Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Hội nghị ba bên Nhật–Trung–Hàn nhằm xoa dịu căng thẳng an ninh, thương mại

Hôm nay, 26/09/2023, Hàn Quốc tổ chức cuộc họp ba bên với Nhật Bản và Trung Quốc ở cấp thứ trưởng ngoại giao. Kết thúc phiên họp, các bên thống nhất sẽ sớm tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh ba bên vào trước cuối năm nay. Nếu như thương mại là chủ đề không thể bỏ qua, mối hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Mỹ với hai nước đồng minh châu Á khiến Bắc Kinh lo lắng.  

Ba phái đoàn Hàn Quốc (G), Trung Quốc (P) và Nhật Bản (T), họp cấp cao tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/09/2023.
Ba phái đoàn Hàn Quốc (G), Trung Quốc (P) và Nhật Bản (T), họp cấp cao tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 26/09/2023. AP - Bae Jae-man
Quảng cáo

Sau cuộc họp ngoại giao hiếm có giữa ba nước, Bắc Kinh tuyên bố « hợp tác giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nằm trong lợi ích chung của ba bên ». Cả Seoul, Tokyo và Bắc Kinh đồng tình sớm tổ chức một cuộc họp cấp ngoại trưởng trong những tháng tới và « cố gắng tổ chức lại thượng đỉnh ba bên càng sớm càng tốt ». Lần họp cấp cao nhất sau cùng là ở Thành Đô, phía Tây Trung Quốc năm 2019.  

Cuộc họp năm nay diễn ra trong một bối cảnh quan hệ Nhật – Hàn đã có những cải thiện rõ nét kể từ khi ông Yoon Suk Yeol trở thành tổng thống Hàn Quốc. Hai nước Hàn-Nhật đã chấp nhận bỏ qua những tranh chấp về pháp lý, ngoại giao, thương mại liên quan đến những vấn đề có từ thời quân đội Nhật hoàng chiếm đóng bán đảo Triều Tiên (1910-1945). Một trong những lý do chính khiến thượng đỉnh ba bên, bắt đầu từ năm 2008 đã bị đình lại từ năm 2019.  

Một số nhà quan sát ở Hàn Quốc được tờ Nikkei Asia dẫn lại đánh giá, Trung Quốc có sự thay đổi lập trường vào lúc « Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản nâng mức hợp tác ba bên lên mức cao nhất từ trước đến nay và khi Bắc Triều Tiên và Nga nhanh chóng đạt được một thỏa thuận vũ khí ».  

Sự tăng cường hợp tác chặt chẽ này của Mỹ - Nhật – Hàn đương nhiên đã khiến Trung Quốc khó chịu và lo lắng. Nhưng trước những hành động khiêu khích ngày càng nhiều của Bình Nhưỡng, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, thuộc phe bảo thủ, đã chọn một đường lối cứng rắn khi siết chặt hơn nữa hợp tác quân sự với Mỹ.   

Theo quan điểm của ông Tong Zhao, chuyên trách về nghiên cứu Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, Nhật Bản và Hàn Quốc đều có lợi khi tránh được các xung đột và duy trì những mối quan hệ ổn định với Trung Quốc trên phương diện an ninh, cũng như là có được sự trợ giúp từ Bắc Kinh để làm chậm lại hay ngưng chương trình phát triển hạt nhân của Bắc Triều Tiên.   

Mặt khác, Bắc Kinh tỏ ra tích cực xúc tiến hợp tác ba bên là vì Trung Quốc cũng bắt đầu nhận thấy phản ứng « quá quắt » của mình như trong vụ Hàn Quốc cho lắp đặt hệ thống phòng không THAAD hồi năm 2017 gây « phản tác dụng », và nuôi dưỡng một cảm giác bài Trung Quốc lên đến « một mức rất cao » theo như lời một quan chức cao cấp xin ẩn danh với hãng tin Anh Reuters.   

Theo các thăm dò gần đây cho báo JooAng Ilbo (Hàn Quốc) công bố hôm thứ Hai (25/9), 81,8% số người Hàn Quốc được hỏi ủng hộ tăng cường quan hệ liên minh Mỹ - Hàn. Đa số cho rằng liên minh với Mỹ sẽ giúp đất nước phát triển cả về kinh tế và dân chủ. Và nhất là có đến 60% ủng hộ hạn chế Trung Quốc tiếp cận các công nghệ quan trọng.  

Dù vậy, giới phân tích cũng nhìn nhận những thay đổi bối cảnh kinh tế đã thúc đẩy ba bên phải ngồi lại đàm phán với nhau. Trả lời phỏng vấn báo Time, đại sứ Hàn Quốc Yun Dukmin tại Nhật Bản khẳng định, bất chấp những áp lực từ phía Mỹ trong việc hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip bán dẫn, nhưng Hàn Quốc « luôn bị phụ thuộc nhiều » vào Trung Quốc.   

Ông thừa nhận thị phần của các nhà sản xuất điện thoại thông minh, xe ô tô và khai thác siêu thị của Hàn Quốc đã bị giảm dần tại Trung Quốc mỗi khi các nền công nghiệp trong nước có những tiến bộ. Nhưng trong tổng thể, Hàn Quốc chưa thể « từ bỏ hoàn toàn » thị trường Trung Quốc.  

Tóm lại, không riêng gì Việt Nam, hai nước Hàn Quốc và Nhật Bản cũng phải học « đu dây », một môn nghệ thuật phổ biến trong nền ngoại giao thế kỷ XXI !   

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.