Vào nội dung chính
PHÂN TÍCH

Chưa rõ nguyên nhân tai nạn máy bay Nga

Vì sao máy bay dân dụng của hãng hàng không MetroJet của Nga bị tan thành nhiều mảnh trước khi rơi xuống vùng sa mạc Sinai ngày 31/11/2015 ? Bí mật vẫn bao trùm. Hai hộp đen của chiếc máy bay bắt đầu được khai thác trong khi tổ chức thánh chiến Hồi giáo tự nhận ra tay trả thù Nga can thiệp tại Syria.

Mảnh vỡ máy bay Airbus A320 của tập đoàn Nga Metrojet trên bãi sa mạc Sinai - Ai Cập.
Mảnh vỡ máy bay Airbus A320 của tập đoàn Nga Metrojet trên bãi sa mạc Sinai - Ai Cập. REUTERS/Mohamed Abd El Ghany
Quảng cáo

Vào ngày 21/12/1988, chiếc Boeing 747 của công ty hàng không Hoa Kỳ Pan Am, nay đã ngưng hoạt động, bị tan vỡ trên bầu trời thành phố Lockerbie, Scotland-Anh Quốc, chỉ vài phút sau khi cất cánh, giống như trường hợp chiến Airbus A 321 của hãng hàng không Nga MetroJet vừa qua. Các nhà điều tra Mỹ chỉ mất có bốn ngày để kết luận máy bay bị đặt bom nhưng phải mất thêm ba năm mới nhận dạng được thủ phạm là mật vụ Libya.

Ban lãnh đạo MetroJet, công ty khai thác chiếc Airbus lâm nạn trên bầu trời Ai Cập khẳng định, nhưng không giải thích rõ, máy bay của họ bị « một yếu tố bên ngoài » làm tan vỡ trên không.

Tại hiện trường, công việc điều tra là tìm xác nạn nhân và mảnh vụn máy bay được mở rộng ra 40 cây số thay vì 20 như lúc ban đầu. Rõ ràng là máy bay bị « vỡ tan » theo như kết luận đầu tiên của chuyên gia Nga hôm 01/11/2015. Nếu máy bay còn tốt, phi công kinh nghiệm không phạm sai lầm thì vì sao « không điều khiển được máy bay, không liên lạc với đài kiểm soát không lưu » ?

Theo AFP, trong tình thế này, mọi cặp mắt đều nhìn về nhánh thánh chiến Daesh tại Ai Cập. Vài giờ sau vụ rớt máy bay Nga, phe này lên tiếng nhận thành tích « trả thù Nga oanh kích vào Syria ».

Tuy nhiên, Cơ quan liên bang Nga đặc trách hàng không dân dụng Rosaviatsia cho rằng MetroJet kết luận quá sớm. Cần phải có nhiều thời gian xem xét hai hộp đen và mảnh vỡ của máy bay.

Chính quyền Nga cũng như Mỹ đều tuyên bố « không biết » tổ chức Hồi giáo khủng bố Daesh có can dự thật hay không. Theo thẩm định của Giám đốc tình báo Mỹ DNI, James Clapper, thì « rất ít khả năng » chi nhánh Daesh ở Ai Cập có vũ khí phòng không bắn hạ một máy bay dân sự nhưng ông « không thể loại trừ giả thuyết này ».

Theo AFP, điều chắc chắn là máy bay vỡ thành nhiều mảnh trên không, khác với các tai nạn ngẫu nhiên hay do cố ý gây tai nạn tự sát.

Các chuyên gia được AFP đặt câu hỏi đều cho rằng tổ chức Nhà nước Hồi Giáo không có vũ khí đủ sức bắn hạ máy bay ở độ cao 9. 000 mét. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp máy bay bị gài bom từ phi trường Charm el-Cheikh nơi mà khủng bố có thể xâm nhập được. Hoặc là máy bay bị trúng tên lửa địa đối không loại cầm tay khi hạ thấp xuống vì một lý do nào đó chưa rõ.

Cũng theo các chuyên gia, chiếc Airbus của MetroJet có thể bị « chấn động mạnh và bất ngờ » đến mức độ phi công không thể điều khiển được. Nhưng sức mạnh nào có thể làm máy bay « tan vỡ » ? Trục trặc kỷ thuật ? Có thể nhưng cực kỳ hiếm. Cuối cùng chỉ còn giả thuyết bị gài bom với sự trợ giúp của một nhân viên ở phi trường.

Thảm nạn hàng không xảy ra đúng vào lúc Ai Cập của Tổng thống Abdel Fattah al Sissi đang cố gắng tạo bộ mặt an ninh và ổn định để thu hút du khách nước ngoài, nguồn ngoại tệ số một của xứ kim tự tháp.

Nếu thật sự đây là một vụ khủng bố thì sẽ là một vố đau cho Cairo nhưng cũng là một thiệt hại không nhỏ cho uy tín của Tổng thống Nga Vladimir Putin, người chủ trương can thiệp quân sự vào Syria. Ba ngày sau thảm nạn hàng không, chủ nhân điện Kremli mới xuất hiện trên màn ảnh truyền hình. Ông cám ơn cư dân thành phố Saint Petersbourg đã có thái độ trang nghiêm trước thảm nạn giết chết 224 người đồng quê quán và kêu gọi người Nga kiên nhẫn chờ thông tin « khách quan ».

 

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.