Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Với Hun Manet làm thủ tướng, liệu Cam Bốt sẽ xoay trục sang phương Tây?

Sự kiện con trai ông Hun Sen là Hun Manet chính thức lên thay cha làm thủ tướng Cam Bốt kể từ hôm nay 22/08/2023, đã đặc biệt thu hút sự chú ý của giới quan sát với một câu hỏi chủ chốt: Với một lãnh đạo được đào tạo ở Mỹ và Anh, liệu quốc gia Đông Nam Á hiện ngày càng bị cuốn sâu vào quỹ đạo của Trung Quốc, có sẽ xoay trục về phía phương Tây hay không?

Tân thủ tướng Hun Manet đến Quốc Hội ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 21/08/2023.
Tân thủ tướng Hun Manet đến Quốc Hội ở Phnom Penh, Cam Bốt, ngày 21/08/2023. AP - Heng Sinith
Quảng cáo

Sở dĩ câu hỏi nói trên được đặt ra, đó là vì tân thủ tướng Cam Bốt, năm nay 45 tuổi là một người, hầu như đã được đào tạo tại Phương Tây trước khi về nước hoạt động.

Vào năm 1994, sau khi tốt nghiệp phổ thông tại Phnom Penh, Hun Manet đã qua Mỹ theo học tại học viện quân sự West Point và đến năm 1999 trở thành người Cam Bốt đầu tiên tốt nghiệp trường danh tiếng này của Hoa Kỳ. Sau đó, ông tiếp tục theo học ngành kinh tế tại Đại Học New York, tốt nghiệp thạc sĩ, trước khi sang Anh học tiếp và lấy luận án tiến sĩ về kinh tế ở Đại Học Bristol năm 2008.

Được đào tạo lâu năm ở phương Tây, Hun Manet như vậy chắc hẳn đã hiểu rõ các giá trị tự do và dân chủ. Theo hãng tin Anh Reuters, vào năm 2003, Hun Manet nói với những người viết tiểu sử của cha ông rằng ông đánh giá cao các khía cạnh của văn hóa Mỹ - cách mọi người có “sự tự do và cơ hội để làm bất cứ điều gì họ muốn… sự khoan dung đối với sự đa dạng” “nhìn sự việc từ những góc độ khác nhau và những quan điểm”.

Đối với một số người, Hun Manet đại diện cho một gương mặt trẻ trung, tươi tắn, người sẽ phát triển Cam Bốt hơn nữa. Cựu chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Anthony Galliano, một người đã từng đón tiếp Hun Manet với tư cách là khách mời danh dự của tổ chức này ghi nhận như sau: “Ông ấy quan tâm đến việc làm cách nào để có thể thu hút nhiều đầu tư hơn vào Cam Bốt, làm cách nào để cải thiện thương hiệu, hình ảnh của đất nước đối với giới đầu tư quốc tế.”

Tuy nhiên, rất nhiều nhà quan sát không mấy hy vọng về khả năng Cam Bốt xoay trục qua phương Tây với ông Hun Manet.

Hun Manet - nhà cải cách tiềm tàng ?

Lee Morgenbesser, giáo sư Đại Học Griffith, tác giả một biên khảo về các cuộc bầu cử độc tài ở Đông Nam Á, cho rằng việc được đào tạo tại phương Tây không có nghĩa là sẽ cai trị một cách tự do hơn.

Nhà nghiên cứu này ghi nhận: “Mỗi khi con trai của một nhà độc tài lên kế vị cha, ai cũng cho rằng anh ta là một nhà cải cách tiềm tàng, một nhân vật ôn hòa tiềm tàng, một người tiến bộ tiềm tàng, vì được giáo dục ở phương Tây”, (nhưng) tôi chưa bao giờ thấy điều đó được xác nhận.”

Theo Kasit Piromya, cựu ngoại trưởng Thái Lan, thành viên hội đồng Nghị Viện Nhân Quyền ASEAN, dù đã được tiếp xúc với nền dân chủ, nhân quyền, v.v. nhưng Hun Manet đã lớn lên dưới một chế độ rất chuyên chế, với gia đình kiểm soát đất nước. Trong bối cảnh đó, khó có khả năng Hun Manet “tự hủy hoại mình”.

Một vấn đề khác là quan hệ giữa Phnom Penh với Washington và Bắc Kinh, trọng tâm đối với cựu thủ tướng Hun Sen. Câu hỏi đặt ra là chuyện gì sẽ xảy ra với Hun Manet.

Theo bà Sophie Boisseau du Rocher, chuyên gia về Đông Nam Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp IFRI, “Nhờ từng học tại West Point, Hun Manet có thể dễ dàng tiếp cận các bộ tham mưu Mỹ. Rõ ràng là Mỹ cũng sẽ kích hoạt kênh liên lạc này. Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng kinh tế, xã hội và an ninh của Cam Bốt ngày càng gắn chặt với Trung Quốc. Rõ ràng là Trung Quốc sẽ duy trì mối quan hệ này”.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.