Vào nội dung chính
PHÁP - SYRIA

Tổng thống Pháp: Paris sẽ không can thiệp chống thánh chiến ở Syria

Vào hôm nay, 05/02/2015, Tổng thống Pháp François Hollande đã trả lời giới truyền thông nhân cuộc họp báo định kỳ sáu tháng một lần. Nhưng sự kiện này đã được đặc biệt chú ý vì mở ra không đầy một tháng sau ngày thủ đô Paris bị khủng bố tự nhận là Hồi giáo tấn công. Chính sách của Pháp chống thánh chiến Hồi giáo thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Irak và Syria rất được quan tâm và Tổng thống Pháp đã khẳng định trở lại chủ trương của Paris : tăng cường can thiệp tại Irak, nhưng không mở rộng chiến dịch qua Syria.

Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc họp báo ngày 05/02/2014 tại điện Elysée, Paris.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong cuộc họp báo ngày 05/02/2014 tại điện Elysée, Paris. REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Tổng thống Pháp đã có một nhận định chung không mấy lạc quan về kết quả của chiến dịch oanh kích do liên minh quốc tế chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo khởi động trong thời gian qua. Đối với với ông Hollande, các « thành công » của liên minh quốc tế nhằm đẩy lùi tổ chức thánh chiến còn đến « rất chậm ». Tuy vậy, bản thân nước Pháp đã tham gia chiến dịch với cường độ ngày càng gia tăng.

Khi được hỏi về khả năng nước Pháp mở rộng địa bàn các cuộc không kích từ Irak qua Syria, Tổng thống Hollande một lần nữa đã bác bỏ phương án này. Ông giải thích :

« Nước Pháp tập trung nỗ lực tại Irak. Tại sao ? Tại vì ở đó còn có một nhà nước có chủ quyền, một quân đội có thể chiến đấu chống lại Daesh (một trong những tên gọi của nhóm Nhà nước Hồi giáo) và đảm trách việc tái chiếm lãnh thổ. Đó là những gì đang xảy ra, với một số thắng lợi, dù rất chậm nhưng vẫn là thành công ».

Ông Hollande khẳng định rằng chiến dịch can thiệp quân sự của Pháp tại Irak đang được tiến hành « với cường độ ngày càng tăng và số lượng ngày càng nhiều ». Hàng không mẫu hạm Pháp Charles-de-Gaulle hiện đã có mặt tại « chiến trường », trên vịnh Ba Tư.

Còn về trường hợp Syria, Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng tại đấy « không còn nhà nước », mà chỉ có một « chế độ » và đây là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Chế độ Syria đã không còn kiểm soát được lãnh thổ của đất nước », nơi tồn tại nhiều lực lượng thánh chiến cực đoan khác bên cạnh Daesh (tức tổ chức Nhà nước Hồi giáo). »

Trong tình hình đó, Paris không thể can thiệp vì điều đó có thể bị chế độ Damas lợi dụng để « tiếp tục tàn sát dân chúng (...) hoặc nhường chỗ cho những thành phần thực sự muốn tiêu diệt nước Pháp ».

Tuy vậy, Tổng thống Pháp khẳng định rằng vẫn chủ trương trợ giúp « các lực lượng dân chủ không phải là không có ở Syria ». Ông Hollande nêu bật ví dụ của người Kurdistan đã đánh bật được lực lượng thánh chiến ra khỏi Thành phố Kobane ở miền Bắc Syria.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.