Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chiến lược đối ngoại để trị quốc của Tập Cận Bình trong chuyến công du Mỹ

Ngay sau khi chủ tịch Tập Cận Bình về Trung Quốc tối 18/11/2023, trang Global Times, cơ quan ngôn luận tiếng Anh của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã khẳng định « chuyến công du của ông Tập thúc đẩy ổn định cho mối quan hệ Trung-Mỹ và mang lại tích cực cho bối cảnh quốc tế ». Còn theo Reuters, chủ tịch Trung Quốc đã đạt được nhiều thắng lợi về đối nội và đối ngoại trong chuyến công du San Francisco dự thượng đỉnh APEC. 

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) gặp tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Filoli Estate, Woodside, California, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2023.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) gặp tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Filoli Estate, Woodside, California, Hoa Kỳ, ngày 15/11/2023. AP - Doug Mills
Quảng cáo

Về mặt chính thức, ông Tập Cận Bình và tổng thống Mỹ đã đạt được thỏa thuận về ba vấn đề lớn : hợp tác chống ma túy, khôi phục liên lạc quân sự và trí thông minh nhân tạo. Cuộc họp thượng đỉnh kéo dài bốn tiếng còn nhằm trấn an thế giới rằng hai cường quốc tỏ thiện chí giảm căng thẳng quan hệ song phương. 

Giảm căng thẳng với Mỹ để tập trung vào tăng trưởng kinh tế trong nước 

Ngoài ra, hãng tin Anh cho rằng chủ tịch Trung Quốc cũng đạt được những mục tiêu riêng để phục vụ chính sách đối nội của ông. Ông Tập nhận được một số nhượng bộ về chính trị từ phía Mỹ đổi lấy những lời hứa hợp tác, giảm căng thẳng trong quan hệ song phương. Nhà nghiên cứu của viện nghiên cứu Pacific Forum ở Hawai nhận định : « Nếu Mỹ và Trung Quốc giải quyết được những bất đồng, có nghĩa là ông Tập Cận Bình sẽ không cần chú ý vào vấn đề (quan hệ song phương) này. Ông chỉ cần tập trung vào những vấn đề cần phải làm trong nước, hiện rất cấp bách »

Thực vậy, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại. Đầu tư nước ngoài của Trung Quốc giảm tháng thứ 5 liên tiếp, theo số liệu thống kê tháng 10/2023 được bộ Thương Mại Trung Quốc đăng trên trang web. Doanh nghiệp nước ngoài chịu nhiều quy định nghiêm ngặt, đặc biệt liên quan đến việc thu thập và xuất dữ liệu « quan trọng », một thuật ngữ « khó hiểu »« mông lung » đối với giới đầu tư nước ngoài. 

Việc bắt giữ hoặc cấm nhập cảnh đối với một số nhà nghiên cứu hoặc quan chức doanh nghiệp nước ngoài cũng khiến các nhà đầu tư lo ngại. Chính thái độ cứng rắn đó khiến giới đầu tư nước ngoài do dự : Liệu có nên đầu tư vào Trung Quốc hay không. Và đây trở thành vấn đề thực sự đối với Trung Quốc. Ngoài ra, những đấu đá trên thượng tầng lãnh đạo, ví dụ hai bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng « bỗng dưng mất tích », cũng gây cảm giác bất ổn về chính trị nội bộ. 

Làn sóng chuyển dịch sản xuất sang các nước láng giềng để tránh các biện pháp hạn chế phòng dịch Covid-19 của Trung Quốc, cũng như để tránh những trừng phạt của Mỹ nhắm vào hàng hóa Trung Quốc đã tác động mạnh đến sản xuất ở trong nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, các nhà quan sát nhận thấy Bắc Kinh thể hiện lập trường mềm mỏng hơn về dữ liệu. 

Trung Quốc muốn làm « bạn » với các doanh nghiệp Mỹ 

« Cộng đồng doanh nghiệp khắp thế giới » từ giờ được ông Tập coi là « những người bạn ». Trong cuộc họp với các doanh nghiệp ở APEC, ông mời « những bằng hữu » này đến đầu tư ở Trung Quốc và hứa xem xét danh sách những vấn đề khiến các nhà đầu tư nước ngoài bất bình, từ sở hữu trí tuệ đến bảo mật dữ liệu nhằm khẳng định Trung Quốc sẵn sàng là « một đối tác, một người bạn » với Mỹ. 

Hình ảnh dàn dựng ông Tập Cận Bình đi dạo trong vườn cùng với tổng thống Mỹ còn nhằm cho công luận trong nước thấy là chủ tịch xử lý mối quan hệ kinh tế và chính trị với cường quốc hàng đầu. Theo nhà nghiên cứu Drew Thompson, cựu quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ, hiện giảng dạy tại Đại học Quốc Gia Singapore, ông Tập « có thể tính toán rằng thổi phồng mối đe dọa Mỹ có lẽ sẽ gây hại nhiều hơn là có lợi cho Trung Quốc, cho vị trí của ông ở trong Đảng và cho chính đảng Cộng Sản »

Dù tỏ thiện chí giảm căng thẳng với Washington, chủ tịch Tập Cận Bình cũng lưu ý với đồng nhiệm Mỹ về một số lập trường của Trung Quốc và lằn ranh đỏ không được vượt qua, ví dụ vấn đề Đài Loan độc lập. Hoa Kỳ cần coi mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga, được thắt chặt trong thời gian gần đây, là điều hiển nhiên, nằm trong « quá trình thúc đẩy những chuyển đổi toàn cầu chưa từng thấy trong một thế kỷ »

Theo một số nhà phân tích, lập trường này cho thấy Trung Quốc và Nga có tham vọng điều chỉnh trật tự thế giới, vốn do Mỹ đứng đầu từ nhiều năm qua. Trang Global Times thì đẩy trách nhiệm cho Mỹ khi cho rằng « giờ chờ xem Mỹ có thể làm gì và những bất trắc ở Washington có thể tác động đến tương lai như thế nào »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.