Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Đến thăm Việt Nam, Tập Cận Bình tìm cách chống lại ảnh hưởng của Mỹ

Ngày 12/12/2023, chủ tịch, tổng bí thư Tập Cận Bình bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước Việt Nam lần đầu tiên trong sáu năm. Theo nhiều nhà quan sát, lãnh đạo Trung Quốc tìm cách đảm bảo rằng đối tác châu Á quan trọng về mặt chiến lược này không tiến quá gần đến Mỹ. 

China's President Xi Jinping, center left, and Vietnam's Communist Party General Secretary Nguyen Phu Trong, center right, attend a welcome ceremony at the Presidential Palace in Hanoi, Vietnam, Tuesd
Tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đón lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình theo nghi lễ cao nhất tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, Việt Nam, ngày 12/12/2023. AP - Nhac Nguyen
Quảng cáo

Chuyến công du Hà Nội lần này diễn ra trong một bối cảnh đặc biệt : Việt Nam vừa nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật Bản lên mức « đối tác chiến lược toàn diện », cấp cao nhất trong bậc thang quan hệ ngoại giao ở Việt Nam. Nhân những sự kiện này, Việt Nam đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với Mỹ và Nhật trong nhiều lĩnh vực từ chất bán dẫn đến an ninh quốc phòng.   

Theo đánh giá từ Lye Liang Fook, nhà nghiên cứu Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS – Yusoft Ishak, Singapore, được tạp chí Time của Anh trích dẫn, « Trung Quốc muốn gây áp lực để Việt Nam không đi quá xa với các nước khác ».  

Một mặt, Bắc Kinh sẽ giương « củ cà rốt kinh tế » khi đề xuất sẵn sàng cung cấp « viện trợ không hoàn lại » cho các dự án nâng cấp tuyến đường sắt Côn Minh – Hải Phòng cùng nhiều tuyến giao thông khác từ miền nam Trung Quốc đến Hà Nội.  

Nếu được xác nhận, đây sẽ là một nhượng bộ lớn từ phía Việt Nam, vốn dĩ hay do dự trước những khoản vay lớn từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, Reuters lưu ý là vẫn chưa rõ các khoản viện trợ này có đi kèm với các khoản vay hay không. Hãng tin Anh cũng cho rằng đây có thể còn là một đòn giáng mạnh vào Hoa Kỳ và nhiều nước phương Tây khác, cũng ủng hộ các dự án cơ sở hạ tầng giảm sử dụng than ở Việt Nam, nhưng bằng các khoản vay theo giá thị trường. 

Điều đáng chú ý là dự án đường sắt Côn Minh – Hải Phòng sẽ đi qua khu vực có mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam và được ước tính có trữ lượng chiếm hàng thứ hai thế giới, nhưng chưa thể được khai thác do thiếu công nghệ.  

Liệu Trung Quốc – quốc gia sản xuất và tinh chế đất hiếm lớn nhất thế giới – có thông qua thỏa thuận hợp tác nào với Việt Nam hay không ? Đây vẫn còn là câu hỏi lớn, do việc Trung Quốc thường miễn cưỡng chia sẻ công nghệ tinh chế, trong khi Việt Nam vẫn ngăn cản xuất khẩu đất hiếm chưa qua chế biến. 

Mặt khác, theo tạp chí Time, Bắc Kinh có thể lôi kéo Hà Nội về phía mình bằng cách gây áp lực buộc Việt Nam phải ủng hộ tầm nhìn chính sách đối ngoại khi đưa cụm từ « cộng đồng chung vận mệnh » trong tuyên bố chung để mô tả mối quan hệ giữa hai nước.  

Theo nhiều cơ quan truyền thông, dường như giới chức Trung Quốc đang thúc bách Việt Nam tán thành khẩu hiệu này, thể hiện « mức độ quan hệ song phương cao nhất đối với chính quyền Tập Cận Bình ». Đây cũng là phản ứng đối với việc Hà Nội nâng cấp quan hệ gần đây với Washington.  

Trang mạng The Diplomat nhắc lại, Trung Quốc đã thành lập một « cộng đồng chung vận mệnh » với Lào, Cam Bốt và Miến Điện, nhưng Việt Nam vẫn phản đối vì sợ bị xem như là một thành viên trong chính sách của Trung Quốc liên minh chống Mỹ. Giới quan sát chờ xem Việt Nam có chấp nhận yêu cầu này của Trung Quốc hay không. 

Có đường biên giới dài gần 1.300 km với nước láng giềng khổng lồ, quan hệ của Việt Nam với Trung Quốc chưa bao giờ dễ dàng được cân bằng. Tuy có cùng hệ tư tưởng và sự tương đồng về hệ thống chính trị, những tranh chấp lãnh thổ ở biên giới trên bộ và nhất là ở Biển Đông luôn là chiếc gai trong quan hệ Việt – Trung.  

Việt Nam sử dụng chính sách « ngoại giao cây tre » để giữ cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc. Vào lúc thế giới đang tái định hình các chuỗi cung ứng, Hà Nội xích lại gần Mỹ, nhưng vẫn cố gắng dàn xếp với Trung Quốc, một người láng giềng cồng kềnh nhưng không thể thiếu. 

Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Lê Thế Mỹ, nguyên vụ trưởng Vụ Chính sách Đối ngoại, Viện Nghiên cứu Trung Quốc ở Hà Nội, kết luận rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình gởi đi một thông điệp rất rõ ràng : « Trung Quốc muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo với Việt Nam miễn là Việt Nam không vượt qua lằn ranh đỏ bằng cách ngả theo Mỹ quá nhiều hay đi theo Mỹ ! » 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.