Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

"Sân sau" của Pháp tại châu Phi mất dần cùng với làn sóng đảo chính quân sự

Các cuộc đảo chính quân sự tại Tây Phi và Trung Phi diễn ra liên tiếp trong bối cảnh tâm lý chống Pháp ngày càng lan rộng khắp Lục địa Đen. Sự kiện mới nhất diễn ra tại Gabon là thêm một đòn nặng nề giáng vào ảnh hưởng của nước Pháp tại khu vực "sân sau" của mình.

Người dân giương quốc kỳ Gabon ở Libreville mừng đảo chính,  ngày 30/08/2023.
Người dân giương quốc kỳ Gabon ở Libreville mừng đảo chính, ngày 30/08/2023. © AFP
Quảng cáo

Từ năm 2020 trở lại đây, một loạt chính phủ dân sự ở các nước thuộc địa cũ, trong một thời gian dài vẫn được coi là sân sau của Pháp ở Châu Phi, bị đảo chính quân sự lật đổ, từ Burkina Faso, Guinée, Mali, Niger và mới đây nhất là Gabon. Trong một cuộc họp với các đại sứ hôm thứ Hai (28/08) tuần này, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói đến một « nạn dịch đảo chính » ở Châu Phi.

Sau khủng hoảng ở Niger, một trong những đồng minh của Paris tại khu vực Sahel, một biểu tượng khác của quan hệ Pháp - Phi là Gabon cũng xảy ra đảo chính quân sự, lật đổ chế độ gia đình trị Bongo cầm quyền ở đất nước này từ hơn 50 năm qua.

Tuy bản chất của sự kiện ở Gabon không giống với Niger, nhưng cả hai đều có điểm chung là hậu quả đối với sự hiện diện của Pháp tại Châu Phi. Tổng thống Pháp hồi tháng 3 năm nay đã tới thăm Gabon và ca ngợi đất nước này là « người bạn của nước Pháp ». Đây cũng là nơi Pháp có căn cứ quân sự với hơn 300 quân trú đóng thường trực và khoảng 80 doanh nghiệp lớn nhỏ đang hoạt động.  

Paris đã nhanh chóng lên án « cuộc đảo chính » tại Gabon và nhắc lại lập trường tôn trọng « bầu cử tự do và minh bạch ». Một phản ứng được giới quan sát đánh giá là khá hời hợt, phần nào thể hiện sự bất lực. Trong khi đó không khí hừng hực của người dân ủng hộ đảo chính được ghi nhận tại thủ đô Libreville và nhiều thành phố khác của Gabon. Bernard Christian Rekoula, một nhà hoạt động xã hội Gabon tị nạn tại Pháp khẳng định với AFP: « Cuộc đảo chính được đại đa số người dân Gabon mong đợi. Với họ, không có dòng họ Bongo đứng đầu đất nước đã là chiến thắng rồi ». Tuy nhiên, Pháp đã không lường trước được mong muốn thay đổi đó của người dân và đã không có phản ứng nào trước một cuộc tuyển cử đáng ngờ ở Gabon.

Những năm gần đây, chính quyền của tổng thống Pháp thực thi chính sách Châu Phi tùy theo từng nước thuộc địa cũ của mình, nhưng nhìn chung giới quan sát đánh giá đó là một chính sách xa rời thực tế, quá tự tin vào quan hệ với các thuộc địa cũ của mình. Trong khi đó Paris đã không ý thức được hậu quả của sự xuất hiện những mô hình hợp tác mới với các nước Châu Phi được các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Ả Rập Xê Út, và tất nhiên không thể thiếu Nga, thực thi. Các nước này đều đặt quan hệ kinh tế lên trên các vấn đề nhân quyền hay dân chủ.

Nhiều nhà quan sát nhận thấy, sự kiện ở Gabon diễn ra tiếp sau làn sóng đảo chính ở Châu Phi từ năm 2020 đang tác động tiêu cực đến chiến lược của Pháp trong vùng Sahel từ một thập kỷ qua. Về quân sự cũng như chính trị, nước Pháp giờ đối mặt với làn sóng bài Pháp đang lan rộng khắp vùng, dù Paris đã thành công ít nhiều trong cuộc chiến chống khủng bố thánh chiến Hồi Giáo, theo như nhận xét của chuyên gia Jean-Hervé Jézequel, thuộc International Crisis Groupe (ICG).

Paris những ngày qua dường như cố tỏ ra bình thản, coi cuộc đảo chính mới ở Gabon cũng giống như các cuộc đảo chính khác đã diễn ra ở Châu Phi. Tuy nhiên, Paris không thể không nhận thấy cuộc khủng hoảng chính trị tại Gabon là một đòn mới đánh vào ảnh hưởng của Pháp, sau khi quân đội Pháp đã phải lần lượt rời khỏi Cộng Hòa Trung Phi, Mali và Burkina Faso. Nghiêm trọng hơn đó là Nga đã gia tăng nhanh chóng ảnh hưởng tại những nơi đó bằng cách khai thác tâm lý chống Pháp, tạo cho các nước Châu Phi hình ảnh về một tương lai độc lập thực sự về chính trị và phát triển kinh tế.

Những cuộc khủng hoảng chính trị đang diễn ra ở Châu Phi bắt nguồn từ tình trạng nghèo nàn, kém phát triển, nội bộ chính trị bất ổn, nhưng cũng phản ánh nỗi thất vọng của người dân trước chính sách Châu Phi của Paris một thời gian dài theo mô hình « Françafrique », một thuật ngữ được sử dụng với hàm ý mô tả mối quan hệ chặt chẽ, nhưng ở thế bề trên của Pháp đối với các vùng thuộc địa cũ ở Châu Phi. Hiệu ứng vết dầu loang của đảo chính càng lan rộng thì ảnh hưởng và lợi ích của Pháp ở Châu Phi càng bị thu hẹp. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.