Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH - BẮC TRIỀU TIÊN

Hệ thống chia sẻ dữ liệu về tên lửa Bắc Triều Tiên có lợi gì cho Mỹ và đồng minh Nhật, Hàn?

Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản hôm qua, 19/12/2023, cho biết đã kích hoạt một hệ thống mới để phát hiện tức thời các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên. Theo giới chuyên gia phân tích, hệ thống này không chỉ có lợi trong việc đối phó với Bình Nhưỡng, mà còn cho phép Mỹ và các đồng minh châu Á gửi tín hiệu đến Trung Quốc.

Ảnh do chính quyền Bình Nhưỡng phổ biến ngày 19/12/2023 : Một tên lửa liên lục địa (ICBM) mới của Bắc Triều Tiên được triển khai trên thực địa.
Ảnh do chính quyền Bình Nhưỡng phổ biến ngày 19/12/2023 : Một tên lửa liên lục địa (ICBM) mới của Bắc Triều Tiên được triển khai trên thực địa. AP
Quảng cáo

Việc chia sẽ dữ liệu thông tin về tên lửa Bắc Triều Tiên giữa ba nước Mỹ, Nhật và Hàn Quốc đã từng có trong quá khứ, nhưng trước đây, Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ chia sẻ thông tin một cách gián tiếp, thông qua Hoa Kỳ với tư cách là bên trung gian đáng tin cậy của cả hai nước. Thế nhưng, với hệ thống vừa được kích hoạt, các đối tác sẽ trực tiếp kết nối hệ thống radar của mình vào một nền tảng chung đặt tại tổng hành dinh Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawai.

Trên tờ báo Nhật Bản The Japan Times, bà Naoko Aoki, một nhà khoa học chính trị tại trung tâm Rand Corp của Mỹ, cho rằng lợi ích thực tế của việc chia sẻ thông tin trực tiếp một cách tức thời nằm ở chỗ: “Việc có nhiều dữ liệu hơn từ các địa điểm khác nhau sẽ tăng cường khả năng của cả ba quốc gia trong việc giám sát các vụ phóng tên lửa”, cho phép hiểu rõ hơn những gì đang diễn ra và xử lý tình huống nhanh hơn.

Một cách cụ thể, theo ông James Schoff, giám đốc cấp cao của chương trình Sáng Kiến Liên Minh Mỹ-Nhật Tiếp Theo (U.S.-Japan NEXT Alliance Initiative) của tổ chức Quỹ Hòa Bình Sasakawa tại Hoa Kỳ, việc chia sẻ dữ liệu tức thời “sẽ giúp cho việc phòng thủ tên lửa hiệu quả và chính xác hơn” nhờ phát hiện được tên lửa Bắc Triều Tiên một cách nhanh chóng và dưới nhiều góc độ khác nhau. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc đánh chặn các tên lửa mới nhất, cơ động hơn của Bắc Triều Tiên.

Theo ông Masashi Murano, chuyên gia về quốc phòng Nhật Bản tại Viện Hudson Hoa Kỳ, Tokyo cho đến nay vẫn gặp khó khăn trong việc đáp trả các vụ phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên do phạm vi phủ sóng radar của Nhật Bản bị hạn chế.

Chuyên gia Murano giải thích: “Mặc dù các radar mặt đất được triển khai trên khắp lãnh thổ Nhật Bản và trên các tàu khu trục Aegis ở Biển Nhật Bản có khả năng cao, chúng không thể phát hiện các mục tiêu ở bên kia đường chân trời, có nghĩa là việc theo dõi chính xác đòi hỏi phải chờ tên lửa bay lên”. Ngược lại, radar và các thiết bị giám sát khác được triển khai ở Hàn Quốc - và do đó ở gần các địa điểm phóng hơn - có thể phát hiện tên lửa ngay sau khi phóng - hoặc thậm chí là các dấu hiệu trước khi phóng.

Ngoại lợi ích kỹ thuật, hệ thống chia sẻ dữ liệu tức thời về tên lửa Bắc Triều Tiên còn mang lại cho các nước tham gia, đặc biệt là Mỹ, những lợi ích chiến lược không nhỏ, trong đó có việc gởi đi các tín hiệu răn đe đến các đối thủ tiềm tàng.

Theo giáo sư Christopher Hughes, một chuyên gia về Nhật Bản tại Đại học Anh Quốc Warwick, việc hệ thống này được hình thành đã gởi đi tín hiệu rằng cơ chế hợp tác ba bên Mỹ-Nhật-Hàn là một thực thể có “sức mạnh và thực chất bền vững”, đồng thời cảnh báo Bắc Triều Tiên và các quốc gia khác trong khu vực về khả năng hội nhập của liên minh giữa Washington với Tokyo và Seoul.

Tín hiệu cảnh báo đó cũng có thể nhằm vào Trung Quốc, nước đã từng gây sự với Hàn Quốc, khi Seoul cho Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo THAAD tại Hàn Quốc, một hệ thống mà Bắc Kinh nghi là cũng nhằm vào Trung Quốc.

Theo giáo sư Hughes, “việc bổ sung các phương tiện cảm biến của Nhật Bản và cuối cùng có thể là các thiết bị đánh chặn vào hệ thống răn đe mở rộng do Mỹ lãnh đạo có thể khiến Trung Quốc trở nên nhạy cảm hơn với thách thức này”, nhất là khi các nước có thể đẩy mạnh thêm việc chỉa sẻ thông tin tình báo và tăng cường hệ thống phòng thủ tên lửa.

Câu hỏi đặt ra là do diễn biến thất thường trong quan hệ Seoul-Tokyo trong thời gian trước đây, liệu hệ thống chia sẻ dữ liệu tức thời về tên lửa Bắc Triều Tiên có thể tồn tại lâu dài hay không.

Theo hãng tin Anh Reuters, trên vấn đề này, Ankit Panda, chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Quỹ Carnegie vì Hòa Bình Quốc Tế, trụ sở tại Hoa Kỳ, cho rằng bản thân việc thiết lập hệ thống này là một biện pháp bảo vệ trước nguy cơ chính trị nội bộ làm chệch hướng hợp tác ba bên trong tương lai.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.