T & E. Nhu cầu khẩn cấp này buộc Bruxelles phải định hình kiểu hợp tác mới với các đối tác. Thay vì đơn thuần nhập nguyên liệu thô, Liên Hiệp Châu Âu chấp nhận hỗ trợ các nước đối tác tham gia vào quá trình chuyển đổi, giúp tạo việc làm tay nghề cao ở địa phương và nâng giá trị thặng dư. Tuy nhiên, giới bảo vệ môi trường lo ngại, để thỏa mãn yêu cầu của các nước Nam Mỹ, Liên Hiệp Châu Âu có thể giảm bớt hoặc « đành làm ngơ » trước những hoạt động phá hoại môi trường. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.