Vào nội dung chính
TÌNH BÁO - PHÁP - MỸ

Mỹ và đồng minh Châu Âu nghi kỵ lẫn nhau ?

Tiết lộ của WikiLeaks về vụ tình báo Mỹ nghe trộm 3 đời Tổng thống Pháp từ Chirac, Sarkozy đến Hollande là chủ đề báo giới Pháp ngày 25/06/2015 không thể bỏ qua. Trong một tựa trang nhất Le Figaro đánh dấu hỏi : Chirac, Sarkozy và Hollande bị NSA nghe lén ? Tờ báo nhắc lại không chỉ có Tổng thống, mà cả bộ trưởng lẫn nghị sĩ Pháp cũng bị theo dõi nghe lén.

Theo Wikileaks, NSA đã nghe lén ba Tổng thống Pháp Chirac, Sarkozy, Hollande từ 2006 đến 2012 - REUTERS /Stephane Mahe
Theo Wikileaks, NSA đã nghe lén ba Tổng thống Pháp Chirac, Sarkozy, Hollande từ 2006 đến 2012 - REUTERS /Stephane Mahe
Quảng cáo

Đặc biệt Libération, tờ báo với sự họp tác của WiliLeaks, đăng lại những ghi chú cho thấy Washington đã nghe lén. Tờ báo dành 10 trang cho sự kiện, với ảnh 3 vị tổng thống Pháp trên trang đầu với dòng tựa ngắn : « Bị nghe lén ». 

Ở các trang trong Libération đăng lại các báo cáo của NSA, về những buổi họp kín của ông Hollande về khủng hoảng vùng đồng euro và Hỵ Lạp, tháng 5/2012, về nỗ lực hòa giải của ông Sarkozy liên quan đến Israel Palestine năm 2011, hay cách thức vận động của ông Chirac, năm 2006, để một đặc sứ Liên Hiệp Quốc về Trung Cận Đông, Roed–Larsen, mà Paris ủng hộ, giành được chiếc ghế Phó Tổng thư ký của định chế này. 

Libération cho là để nghe lén điện thoại lãnh đạo Pháp, một đơn vị tình báo đặc biệt chuyên thu thập thông tin – SCS (Special Collection Service ) được đặt tại đại sứ quán Mỹ, ở Quảng trường Concorde, Paris. Vị trí rất tốt vì chỉ nằm cách vài trăm mét nào là Điện Elysée, bộ Nội vụ, bộ Ngoại giao, nào là Quốc hội Pháp... và nhiều đại sứ quán khác. 

Libération còn nhìn về phía Đức, mỉa mai bà Merkel : ‘Người nghe trôm lại bị nghe lén’. Tờ báo Pháp nhắc lại sự kiện là điện thoại Thủ tướng Đức đã bị NSA nghe lén, nhưng từ 2 năm qua thì bà Merkel cũng bị dính vào xì căn đan tình báo Đức hoạt động cho Mỹ, nghe trôm bộ Ngoại giao Pháp, các tập đoàn, trong đó có Airbus. Dĩ nhiên không chỉ có Pháp mà nhiều nước Châu Âu cũng bị nghe trộm. 

Trong bài xã luận tựa đề Nghi kỵ, Libération nhận định : « NSA theo dõi mọi người, bạn cũng như thù, CIA tuyển mộ người trong guồng máy của các đồng minh cũng như địch thủ, đó là những điều không còn làm ai ngạc nhiên. Nhưng cũng không nên tỏ ra quá ngây thơ : Pháp cũng làm như vây, nhưng ở mức độ kém hơn, vì phương tiện không bằng. » 

Tuy nhiên những tài liệu vừa công bố có tính chất khác : Lần đầu tiên có được bằng chứng không thể chối cãi là ít ra từ năm 2002, Hoa Kỳ giám sát, theo dõi thế giới, cả đến các cuộc nói chuyện riêng tư của các Tổng thống Pháp. 

Đối với Libération ai cũng biết thái độ nghi kỵ của Mỹ đối với đồng minh Pháp, nhưng phải thấy có một sự khác biệt rất lớn giữa việc tìm hiểu chương trình hạt nhân của Pháp, với việc đặt nghe điện thoại di động riêng của ông Sarkozy hay ông Hollande. 

Nếu cư xử như thế thì có nghĩa là đồng minh hay kẻ đối nghịch không có gì khác nhau, có thể hoàn toàn ‘chơi xỏ’ như nhau. Mỹ thu thập hàng khối thông tin chỉ vì có đủ phương tiện để làm như thế. Điều này không hay cho quan hệ hai nước. 

Báo Les Echos trên sự kiện này chú ý đến phản ứng mạnh mẽ của tầng lớp chính trị lên án các vụ nghe trộm và đợi xem cách hành xử của chính quyền. 

Tờ báo nêu hai quan điểm, một mặt như phản ứng nhiều người cánh tả, không hiểu một nước như Hoa Kỳ đặt lên hàng đầu quyền tự do cá nhân lại có thể vi phạm, chà đạp nó như vậy. Quan điểm khác thì cho là không quá ngạc nhiên, vì NSA có phương tiện thâm nhập vào các hệ thống điện thoại, internet, để tim hiểu người ta nghĩ gì, nói gì, thì tại sao họ lại không làm ? Điều này nghiêm trọng, nhưng có thể lường trước được. 

Trung Quốc mua A330 của Airbus  

Liên quan đến Châu Á hôm nay, báo Les Echos chú ý đến chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường kể từ cuối tuần tới. 

Đây có thể là dịp để Airbus bán từ 50 đến 70 chiếc A330. Tờ báo cho biết là Airbus đã thương lượng hợp đồng này từ một năm rưỡi qua một cách khá gay go. Nếu hợp đồng được đúc kết thì đây là dịp để nâng mức sản xuất cho loại A330, vẫn không nhiều khách hàng. 

Tuy nhiên theo Les Echos đối với Airbus, hợp đồng với số lượng máy bay đặt mua nói trên quá ít so với mong đợi. Airbus đã nhắm đến 200 chiếc A330 cho thị trường Trung Quốc. 

Quốc hội Athens nắm số phận Hy Lạp và Thủ tướng Tsipras  

Cũng trên bình diện kinh tế, hồ sơ Hy lạp cũng là chủ đề thời sự nổi bật hôm nay. Le Monde dành tít lớn trang nhất loan báo : « Hy vọng một thỏa thuận với Hy Lạp ». 

Tờ báo điểm lại những sự kiện quan trọng vừa qua : Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã làm một số nhượng bộ, mở đường cho thỏa thuận với chủ nợ. Một thỏa thuận chung cuộc có thể được Ủy ban Châu Âu thông qua trong hai ngày họp 25 và 26/06. 

Tuy nhiên, Le Monde cũng nhắc lại giờ đây thì quyết định nằm trong tay Quốc hội Hy Lạp, Thủ tướng Tsipras như trao số phận cho các nghị sĩ, vì nếu không có sự ủng hộ của đa số cho thỏa thuận nói trên, thì ông sẽ từ chức. 

Cho nên báo Le Figaro trong một hàng tựa trang nhất nói đến ‘Tsipras kẹt giữa gọng kềm Châu Âu và phe đa số của ông, vì nếu thỏa thuận được đúc kết vào cuối tuần, thì Thủ tướng Hy Lap phải đua ra Quốc hội để thông qua. 

Nhưng chuyện không đơn giản : Cánh tả của Thủ tướng cực lực phản đối các nhượng bộ và tố cáo ‘một cuộc thảm sát xã hội’. Cho nên cũng như đồng nghiệp Le Monde, Le Figaro nhìn thấy số phận của Hy Lạp và của ông Alexis Tsipras nằm trong tay những người ‘bất tuân’ ở Quốc hội. 

Hamburger Big Mac – phương tiện đo lường sức mua ? 

Trong tình cảnh kinh tế khó khăn, hiện nay, báo Les Echóc một mặt lược nhìn tình hình Châu Âu nói chung và so sánh Pháp với các láng giềng. 

Nhìn chung, trong khủng hoảng hiện nay thì Pháp dĩ nhiên là không vững bằng Đức, kinh tế vào năm nay được vực dậy tốt hơn, nhờ Đức thâm nhập tốt hơn thị trường các nước đang trỗi dậy và do dân số đôi chút giảm đi. So với các nước Ý, Tây Ban Nha và ngay cả Anh, thì Pháp ít bị tác động hơn trong cuộc khủng hoảng, nhưng về sức bật dậy của kinh tế thì Anh và Tây Ban Nha phục hồi nhanh hơn vào năm nay, 2015. 

Trong bối cảnh kinh tế này Les Echos so sánh sức mua của người Pháp với một ví dụ lý thú : Phải làm việc trong bao lâu để mua được một chiếc bánh hamburger ‘Big Mac’ ? 

Tờ báo nói đến chỉ số Big Mac : tức là khoảng thời gian làm việc cần thiết tính bằng phút để mua một được chiếc hamburger ‘Big Mac’ của hiệu ăn nhanh Mc Donald, và tính trên cơ sở lương trung bình. 

Tại sao dựa trên bánh hamburger Big Mac ? Les Echos trích dẫn các kinh tế gia của công ty quản lý UBS Wealth Management, đưa ra chỉ số trên, vì đây là sản phẩm mà cả thế giới đều biết, đều mua, cho nên có thể so sánh cũng như Coca Cola hay là iPhone. 

Theo bản so sánh của UBS Wealth Management thiết lập so sánh thời gian từ 2006 đến 2012, thì vào năm 2012, một người Pháp ở Paris phải làm việc đến 16 phút mới mua được chiếc bánh, người Đức ở Frankfurt, thì 15 phút. Người ở Roma làm việc lâu hơn : 23 phút, còn ở Hy Lạp thì cả nửa tiếng đồng hồ : 30 phút. Trong khi đó thì một người Nhật ở Tokyo chỉ cần 9 phút. 

Còn nếu để mua một chiếc iPhone, một người ở Paris cần làm đến 43,5 tiếng đồng hồ. Một người Pháp ở Lyon phải làm nhiều hơn đến cả 9 tiếng đồng hồ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.