Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Trung Quốc chọn thời điểm thuận lợi nối lại đối thoại với Hoa Kỳ

Ngoại trưởng Trung Quốc công du Hoa Kỳ trong ba ngày từ 26 đến 28/10/2023. Theo dự kiến ôngVương Nghị sẽ có những buổi làm việc với ngoại trưởng Antony Blinken cũng như với cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng Jack Sullivan và có thể sẽ được tổng thống Joe Biden tiếp. Tại Bắc Kinh, hôm 25/10 chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Hoa Kỳ để cùng giải quyết những bất đồng, cùng đối phó với những thách thức chung của thế giới.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, tại Malta, ngày 16/09/2023.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị (P) gặp cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan, tại Malta, ngày 16/09/2023. AP - Lian Yi
Quảng cáo

Từ đầu năm đến nay, nhiều quan chức cao cấp nhất của Hoa Kỳ đã đến Bắc Kinh, từ ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hồi tháng 6/2023, đến bộ trưởng Tài Chính Janet Yellen, bộ trưởng Thương Mại Gina Raimondo … Gần đây hơn, khi thượng nghị sĩ Dân Chủ Chuck Schumer dẫn đầu một phái đoàn đến Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc đã gửi đi thông điệp rõ ràng : cuộc đối đầu giữa Washington với Bắc Kinh « không nhất thiết phải xảy ra ». Tiếp thống đốc bang California Gavin Newsom tuần trước, ông Tập Cận Bình đã đề cao hợp tác với bang này như một nhịp cầu « đóng góp cho sự ổn định» giữa hai nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.  

Sau rất nhiều hoạt động ngoại giao bên phía Mỹ, lần này ngoại trưởng Trung Quốc mới trở lại Hoa Kỳ. Giới quan sát đồng loạt cho rằng, về mặt chính thức, ông Vương Nghị đi Mỹ là để chuẩn bị cho việc lãnh đạo hai nước gặp nhau nhân thượng đỉnh Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco vào tháng 11/2023. Song trước mắt, Bắc Kinh chưa chính thức xác nhận ông Tập Cận Bình có tham dự Diễn Đàn APEC hay không, cho dù đây là điều mà lãnh đạo Nhà Trắng luôn « mong mỏi ».

Ai cũng biết là quan hệ Mỹ Trung đã rơi xuống mức tệ hại nhất từ ba hay bốn chục năm nay. Xung khắc trải rộng trên nhiều mặt từ « chiến tranh thương mại », chính thức khai mào dưới thời tổng thống Donald Trump, cho đến « cuộc chiến công nghệ », từ tình hình ở eo biển Đài Loan cho đến những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Gần đây nhất là vụ tàu hải cảnh Trung Quốc « đâm » vào tàu tiếp liệu của Philippines ở bãi Cỏ Mây, Washington đã khẳng định sẽ ủng hộ Manila « bảo vệ » chủ quyền lãnh hải. Bên cạnh đó, những tuyên bố vụng về của tổng thống Biden, thí dụ như khi ông xếp chủ tịch Trung Quốc vào danh sách « những nhà độc tài trên thế giới », không giúp cải thiện bang giao song phương.

Dù vậy ngoại trưởng Trung Quốc vẫn đến Mỹ hơn một năm trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ.

Ông Joe Biden đã chính thức tuyên bố ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ với rất nhiều thách thức trước mặt : Nhà Trắng đang tập trung vào xung đột Israel-Hamas, đang chạy nước rút để thuyết phục Quốc Hội nhanh chóng thông qua gói viện trợ khẩn cấp 100 tỷ đô la cho Israel và Ukraina. Ông Vương Nghị cũng đến Washington vào lúc mà phương Tây mệt mỏi sau hơn 600 ngày Ukraina bị Nga xâm chiếm, vào lúc Liên Hiệp Châu Âu bắt đầu để lộ những rạn nứt về cam kết « kề vai sát cánh » giúp Ukraina bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vào lúc tình bạn giữa Matxcơva - Bắc Kinh đang thắm thiết hơn bao giờ hết và và Nga – Bắc Triều Tiên mở rộng hợp tác, kể cả trong lĩnh vực quân sự.

Ngay từ những ngày đầu xung đột giữa Israel và phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas, Hoa Kỳ đã kêu gọi Trung Quốc kềm chế Iran, điểm tựa của Hamas và cả những phong trào vũ trang trong khu vực, tránh để chiến tranh ở Cận Đông lan rộng.

Về vấn đề Ukraina, từ tháng 2/2022, Mỹ và phương Tây muốn Bắc Kinh lên án Nga xâm chiếm một quốc gia có chủ quyền, muốn chủ tịch Tập Cận Bình khai thác quan hệ cá nhân với tổng thống Vladimir Putin để vãn hồi hòa bình cho Ukraina. Washington cũng đã nhiều lần cảnh cáo Bắc Kinh chớ vượt « lằn ranh đỏ » tiếp sức cho quân đội Nga trong cuộc xung đột này.

Hơn một năm trước bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, không một ứng cử viên nào muốn phải quyết định đưa quân đến bất kỳ nơi nào trên thế giới để gìn giữ hòa bình, hay bảo vệ các giá trị dân chủ.

Vậy liệu đây có thể là cơ hội tốt để Bắc Kinh « mặc cả » với Washington về một số hồ sơ gai góc ? Trong danh sách này vẫn có vấn đề Mỹ cũng cấp vũ khí cho Đài Loan và những « lằn ranh đỏ » mà Bắc Kinh không cho phép vượt qua, vẫn có những biện pháp trừng phạt của Mỹ đánh vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc và nhất là những đòn liên tiếp nhằm ngăn chận các doanh nghiệp Trung Quốc tiếp cận với trang thiết bị điện tử hiện đại nhất do các tập đoàn Mỹ, Đài Loan hay châu Âu đang nắm giữ.

Có một điều chắc chắn là, cho đến rất gần đây chính quyền Biden vẫn xem Trung Quốc là « mối đe dọa nghiêm trọng nhất » đối với an ninh của Hoa Kỳ. Thời sự trong những tuần qua cho thấy có thể là lò lửa ở Cận Đông là cơ hội đối với Bắc Kinh về nhiều mặt. Chuyên gia Jonathan Fulton, thuộc trung tâm nghiên cứu Atlantic Council của Mỹ, giải thích : Đối với  Bắc Kinh, đây vừa là cơ hội để chứng tỏ thiện chí muốn chung sức với Hoa Kỳ giữ gìn ổn định cho thế giới, vừa là dịp để chứng tỏ với thế giới Hồi giáo rằng những cáo buộc Bắc Kinh ngược đãi cộng đồng Duy Ngô Nghĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương là « không có cơ sở ».

Còn theo quan điểm của chuyên gia Collin Koh, đại học Singapore, Mỹ càng bận tâm về vấn đề Trung Đông hay Ukraina thì Trung Quốc lại càng mừng, vì họ biết rằng Hoa Kỳ không thể nào can thiệp cùng một lúc trên quá nhiều mặt trận.

Cũng có thể Bắc Kinh đang hy vọng Mỹ sẽ giảm bớt áp lực ở vùng châu Á-Thái Bình Dương.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.