Vào nội dung chính
Tạp chí kinh tế

Pháp : Giảm thuế để dẹp phong trào Áo Vàng ?

Đăng ngày:

Ngày 25/04/2019, tổng kết ba tháng cuộc thảo luận toàn quốc, tổng thống Pháp thông báo nhiều biện pháp với hy vọng chấm dứt các cuộc xuống đường vào mỗi thứ Bảy hàng tuần của người Áo Vàng. Giảm thuế và tăng sức mua cho người dân có hy vọng đem lại hiệu quả ? Thâm hụt ngân sách của chính phủ Pháp có nguy cơ tăng cao.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại điện Elysée, Paris, ngày 25/04/2019.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại điện Elysée, Paris, ngày 25/04/2019. REUTERS/Philippe Wojazer
Quảng cáo

Phong trào phản kháng của một bộ phận công luận Pháp được biết dưới tên gọi "Áo Vàng" bùng lên từ giữa tháng 11/2018. Gần nửa năm sau, tổng thống Emmanuel Macron phác họa ra 5 hướng đi nhằm tái lập ổn định trong xã hội. Năm hướng đi đó gồm : tăng sức mua cho người về hưu, cho những hộ gia đình có thu nhập thấp, đặc biệt là trường hợp của những người mẹ nuôi con một mình.

Kế tới là thông báo giảm 5 tỉ euro thuế thu nhập cho 15 triệu trong số 16,8 triệu hộ gia đình phải đóng thuế. Biện pháp này sẽ được áp dụng ngay từ đầu năm 2020. Vế thứ ba, điện Elysée cam kết duy trì các dịch vụ công cộng trên toàn lãnh thổ và hoãn lại kế hoạch giảm 120.000 chỗ làm trong guồng máy nhân sự của nhà nước.

Hướng đi thứ tư nhắm vào thể thức vận hành của một số định chế nhà nước mà mục đích sau cùng nhằm cho phép người dân tham gia nhiều hơn, có tiếng nói quan trọng hơn, vào các hoạt động chính trị : đây là một trong những đòi hỏi chính của phong trào Áo Vàng. Cuối cùng, tổng thống Macron trấn an công luận : chống biến đổi khí hậu vẫn là một ưu tiên của Paris từ sau thượng đỉnh về môi trường COP 21 năm 2015.

Tăng thêm sức mua

Kể từ khi phong trào Áo Vàng bùng phát hôm 17/11/2018, Emmanuel Macron đã hai lần bước lên tuyến đầu. Lần trước là hôm 10/12/2018 sau đợt bạo động đầu tiên trên đại lộ Champs-Elysées, nhiều cửa hàng và nhất là Khải Hoàn Môn bị một số người biểu tình đập phá. Nhiều nhà bình luận cho rằng ngay từ tháng 12 năm ngoái, tổng thống Pháp đã nhượng bộ, thông báo rút lại thuế xăng dầu dự trù áp dụng từ ngày 01/01/2019. Loại thuế này được đặt ra nhằm tài trợ cho tiến trình chuyển đổi năng lượng, thay thế năng lượng hóa thạch bằng năng lượng tái tạo, giảm thiểu hiệu ứng nhà kính.

Những biện pháp khẩn cấp khác được ông Macron loan báo hồi tháng 12 năm ngoái là tăng mức lương tối thiểu của Pháp, giảm thuế CSG đóng góp cho các quỹ an sinh xã hội đánh trên mức lương hưu của những người có thu nhập thấp và miễn thuế trên các khoản tiền thưởng cuối năm. Cùng ngày, nguyên thủ Pháp thông báo mở một cuộc thảo luận toàn quốc kéo dài trong ba tháng, lấy ý kiến của người dân về chính sách thuế khóa, về mô hình xã hội, chính trị... cho nước Pháp mà họ muốn xây dựng. Đích thân ông đã tham gia vào một số các cuộc thảo luận này.

Cuộc thảo luận trên toàn quốc này đã kết thúc vào cuối tháng 3/2019. Tổng thống Macron một lần nữa ra trước quốc dân và thông báo những hướng đi mới cho ba năm còn lại trong nhiệm kỳ.

Giảm thuế và thu hẹp bất công xã hội là hai trong số nhiều mối trăn trở của những người đã tham gia vào các cuộc thảo luận toàn quốc (Le Grand Débat). Về hai điểm này, chủ nhân điện Elysée đặc biệt chú ý đến hoàn cảnh của người già và phụ nữ một mình nuôi con. Với hai thành phần ấy, Emmanuel Macron bảo đảm lương hưu sẽ được tăng theo thời giá, và nhà nước hỗ trợ cho những người mẹ đơn thân.

Nhìn rộng ra hơn, chính phủ dự trù giảm 5 tỉ euro thuế thu nhập cho 15 triệu hộ gia đình. Theo thẩm định của bộ Tài Chính, trung bình mỗi hộ gia đình bớt được 300 euro tiền thuế cho cả năm 2020. Để so sánh, năm 2018, 16,8 triệu hộ gia đình tại Pháp phải đóng 73 tỉ euro thuế thu nhập.

Bất bình vì chính sách thuế khóa của Pháp là một trong những động cơ đẩy hàng chục ngàn người và thậm chí là có lúc là hàng trăm ngàn người Áo Vàng xuống đường vào mỗi thứ Bảy từ gần nửa năm qua. Do vậy, giáo sư kinh tế Jean-Marc Daniel, trường Cao Đẳng Ngoại Thương ESCP Europe cho rằng, qua việc giảm thuế nói trên, điện Elysée đã đáp ứng đòi hỏi của những người phẫn nộ vì sưu cao thuế nặng.

Jean-Marc Daniel : « Tôi cho rằng đây là câu trả lời của tổng thống Macron. Do khởi điểm của phong trào Áo Vàng là một cuộc nổi dậy chống sưu cao thuế nặng. Nhìn vào các phong trào đấu tranh xã hội tại Pháp từ 50 năm qua, đây là lần đầu tiên xung khắc không nằm ở giữa một bên là giới chủ và bên kia là người lao động. Người xuống đường không đấu tranh đòi chủ tăng lương. Từ hơn 5 tháng qua, mọi phẫn nộ tập trung vào chính phủ, vào chính sách thuế khóa của nhà nước vốn đã được áp dụng từ năm 2011. Thành thử trong bài diễn văn hôm 25 tháng Tư vừa qua ông Macron đáp ứng đòi hỏi của phe Áo Vàng là xóa bỏ chính sách tăng thuế để chống biến đổi khí hậu - và đừng quên rằng đây là đòi hỏi đầu tiên hết của phong trào Áo Vàng.

Có điều đây cũng là lần đầu tiên, người dân xuống đường với rất nhiều những đòi hỏi khác nhau ngay cả giữa những người Áo Vàng thành thử, chính phủ khó có thể làm mọi người hài lòng cùng một lúc. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, giải pháp tổng thống Macron đề xuất chưa thỏa đáng, và có lẽ chúng ta đi nhầm đường. Bởi vì điều quan trọng đối với nước Pháp hiện tại là tạo ra tăng trưởng, là sản xuất. Để đạt được hai mục tiêu đó, chúng ta cần giảm thuế cho doanh nghiệp ».

Về phần chuyên gia Céline Antonin thuộc Đài Quan Sát về Tình Hình Kinh Tế Pháp (OFCE) bà không cho rằng chính phủ Pháp đang chuyển hướng, dành ưu tiên cho các hộ gia đình mà lơ là với các doanh nghiệp :

Céline Antonin : « Từ năm 2011 đến nay, thuế đánh vào các hộ gia đình đã tăng thêm ba điểm, đang từ 25 % nhảy vọt lên quá 28 %. Thuế doanh nghiệp có tăng nhưng không nhanh bằng. Nói cách khác, trong bảy năm qua các chính quyền liên tiếp thường xuyên hỗ trợ doanh nghiệp, tạo đà cho khu vực sản xuất và đúng là các hộ gia đình bị bỏ rơi. Tuy nhiên ở Pháp, thành phần trung lưu bị thiệt thòi hơn cả, vì thu nhập của họ quá cao để được miễn thuế hay được giảm thuế. Nhưng họ lại không thuộc diện giàu có đến mức để được hưởng điều khoản giảm thuế ISF, tức là thuế đánh vào những thành phần giàu có nhất ».

Cốc nước nửa đầy hay nửa vơi ?

Một số các nhà đấu tranh và kể cả nhiều chuyên gia kinh tế tả khuynh lưu ý rằng, tại Pháp, chỉ có 43 % các hộ gia đình phải đóng thuế thu nhập. Ngược lại thuế trị giá gia tăng TVA đè nặng lên tất cả những người tiêu dùng, bất luận giàu nghèo. Đó mới là biện pháp gây bất công trong xã hội. Trả lời trên đài tuyền hình France 24, nghị viên châu Âu Isabelle Thomas, thuộc cánh tả (Génération S), kêu gọi chính phủ Pháp giảm thuế TVA.

Tuy nhiên vào lúc mà tranh luận về thế nào là một chính sách thuế khóa công bằng thách thức cấp bách hơn đối với chính phủ là lấy đây ra 5 tỉ euro để bù vào khoản thuế giảm cho các hộ gia đình, tránh để cán cân chi tiêu của nhà nước bị thâm hụt ?

Nhìn rộng ra hơn, nhiều viện nghiên cứu của Pháp thẩm định rằng, Paris cần khoảng từ 25 đến 30 tỉ euro để tài trợ những thông báo của ông Macron hồi tháng 12/2018 và hôm 25/04/2019. Liệu Pháp có chấp nhận để thâm hụt ngân sách vượt quá ngưỡng 3 % GDP như quy định của khối euro hay không ? Paris có chiếc đũa thần nào để cân bằng ngân sách ?

Emmanuel Macron trong bài phát biểu tối 25/04/2019 đã phần nào đưa ra câu trả lời. Ông đề nghị "tăng giờ làm việc" qua đó tăng thêm khả năng sản xuất của mỗi người lao động, lương của họ nhờ vậy tăng theo. Giải pháp thứ nhì là chính phủ sẽ cắt giảm bớt một số những ưu đãi thuế khóa mà tới nay nhiều ngành nghề vẫn được hưởng. Nhưng cả hai giải pháp này đều vấp phải nhiều trở ngại. Thí dụ như nhiều người nghi ngờ trước đề nghị tăng giờ làm việc, trong lúc tỉ lệ thất nghiệp tại Pháp đang rất cao, từ 9 đến 9,5 %.

Khủng hoảng Áo Vàng không chỉ là vấn đề tiền bạc ?

Nhưng như giáo sư Jean-Marc Daniel trường Cao Đẳng Ngoại Thương ESCP Europe vừa giải thích : đây là lần đầu tiên từ nửa thế kỷ qua, phong trào xuống đường tại Pháp lần này không phải là một cuộc đối đầu vì đồng lương hàng tháng. Ngoài những đòi hỏi giảm thuế, người Áo Vàng còn muốn được đối xử "công bằng hơn" về mọi mặt.

Họ bất mãn trước cảnh các dịch vụ công cộng từ trường học đến bưu điện hay bệnh xá, nhà hộ sinh... cứ lần lượt bị đóng cửa ở những vùng thôn quê. Chỉ cần đi xa các thành phố lớn chừng vài chục cây số, là đủ nhận thấy rằng các dịch vụ giao thông công cộng không được bảo đảm. Người Áo Vàng cũng đòi được tham gia nhiều hơn vào các hoạt động chính trị ở mọi cấp...

Đấy mới là cốt lõi của vấn đề dẫn tới các cuộc xuống đường, hay chiếm đóng các bùng binh từ hơn 20 tuần qua. Có lẽ ý thức được điều này, tổng thống Macron một mặt đề xuất những biện pháp mang tính chữa cháy – như vừa nêu, nhưng đồng thời tập trung vào mục đích thu hẹp những bất công và bất bình đẳng trong xã hội. Điều này giải thích phần nào việc điện Elysée hoãn chương trình cắt giảm nhân sự trong các cơ quan nhà nước và cam kết không đóng cửa thêm các trường học. Giáo dục và đào tạo theo ông là phương tiện để mọi người có cơ hội thăng tiến như nhau.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.