Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Nga, bệ phóng để Bắc Triều Tiên trở thành một cường quốc quân sự

Tại Bình Nhưỡng, hôm 01/04/2024, lãnh tụ Kim Jong Un đầy tự tin khẳng định mục tiêu nội trong năm 2024 sẽ trang bị vệ tinh do thám nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của quốc gia. Báo chí Hàn Quốc trong tuần tiết lộ một nhóm chuyên gia Bắc Triều Tiên trong lĩnh vực chế tạo vệ tinh đã đến Matxcơva.

In this photo provided by the North Korean government, North Korean leader Kim Jong Un, front center, stands by what they call an intermediate-range ballistic missile, on the outskirts of Pyongyang, N
Ảnh minh họa : Vũ khí mà Bắc Triều Tiên gọi là tên lửa đạn đạo tầm trung ở ngoại ô Bình Nhưỡng, ngày 02/04/2024. AP
Quảng cáo

Trước đó hai ngày, tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Nga đã dùng quyền phủ quyết để ngừng công tác của các nhóm thanh tra quốc tế giám sát lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên. Có thể nói Vladimir Putin nay đã trở thành điểm tựa kép của Kim Jong Un trong mục tiêu « quân sự hóa không gian ».

Về việc hôm 29/03/2024 Nga dùng quyền phủ quyết đình chỉ việc triển hạn công tác của các thanh tra viên quốc tế tại Bắc Triều Tiên, đại sứ Hàn Quốc tại Liên Hiệp Quốc Hwang Joon Kook ví von : Matxcơva đã « đập vỡ ống kính camera của cộng đồng quốc tế để theo dõi chế độ Bình Nhưỡng ». Một số nhà quan sát phương Tây nói đến một sự « đồng lõa » giữa chính quyền Vladimir Putin với chế độ độc tài Kim Jong Un để giúp Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân, tiến thêm những bước rất dài về công nghệ chế tạo tên lửa, vệ tinh…

Đương nhiên Nga phải có lợi trong vụ này : Ngừng cho phép các quan sát viên quốc tế đến giám sát Bình Nhưỡng mở đường cho việc Nga cung cấp từ năng lượng đến lương thực cho Bắc Triều Tiên. Đây cũng là công cụ hiệu quả nhất để che khuất những hoạt động « chuyển giao vũ khí, trang thiết bị quân sự và các hoạt động quân sự bất hợp pháp » giữa Matxcơva với Bình Nhưỡng, như một nhà ngoại giao châu Âu đã ghi nhận. 

Quyền phủ quyết của Matxcơva phá vỡ các lệnh cấm vận Bắc Triều Tiên quốc tế ban hành năm 2006 và đã được mở rộng thêm vào năm 2016 và 2017. Do vậy, theo giới phân tích, quyết định của Nga vừa rồi là một « tấm bình phong » che chắn tất cả những hoạt động tại căn cứ phóng vệ tinh Tongchang-ri, nhìn ra bờ đông Bắc Triều Tiên. Điều này báo trước Bình Nhưỡng sắp tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm ở quy mô lớn trong nay mai.

Nga đã chuẩn bị để giúp đỡ Bắc Triều Tiên như thế nào ? Nhà báo Sébastien Falletti của tờ Le Figaro (ngày 03/04/2024) trả lời : Về mặt ngoại giao, điện Kremlin làm tê liệt cỗ máy của Liên Hiệp Quốc, phá hỏng các biện pháp ngăn chận Bình Nhưỡng chế tạo bom nguyên tử và phát triển tên lửa.

Cho dù là trong những năm gần đây, Bắc Triều Tiên đã phớt lờ lệnh cấm của quốc tế và đã thử nghiệm tên lửa và thử nghiệm hạt nhân dồn dập hơn bao giờ hết. Cũng do tiếng nói quyết định của Matxcơva tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà từ hai năm nay, quốc tế không thể thông qua bất kỳ một nghị quyết nào để kiềm chế những tham vọng hạt nhân của ông Kim Jong Un.

Không chỉ với phương Tây, ngay cả đối với một điểm tựa vững chắc truyền thống khác của Bình Nhưỡng là Bắc Kinh, « tuần trăng mật » giữa Bắc Triều Tiên và Nga cũng là một điểm đáng chú ý. Vladimir Putin đang giúp lãnh đạo họ Kim « tháo gỡ bớt vòng kềm tỏa của Trung Quốc », không để bị lệ thuộc vào « anh cả » Tập Cận Bình. Theo quan điểm của nhà nghiên cứu Go Myung Hyun, Viện An Ninh Quốc Gia Hàn Quốc (INSS) tại Seoul được Le Figaro trích dẫn, có Vladimir Putin ở bên cạnh là đủ để Kim Jong Un chứng minh với thế giới, kể cả với Trung Quốc, là ông không thân cô thế cô. Victoria Cha, thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế CSIS, biết rõ là « để đẩy mạnh hợp tác quân sự với Nga, Bình Nhưỡng đã hậu thuẫn cho cuộc chiến xâm lược Ukraina mà ông Vladimir Putin phát động ». Theo giới trong ngành, Bắc Triều Tiên đã cung cấp « 10.000 contener trang thiết bị quân sự » cho Matxcơva và đã chuyển giao cho quân đội Nga từ 1 đến 3 triệu đạn pháo ».

Nhưng nước Nga của Putin không chỉ giúp đỡ chế độ Bắc Triều Tiên qua kênh ngoại giao. Nga còn là một cường quốc nguyên tử thế giới, là một quốc gia làm chủ công nghệ chế tạo từ tàu ngầm đến tên lửa đạn đạo có mang đầu đạn hạt nhân, tên lửa siêu thanh, tàu ngầm sử dụng năng lượng hạt nhân… Do vậy, giới phân tích e rằng chuyến công tác gần đây (25-27/03/2024) của lãnh đạo tình báo Nga Sergei Naryshkin « mở ra thêm nhiều lĩnh vực hợp tác khác », kể cả việc theo dõi « các hoạt động do thám và âm mưu từ các lực lượng thù nghịch ngày càng gia tăng ».

Trong cuộc chơi giữa hai lãnh đạo Nga và Bắc Triều Tiên, nhà nghiên cứu Go Myung Hyun, thuộc Viện An ninh Hàn Quốc INSS, ghi nhận, Kim Jong Un còn trẻ tuổi nhưng đã là một « con sói già nhiều kinh nghiệm ». Ngoài việc tiếp thu công nghệ phóng vệ tinh và tên lửa của Nga, kết thân với Vladimir Putin, Kim Jong Un còn đổi được dầu hỏa và lương thực thực phẩm của Nga. Điều đó giúp nguyên thủ quốc gia Bắc Triều Tiên tuổi mới ngoại tứ tuần này giảm bớt áp lực từ công luận trong nước.

Ngay cả đối với hai « nhà bảo trợ » là Trung Quốc và Nga, Kim Jong Un cũng có nhiều tính toán trong đầu : Dựa hơi Vladimir Putin để bớt lệ thuộc vào Trung Quốc, nhưng đồng thời phao tin mở cửa đối thoại với Nhật Bản, biết đâu có thể dùng đòn tâm lý gây chia rẽ trục Mỹ-Nhật-Hàn, mối bận tâm chính của Kim Jong Un. 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.