Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Đến Trung Quốc, tổng thống Putin tìm cách phá thế cô lập của Nga

Trung Quốc trải thảm đỏ đón hơn 130 lãnh đạo, đại diện các nước đến dự lễ kỷ niệm 10 năm Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (Belt and Road Initiative, BRI) trong hai ngày 17-18/10/2023, với tổng thống Vladimir Putin là thượng khách. Đây là cơ hội để nguyên thủ quốc gia Nga khẳng định ông « không đơn độc » bên cạnh « bạn hữu » Tập Cận Bình và một « cực mới » đối lập với phương Tây đang được hình thành.

Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/10/2023.
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 17/10/2023. AP - Sergey Savostyanov
Quảng cáo

Cuộc chiến do Nga phát động ở Ukraina đã đẩy Matxcơva xích lại gần hơn Bắc Kinh. Dự án Những con đường tơ lụa mới bỗng trở nên quan trọng đối với Nga vào lúc nước này bị phương Tây cấm vận trên mọi lĩnh vực. Trả lời phỏng vấn tập đoàn truyền thông China Media Group (CMG) hôm 15/10, ông Putin ca ngợi sáng kiến được chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng năm 2013 là « rất xác đáng và quan trọng » trong bối cảnh « một thế giới đa cực đang dần hình thành ».

Vẫn theo nguyên thủ quốc gia Nga, đó là một dự án phản ánh « mong muốn hợp tác » của Trung Quốc, quốc gia « không bao giờ áp đặt điều gì với bất kỳ ai » và đó chính là « điểm đặc biệt giữa Sáng Kiến Vành Đài và Con đường với những dự án khác được một số nước triển khai mang âm hưởng của chế độ thuộc địa ».

Ngoài những lời ca ngợi trên, sự hiện diện của ông Putin tại lễ kỷ niệm còn nhằm khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ của Nga đối với dự án đầy tham vọng của Bắc Kinh, đồng thời cụ thể hóa những lời hứa « phát triển đôi bên cùng có lợi » được đưa ra khi ông Tập Cận Bình thăm Matxcơva vào tháng 03/2023. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về hợp tác kinh tế, tài chính trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng cho hàng hóa Nga.

Nga và mối quan hệ phụ thuộc vào Trung Quốc ?

Dù cả hai nước chủ trương dựa vào nhau, cùng với các nước đang trỗi dậy hình thành một lực lượng mới làm đối trọng với phương Tây, nhưng trên thực tế, theo một số chuyên gia, trong quan hệ với Bắc Kinh, Matxcơva dường như ở thế yếu. Thậm chí, theo Björn Alexander Düben, phó giáo sư Đại học Cát Lâm (Jilin University), được AFP trích dẫn ngày 14/10, « ưu thế của Trung Quốc trong mối quan hệ (với Nga) đã tăng đáng kể », đến mức có thể « dần biến thành mối quan hệ phụ thuộc trực tiếp ».

Đối với Nga, « Trung Quốc là chiếc phao cứu sinh, nhất là về kinh tế, vào lúc Nga bị trừng phạt nặng nề vì tấn công Ukraina ». Ông Alexander Gabuev, giám đốc Trung tâm Á-Âu Carnegie của Nga, được AP trích dẫn, lưu ý Trung Quốc « là thị trường chính cho hàng hóa của Nga, là một nhà cung cấp hệ thống thanh toán bằng tiền của Nga, giúp Nga trao đổi hàng hóa với thế giới bên ngoài và là nguồn nhập khẩu công nghệ cao dồi dào », kể cả công nghệ lưỡng dụng.

Tuy nhiên, Nga sẽ phải đối mặt với các đối tác Trung Quốc « rất cứng rắn trong kinh doanh », ví dụ trong dự án đường ống dẫn khí đốt khổng lổ Sức mạnh Siberi 2 (Power of Siberia 2), nhà phân tích độc lập Konstantin Kalachef cho rằng « có lẽ sẽ không có tiến triển » trong chuyến công du của ông Putin. Nga muốn thúc đẩy tiến độ nhưng Bắc Kinh lại tránh cam kết vào thời điểm này.

Đổi lại với tình hữu nghị « không giới hạn », tổng thống Nga đành ngậm ngùi chấp nhận một thực tế là Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng ở các nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, vẫn được coi là sân sau của Nga. Điển hình là Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường đã được ông Tập Cận Bình công bố tại Kazakhstan năm 2013. Theo sách trắng của Phòng Thông tin Quốc vụ viện, được trang china.org.cn trích dẫn, tính đến tháng 06/2023, Trung Quốc đã ký hơn 200 thỏa thuận với hơn 150 nước và 30 tổ chức quốc tế. Từ năm 2013-2022, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu giữa Trung Quốc với các nước đối tác trong dự án đã đạt 19.100 tỉ đô la.

Nga - Trung không lập liên minh quân sự

Riêng về hợp tác quốc phòng, giới chuyên gia có chung một nhận định: Ít có khả năng Trung Quốc và Nga hình thành liên minh quân sự dù hai nước sẽ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực, từ Bắc Cực đến phát triển hệ thống chống tên lửa. Chuyên gia Alexander Gabuev cho rằng « không một nước nào thực sự cần nước kia bảo đảm an ninh », cả hai bên chủ trương « tự chủ chiến lược ».

Cuối cùng, Matxcơva sẽ không lo bị cô lập vì Bắc Kinh sẵn sàng tăng cường ủng hộ Nga trong mọi trường hợp. Thực vậy, nhà nghiên cứu Alicja Bachulska, Hội đồng Quan hệ Quốc tế châu Âu (European Council on Foreign Relations), nhấn mạnh « Trung Quốc không muốn một nước Nga suy yếu » bởi vì « sự sụp đổ của chế độ Putin và những hỗn loạn kèm theo được xem là một mối đe dọa nghiêm trọng cho an ninh của Trung Quốc ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.