Vào nội dung chính
Tạp chí thể thao

Vì sao Michel Platini không ra ứng cử chủ tịch FIFA?

Đăng ngày:

Michel Platini đương kim chủ tịch UEFA thông báo không ra tranh cử vào vị trí lãnh đạo cao nhất của Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA. Quyết định của Michel Platini đã làm thất vọng không ít người đang muốn cải tổ FIFA. Vì sao cựu thủ quân đội tuyển Pháp, một người nổi tiếng với nhiều dự án cải cách bóng đá Châu Âu rút khỏi cuộc đua ?

Vào năm 2011, Michel Platini, tại Doha, Qatar từng khẳng định các cáo buộc tham nhũng là những lời đồn đãi không có cơ sở.
Vào năm 2011, Michel Platini, tại Doha, Qatar từng khẳng định các cáo buộc tham nhũng là những lời đồn đãi không có cơ sở. AFP PHOTO / KARIM JAAFAR
Quảng cáo

Thứ sáu ngày 28/8 vừa qua tại Monaco, bên lề lễ bốc thăm chia bảng giải đấu Champions League, Michel Platini đã chấm dứt những phỏng đoán và cả những hồi hộp chờ đợi của cả đoàn đông phóng viên quây kín quanh ông bằng một thông báo : « Tôi đã suy nghĩ nhiều nhưng trong những tháng qua tôi không làm sao thuyết phục được mình cần phải ứng cử vào FIFA ».

Như vậy là cựu danh thủ số 10 của đội tuyển bóng đá Pháp với thành tích 72 lần khoác áo đội tuyển ghi được 41 bàn thắng, đồng thời cũng là cựu huấn luyện viên trưởng của đội tuyển Pháp ( 1988-1992) chính thức khẳng định sẽ không ra tranh chiếc ghế lãnh đạo định chế quản lý bóng đá thế giới đầy quyền lực và giàu tiền bạc trong kỳ bầu cử dự kiến vào ngày 29/5/2015. Điều này cũng có nghĩa là, đương kim chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Âu sẽ không chạy đua với ông Joseph Blatter, 78 tuổi, người Thụy Sĩ đang giữ chiếc ghế chủ tịch FIFA từ năm 1998 và vẫn còn tham vọng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 5 cai quản làng bóng đá thế giới.

Michel Platini chỉ giải thích đơn giản đó là « sự lựa chọn của trái tim, của niềm say mê bóng đá » và bây giờ chưa phải lúc để ông đến với FIFA. Thông báo của nhà quản lý bóng đá Châu Âu, 59 tuổi, một con người giàu ý tưởng cải cách đã dội gáo nước lạnh vào hy vọng của báo giới đặc biệt là các nhà báo Anh, những người đang công khai tuyên chiến với Joseph Blatter và muốn cải tổ lại định chế bóng đá thế giới vốn đang bị tai tiếng bởi liên tiếp những bê bối tham nhũng.

Ông Platini nói : "Những ai yêu mến tôi thì lại muốn tôi ở lại UEFA. Những ai không ưa gì ông Blatter thì lại muốn tôi đến với FIFA". Lên làm chủ tịch UEFA năm 2007, sau đó tái đắc cử năm 2011, Michel Platini được nhìn nhận là một nhà quản lý có đầu óc cải cách. Có thể kể ra một số công việc mà ông đã làm được cho làng bóng đá Châu Âu : Quy định fair-play về tài chính nhằm kiểm soát chi tiêu và lành mạnh hóa tài chính của các câu lạc bộ bóng đá Châu Âu; mở rộng vòng chung kết giải vô địch bóng đá Châu Âu (bắt đầu từ Euro 2016 tại Pháp) lên thành 24 đội tham dự ; đấu tranh không khoan nhượng với tệ kỳ thị chủng tộc....

Tại đại hội gần đây nhất của FIFA hôm 10-11/7/2014 ở Sao Paulo (Brazil), ông chủ của bóng đá Châu Âu đã thẳng thắn tuyên bố sẽ không ủng ông Joseph Blatter, người mà khi lên nắm quyền ở FIFA đã mời Platini làm cố vấn chuyên môn.

Từ lâu nay, mọi người đều biết định chế quản lý của bóng đá Châu Âu vẫn duy trì mối quan hệ không mấy tốt đẹp với định chế toàn cầu. Các nhà quan sát bóng đá đặt câu hỏi phải chăng, bên cạnh lý do gắn bó với bóng đá châu lục, Michel Platini đã phải lùi vì sợ « chính trị gia cáo già », mệnh danh là sát thủ máu lạnh như ông Blatter?

Nhìn thuần túy về khía cạnh tính toán số học trong cuộc chạy đua vào chức chủ tịch FIFA, ông chủ của bóng đá Châu Âu biết là chưa thể bảo đảm thu được hơn nửa số phiếu của 209 liên đoàn thành viên của FIFA trong cuộc bầu cử vào sang năm.

Một nguồn thạo tin trong giới bóng đá trước khi có thông báo của Platini đã phân tích : « Michel sẽ không ra ứng cử. Chủ tịch FIFA được bầu theo thể thức mỗi liên đoàn một lá phiếu. Đây là hệ thống bầu cử tồn tại từ thời Havelange. Các liên đoàn bóng đá quốc gia, đặc biệt ở các nước nhỏ vẫn bị ảnh hưởng và trung thành với ông Blatter. Nếu Blatter không ra tranh cử 2015, thì Michel có thể ra và khi đó mới có thể thắng được ».

Nhà quan sát này nhận định : « Platini không có phương tiện, không có vũ khí gì trong tay để đấu với Blatter. UEFA chỉ có 54 liên đoàn còn FIFFA có tới 209. Người ta không thể thuyết phục các nước Châu Âu như thuyết phục các nước Châu Phi. FIFA là một công ty thế giới. Ra tranh cử bây giờ Platini cầm chắc trong tay phần thua. Blatter là một chính trị gia khôn khéo. Ông ta chắc chắn tái đắc cử ».

Cuộc chiến âm ỉ

Có thể nói giữa hai lãnh đạo của hai định chế quản lý bóng đá hàng đầu thế giới này vẫn tồn tại một cuộc chiến tiềm ẩn. Vốn đã quá quen thuộc với các trò đấu đá tranh cử, chủ tịch FIFA lần này nắm trong tay những nghi ngời tham nhũng xung quanh việc trao quyền tổ chức Cúp bóng đá thế giới 2022 cho Qatar để ông sử dụng như một quả nổ tung sang sân của đối thủ.

Tháng 5 vừa qua, ông Blatter trên đài Phát thanh-Truyền hình Thụy sĩ đã phát biểu nói rằng : "Tôi không bao giờ nói họ (Qatar) đã mua quyền tổ chức Cúp thế giới, nhưng họ được hậu thuẫn chính trị ở Pháp cũng như ở Đức". Chủ tịch FIFA muốn ám chỉ đến bữa ăn trưa do tổng thống Nicolas Sarkozy tổ chức hôm 23/11/2010 tức là 10 ngày trước khi Qatar được trao quyền đăng cai Cúp thế giới 2022. Ngày hôm đó, Hoàng thân Qatar Al-Thani và vị Thủ tướng Qatar và nhiều giới chức làm ăn trong lĩnh vực bóng đá và cả Michel Platini đã có mặt quanh bàn tiệc của tổng thống Pháp.

Cuộc gặp này đã bị nghi ngờ là dịp để vận động thúc đẩy cho Qatar dành được quyền đăng cai Cúp thế giới 2020. Ngay cả Michel Platini cũng thừa nhận đã bỏ phiếu cho Qatar hôm 02/12/2010 tại Zurich. Còn ông Blatter thì về sau này đã nhận định là việc trao quyền tổ chức ngày hội bóng đá thế giới cho vương quốc dầu mỏ này là một « sai lầm ».

Hôm 03/06/2014, nhật báo Anh The Daily Telegraph đã tiết lộ rằng Michel Platini đã có cuộc gặp « bí mật » nhân vật Ben Hamman, cựu chủ tịch Liên đoàn bóng đá Châu Á và cựu phó chủ tịch FIFA. Ông này đã bị báo Sunday Times tố cáo đã chi 5 triệu đô la Mỹ hối lộ cho các thành viên của FIFA. Tờ báo này cũng nhắc lại hai quan chức này cũng đã ngồi cùng bàn trong bữa tiệc trưa ngày 23/11/2010. Lãnh đạo của UEFA bị rơi vào tầm ngắm trực tiếp, trong khi nhiều thông tin còn phát giác, hiện con trai của ông Platini đang làm lãnh đạo một công ty trang thiết bị thể thao của Qatar tại Pháp.

Michel sẽ sẵn sàng trong 4 năm nữa

Mọi người đang mong đợi trong tháng 9 này Ủy ban đạo đức của FIFA công bố kết quả của điều tra nội bộ xung quanh các vụ việc trao quyền đăng cai tổ chức Cúp đáng đá thế giới 2018 tại Nga và 2022 tại Qatar. Cũng như nhiều thành viên khác của ban chấp hành FIFA, Michel Platini đã được người chỉ đạo cuộc điều tra thẩm vấn.

Cách đây không lâu vẫn được coi như là người kế tục đương nhiên của ông Blatter, liệu cựu thủ quân của đội tuyển Pháp có kiên nhẫn được đến khi ông Blatter hết nhiệm kỳ và phải về hưu năm 2019 ? Michel cũng đã nói « tôi không đóng cửa ». Tại đại hội Sao Paulo, chính ông cũng đã vận động hủy bỏ giới hạn về tuổi tác và nhiệm kỳ trong các lãnh đạo FIFA. Liệu Joseph Blatter có rời bỏ ngai vàng của mình? Không có gì phải vội, « trong 4 năm tới Michel sẽ sẵn sàng », như tiết lộ của một người bạn Platini. Khi đó, chắc chắn con đường đi đến đỉnh cao quyền lực trong làng bóng đá thế giới đã trở nên thoáng và an toàn hơn. 

Điền kinh Việt Nam trước thềm Asiad 17

Chỉ còn 20 ngày nữa Đại hội thể thao châu Á Asiad 17 sẽ diễn ra tai Incheon Hàn Quốc. Tham dự đại hội thể thao lớn nhất châu lục lần này, Thể thao Việt nam có thêm nhiều hy vọng đạt huy chương hơn so với các kỳ đại hội trước. Điền kinh là một môn được đặt nhiều kỳ vọng ở Asiad 17 bởi gần đây các vận động viên của Việt Nam đã bắt đầu có những thành tích bứt phá khá ấn tượng ở các đấu trường quốc tế. Lúc này đội điền kinh Việt Nam gồm 14 vận động viên vẫn đang ở chặng cuối cùng chuẩn bị lên đường dự Asiad 17.

Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục Thể thao Việt Nam cho biết về tình hình lực lượng và sự chuẩn bị về chuyên môn của đội điền kinh Việt Nam trước thềm Asiad 17:

05:46

Ông Dương Đức Thủy, trưởng bộ môn điền kinh Việt Nam:

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.