Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Putin đang trên thế thắng trong cuộc đối đầu phương Tây - Nga ?

Cuộc chiến tranh tại Ukraina sắp bước qua năm thứ ba. Đó cũng là quãng thời gian nước Nga của tổng thống Putin đối đầu toàn diện với phương Tây. Cho đến thời điểm này, ở phương Tây câu hỏi « phải chăng Putin đang có cơ hội giành chiến thắng ? » đang được đặt ra không còn dè dặt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn Tucker Carlson, cựu dẫn chương trình kênh truyền hình Fox New, tại Matxcơva, ngày 06/02/2024.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn Tucker Carlson, cựu dẫn chương trình kênh truyền hình Fox New, tại Matxcơva, ngày 06/02/2024. via REUTERS - Tucker Carlson Network
Quảng cáo

Ngày 24/02/2022, tổng thống Nga Vladimir Putin chính thức phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraina, đồng thời mở ra chương mới cuộc đọ sức không khoan nhượng giữa Nga và phương Tây.

Những tháng đầu của cuộc xung đột, đúng là quân đội Nga đã thất bại trong ý đồ chiếm các thành phố lớn của Ukraina bằng một chiến dịch tấn công chớp nhoáng chỉ trong mùa đông. Cùng lúc các nước phương Tây  không tiếc tiền của ủng hộ vô điều kiện công cuộc kháng chiến Ukraina, đã nhất là loạt trừng phạt, cô lập Nga về mọi mặt với mục đích đánh sập nguồn lực phục vụ cỗ máy chiến tranh của Matxcơva.

Nhưng ông chủ của điện Kremlin giờ đây ngày càng tỏ đắc thắng sau gần hai năm duy trì cuộc chiến tranh hao mòn với phương Tây. Trên mặt trận quân sự, quân Nga đã vô hiệu hóa được cuộc phản công lớn mùa hè 2023 của Ukraina nhằm giành lại phần lãnh thổ bị chiếm. Mặc dù Ukraina đã dồn mọi nguồn lực cho cuộc phản công nhưng phần đất rộng lớn ở miền nam và đông đất nước vẫn nằm trong tay quân Nga.

Tình hình trên chiến trường ngày càng có nhiều bất lợi cho Kiev. Ngày 12/02 này, tình báo Na Uy đã đưa ra cảnh báo rằng Nga đang có xu thế chiếm ưu thế về mặt quân sự ở Ukraina, nhờ vào nguồn hỗ trợ từ nhiều nước đặc biệt trong đó có Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Trong một báo cáo hàng năm về an ninh của Na Uy, lãnh đạo tình báo quân sự Nils Andreas Stensønes đánh giá, « trong cuộc chiến này, Nga hiện ở thế mạnh hơn một năm trước và đang giành được lợi thế ».

Lãnh đạo tình báo Na Uy cho biết, Nga « có thể huy động quân số gấp ba lần so với Ukraine », và « Matxcơva đang thích ứng với các lệnh trừng phạt tốt hơn dự kiến » và ngành công nghiệp của nước này hiện có khả năng sản xuất đạn dược, thiết bị chiến đấu, máy bay không người lái và tên lửa, cho phép lực lượng của mình « duy trì nỗ lực chiến tranh quanh năm ».

​Trên bình diện kinh tế, dù bị phương Tây cô lập tứ bề, nước Nga vẫn mở rộng được những mối quan hệ mới với nhiều quốc gia khác. Dầu lửa, khí đốt Nga được chuyển hướng sang thị trường châu Á vẫn tiếp tục là nguồn tài chính quan trọng để nuôi cuộc chiến tranh lâu dài.

Một quan chức cấp cao ẩn danh của phương Tây, được AFP trích dẫn, đã cảnh báo trong một cuộc họp rằng « tổng thống Putin tin chắc rằng ông ta có thể cầm cự lâu hơn phương Tây. Do đó, chúng ta buộc phải chứng tỏ quyết tâm để chứng minh ông ta đã sai ».

Những phát biểu của tổng thống Nga những tuần gần đây càng ngày càng tỏ ra lạc quan. Mới đây trong cuộc trả lời phỏng vấn Tucker Carlson, cựu dẫn chương trình truyền hình Mỹ, Fox News, ông Putin đã khẳng định rằng một thất bại chiến lược của Nga « trên nguyên tắc là không thể ». Trong khi đó, câu khẩu hiệu của các lãnh đạo phương Tây là « không để Nga thắng ».

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích tin rằng chỉ có sự hỗ trợ tăng cường từ phương Tây cho Ukraina mới có hy vọng thay đổi cục diện tình hình. Nhưng sự ủng hộ này ngày càng trở nên bất trắc, khi mà các nghị sĩ Mỹ đang bị chia rẽ về gói viện trợ mới cho Ukraina, trong viễn cảnh rất có thể Donald Trump thắng trong cuộc bầu cử ở Mỹ cuối năm nay, còn châu Âu thì  ngày càng chia rẽ hơn về sự nghiệp chính nghĩa của người Ukraina.

Andrea Kendall Taylor, nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh Mỹ, có trụ sở tại Washington, giải thích với AFP phương Tây cũng như Nga « đang chạy đua phục hồi năng lực tấn công của mình. Nếu nguồn ngân quỹ phương Tây viện trợ cho Ukraina không được giải tỏa. Nếu giành được lợi thế bằng cách này hay cách khác, Nga sẽ có cơ hội tiến thêm hơn nữa ». Nhà phân tích này cho biết : « Động lực đã thay đổi » trong năm nay.

Năm 2024 mở ra cho ông Putin cơ hội rộng rãi để tận dụng những điểm yếu của phương Tây, theo phân tích của bà Tatiana Stanovaya, người sáng lập cơ quan tư vấn R.Politik. Chiến dịch bầu cử tại Hoa Kỳ có thể khiến chính quyền Mỹ giảm nhiệt huyết hậu thuẫn cho Kiev. Về phần mình, châu Âu, vốn nội bộ không mấy khi thống nhất, có thể một mình bù đắp khoản thiếu hụt viện trợ cho Ukraina.

Các nước phương Tây chỉ duy nhất có một lý do để lạc quan đó là tình hình nội bộ nước Nga bất ổn, do kinh tế sa sút vì chiến tranh, người dân quá mệt mỏi với cuộc chiến kéo dài gây tổn thất về người quá lớn.

Chuyên gia Dara Masicot, nhà nghiên cứu thuộc Quỹ Carnegir vì Hòa bình Quốc tế dù nhận thấy giọng điệu của lãnh đạo Nga có vẻ « tự tin thái quá » nhưng bà khẳng định, không có hỗ trợ mạnh mẽ của phương Tây thì không biết « Ukraina sẽ ngồi vào đàm phán trong thế như thế nào. Đó mới là điều đáng sợ ».

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.