Vào nội dung chính
QUỐC TẾ

Tổng giám đốc IMF Strauss-Kahn xin từ chức và khẳng định mình vô tội

Từ trong nhà tù tại New York, hôm nay 19 tháng 5 năm 2011 ông Dominique Strauss-Kahn, chính thức xin từ chức tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, đồng thời ông cũng tuyên bố mình vô tội. 

Ông Dominique Strauss-Kahn trong đại hội thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới, Washington 8/10/2010.
Ông Dominique Strauss-Kahn trong đại hội thường niên của IMF và Ngân hàng Thế giới, Washington 8/10/2010. Reuters
Quảng cáo

Đơn xin từ chức của ông Strauss-Kahn được viết dưới hình thức một bức thư gửi hội đồng quản trị của IMF, trong đó ông khẳng định vô tội trước các cáo buộc của tư pháp Mỹ và lúc này ông muốn tập trung hết sức lực để chứng minh điều đó. Như vậy là, sau 5 ngày bị bắt giam vì bị cáo buộc xâm phạm tình dục tại New York, ông Dominique Strauss-Kahn đã chủ động xin rời khỏi chức vụ tổng giám đốc, trước khi bị định chế tài chính quốc tế này sa thải. 

Từ New York, thông tín viên Karim Lebour tường trình :

« Bức thư khoảng một chục dòng và được chính ông Dominique Strauss-Kahn ký. Tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế viết là ông đệ đơn xin từ chức với một nỗi buồn thống thiết. Trong thư, ông viết : Tôi nghĩ trước tiên đến vợ tôi, người mà tôi yêu quý nhất, tôi nghĩ đến các con, gia đình, bạn bè của tôi. Tôi cũng nghĩ đến các đồng nghiệp ở Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế. Tôi muốn khẳng định lại với tất cả mọi người là tôi bác bỏ mọi lời cáo buộc đối với tôi. Bức thư có nội dung như một tuyên bố rất được mong đợi.

Việc bỏ trống vị trí tổng giám đốc của IMF không thể kéo dài được nữa trong lúc định chế quốc tế này đang tham gia các hoạt động tài trợ tín dụng để cứu giúp Hy Lạp, Bồ Đào Nha khỏi bị phá sản. Hội đồng quản trị IMF đã từ chối sa thải ông Dominique Strauss-Kahn trước khi ông chính thức bị buộc tội. Như vậy, ông Dominique Strauss-Kahn muốn tránh bị làm nhục thêm một lần nữa, tức là bị sa thải.

Nhân vật số 2 của Quỹ là ông John Lypsky đảm trách quyền tổng giám đốc, trong khi chờ đợi cuộc vận động tranh giành sẽ bắt đầu giữa Hoa Kỳ, châu Âu và các nước đang trỗi dậy nhằm áp đặt người của mình vào chức vụ tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế ».

Trong một diễn biến khác của vụ việc, cũng trong ngày hôm nay, tại New York, tòa án Manhattan mở phiên xem xét đơn xin tại ngoại có bảo lãnh do các luật sư của ông Strauss-Kahn đệ lên lần thứ hai. Theo đó, cựu lãnh đạo của IMF cam kết đóng 1 triệu đô la tiền bảo lãnh, ở lại New York và chịu sự giám sát nghiêm ngặt, phải đeo vòng điện tử định vị.

Trong đơn xin tại ngoại, các luật sư của ông Dominique Strauss-Kahn còn nhấn mạnh đến mối quan hệ chặt chẽ giữa thân chủ của họ với Hoa Kỳ. Vợ ông, bà Anne Sinclair, mang hai quốc tịch, Pháp và Mỹ. Con gái ông đang theo học tại trường Đại học Columbia, sống thường xuyên tại New York. Đó là tất cả những lý lẽ đưa ra với mục đích thuyết phục thẩm phán rằng ông Domonique Strauss-Kahn sẽ không có ý đồ trốn chạy khỏi Mỹ.

Ngày mai, đoàn bồi thẩm nhân dân của New York sẽ quyết định có đưa ông ra tòa xét xử theo cáo trạng đã công bố hay không.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.