Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Những bài học rút ra sau 2 năm chiến tranh Ukraina

Ngày 24/02/2024 chiến tranh Ukraina bước sang năm thứ ba. « Nga đã trở nên nguy hiểm hơn, Mỹ là một điểm tựa kém vững chắc. Còn bản thân châu Âu thì vẫn chưa được chuẩn bị để đối phó trong trường hợp bị tấn công ». Một số giới chức quốc phòng và tình báo châu Âu báo động trong từ 3 đến 5 năm nữa, Matxcơva sẽ sẵn sàng đương đầu với một thành viên trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Smoke rises from buildings in Bakhmut, Ukraine, the site of heavy battles between Ukrainian and Russian troops, on Wednesday, April 26, 2023.
Hình tư liệu : Một góc thành phố Bakhmut, Ukraina, trong trận chiến khốc liệt giữa quân đội Ukraina và Nga, ngày 26/04/2023. AP - Libkos
Quảng cáo

Olivier Sueur, cựu quan chức Pháp tại NATO trong bài tham luận hôm 21/02/2024 đăng trên trang mạng Le Rubicon, (trang mạng tập hợp các viện nghiên cứu quân sự chiến lược của Pháp và Canada), đưa ra một thực tế phũ phàng : Từ khi tổng thống Putin khởi động chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/02/2022, xâm chiếm Ukraina, « sau hai năm chiến tranh, Nga quyết tâm hơn bao giờ hết, Ukraina không còn làm chủ được vận mệnh mà đã phải phụ thuộc hoàn toàn vào viện trợ của Hoa Kỳ. Châu Âu (bao gồm Liên Hiệp Châu Âu, Anh Quốc và Na Uy) thì hoàn toàn bị trói tay vì hậu quả từ những quyết định mà chính họ đã lựa chọn ». Câu hỏi then chốt là xung đột ở Ukraina đi về đâu ? Đâu là chiến lược của châu Âu và Mỹ về lâu dài ?

Nhìn từ Washington tình hình Ukraina được hiểu như sau : về mặt quân sự Ukraina « không thể đi xa hơn » trong mục tiêu giành lại phần lãnh thổ đã bị Nga cướp mất. NATO sẽ không khi nào đương đầu với một cường quốc hạt nhân để giúp Kiev chiếm lại 17 % đất đai đã rơi vào tay quân Nga. Về mặt chiến lược theo Olivier Sueur, Ukraina không phải là một ưu tiên của Hoa Kỳ. Sự lơ là của Mỹ cũng có thể giải thích phần nào khi mà « kho các loại vũ khí của Mỹ cũng đang rơi xuống thấp đến mức báo động » và « không đủ trước một số rủi ro trên những mặt trận khác, chẳng hạn như ở Thái Bình Dương ».

Về phía châu Âu, cựu quan chức NATO Olivier Sueur cũng không mấy lạc quan với đánh giá Lục Địa Già chỉ có hai lựa chọn hoặc là cứ tiếp tục « cắm đầu đi theo Mỹ » hoặc phải « tự chủ » về mặt an ninh. Trước mắt, giải pháp thứ nhì là điều không thể thực hiện được khi mà  « kho đạn dược và vũ khí, khả năng sản xuất (trang thiết bị quân sự) của châu Âu còn không đủ để hỗ trợ Ukraina ». Thêm vào đó tương tự như NATO, « không một thành viên Liên Âu nào » cả gan đọ sức với Nga mà không được bảo đảm rằng sẽ có Hoa Kỳ « yểm trợ ở phía sau ».

Trong hoàn cảnh đó phải chăng đã đến lúc châu Âu ngộ ra rằng Emmanuel Macron có lý ?

Trong diễn văn trước Nghị Viện Châu Âu hôm 19/01/2022 nguyên thủ Pháp đã kêu gọi « Châu Âu cần trang bị vũ khí, không vì ngờ vực bất kỳ một siêu cường nào khác, mà vì sự tự chủ và để không bị trói buộc vào quyết định của những quốc gia khác (…) ».

Tiếc là phải mất đến ba năm sau thủ tướng Đức Olaf Scholz mới hiểu khi mà  chính trường ở Washington đã bị tê liệt từ nhiều tháng qua và Hạ Viện Hoa Kỳ cương quyết chận gói viện trợ quân sự 60 tỷ đô la cho Kiev, một khoản viện trợ mang tính sống còn đối với Ukraina. Chính sự tê liệt về chính trị tại Hoa Kỳ đang « từng bước bóp nghẹt những khả năng chiến đấu của những người lính Ukraina ». Lính Ukraina đang phải « tiết kiệm từng viên đạn » trong mỗi đợt chạm súng với quân đội Nga. Ukraina chỉ dám bắt từ 4 ngàn đến 7 ngàn đạn pháo mỗi ngày trong lúc ở góc đài bên kia, quân đội Nga có đến 20 ngàn để đè bẹp đối phương. 

Cũng chuyên gia người Pháp này nhắc nhở « chớ quên rằng Mỹ có thể đưa ra những quyết định rất thô bạo » và Olivier Sueur không loại trừ khả năng « cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024 là dấu chấm hết » trong chính sách của Washington đối với Ukraina. Điều đó có nghĩa là từ giờ trở đi, Mỹ chỉ tính đến cách để thoái lui khỏi hồ sơ cồng kềnh này. Viễn cảnh đó hoàn toàn có lợi cho phía Nga.

Vậy biết đâu là để chuẩn bị cho hồi kết đó, tức là khi mà Kiev không còn có thể trông cậy vào hàng tỷ đô la viện trợ của Mỹ, cho nên các nước châu Âu - Anh, Pháp, Đức hay Đan Mạch đã hối hả ký thỏa thuận an ninh song phương với Ukraina nhưng cùng lúc các giới chức quân sự tại châu Âu đồng loạt ghi nhận « đã cung cấp vũ khí cho Ukraina gần như tối đa trong những điều kiện cho phép ».

Là một chuyên gia về chiến lược, từng là quan chức cao cấp điều hành liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, Olivier Sueur trong bài phân tích đã kết luận : « Bế tắc hiện nay trên vấn đề Ukraina một lần nữa lại làm dấy lên câu hỏi về khả năng tự lập của châu Âu » với ô dù an ninh mà đến nay Hoa Kỳ vẫn bảo đảm cho các nước đồng minh trên lục địa già.

Người dân Ukraina đang trả giá bằng xương máu sau hai năm chiến tranh, hy vọng rằng châu Âu cũng rút ra được những bài học quý giá để tăng cường khả năng phòng thủ, và không ỉ lại vào Mỹ. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.