Vào nội dung chính
LIBYA - ĐỨC - LIÊN HIỆP QUỐC

Thượng đỉnh vãn hồi hòa bình Libya khai mạc tại Berlin

Dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, hội nghị quốc tế với mục tiêu chấm dứt cuộc chiến tại Libya, khai mạc vào Chủ Nhật 19/01/2020 tại Berlin.

Hội nghị Hòa bình cho Libya diễn ra tại phủ thủ tướng Đức, ngày 19/01/2020.
Hội nghị Hòa bình cho Libya diễn ra tại phủ thủ tướng Đức, ngày 19/01/2020. REUTERS/Hannibal Hanschke
Quảng cáo

Tất cả những tác nhân chính trong cuộc khủng hoảng này đều có mặt : từ các tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp cho đến đại diện của Mỹ, Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ may đạt được kết quả rất mong manh.

Trên chiến trường, hai bên đối nghịch gia tăng sức ép. Tướng Haftar, do Nga ủng hộ, phong tỏa các điểm xuất khẩu dầu hỏa. Ankara, cùng với chiến binh đánh thuê Syria, hậu thuẫn chính phủ trung ương, cảnh báo nguy cơ Deach nổi dậy nếu thủ tướng Fayes El-Saraj bị lật đổ. Ngay chính phủ nước chủ nhà là Đức cũng tỏ thái độ thận trọng.

Vì sao ? Từ Berlin, đặc phái viên Liza Fabbian phân tích :

« Mục tiêu của hội nghị Berlin rất rõ ràng : Trước hết là phải củng cố cuộc ngưng bắn tại Libya có hiệu lực kể từ 12/01 nhưng theo đặc sứ Liên Hiệp Quốc Ghassam Salamé thì đây chỉ là một hình thức hưu chiến mà thôi (vì chưa có chữ ký của tướng Haftar).

Liên Hiệp Quốc muốn tiến xa hơn với một thỏa thuận cách ly hai phe đối nghịch, tái bố trí vũ khí nặng và cùng lúc thương lượng phân chia tài nguyên quốc gia… Một nguồn tin ngoại giao Pháp cho rằng, để đạt được mục tiêu này, « mỗi bên cần phải có tinh thần trách nhiệm ».

Thế nhưng, vào thời điểm này, cơ may tìm được đồng thuận tại Berlin rất mong manh. Cho đến bây giờ, tướng Haftar, thủ lĩnh phe nổi dậy ở miền đông, từ chối triệt thoái lực lượng đã áp sát cửa ngỏ thủ đô Tripoli. Trong khi đó, thủ tướng Fayes El-Saraj tuyển mộ lính đánh thuê người Syria làm dậy lên mối lo ngại.

Mục tiêu thứ hai, cũng theo đặc sứ Liên Hiệp Quốc, là phải chấm dứt tình trạng các thế lực nước ngoài can thiệp vào Libya. Theo nhà phân tích Jalel Harchaoui, thượng đỉnh Berlin là cơ hội thật sự để huy động mọi phương tiện ngoại giao sẵn có hầu kết thúc cuộc chiến Libya. Tuy nhiên, cũng có nguy cơ hội nghị không thông qua được những biện pháp trói buộc nào ngoài những lời kêu gọi vô vọng. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.