Vào nội dung chính
ISRAEL - PALESTINE

Kế hoạch hòa bình Cận Đông : Các vấn đề mấu chốt của xung đột Israel - Palestine

Thứ Ba, 28/01/2020, bên cạnh thủ tướng Israel, Benyamin Netanyahou, nhưng vắng các lãnh đạo Palestine, tổng thống Mỹ Donald Trump công bố bản kế hoạch hòa bình nổi tiếng của ông cho vùng Cận Đông.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong buổi họp thông báo Kế hoạch Hòa bình cho Cận Đông tại Nhà Trắng, Washington, ngày 2/01/2020.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong buổi họp thông báo Kế hoạch Hòa bình cho Cận Đông tại Nhà Trắng, Washington, ngày 2/01/2020. MANDEL NGAN / AFP
Quảng cáo

Bản kế hoạch chi tiết trong một tập tài liệu dài 181 trang dành một phần lớn cho Israel và phá vỡ mọi tham chiếu quốc tế để giải quyết xung đột Israel – Palestine. Nhà báo Muriel Paradon đài RFI tóm lược 5 ý chính của bản kế hoạch.

■ Giải pháp hai nhà nước

Donald Trump hứa hẹn với người dân Palestine sẽ có một Nhà Nước, nhưng với các điều kiện. Người dân Palestine sẽ phải thuận theo những yêu cầu về an ninh của Israel, không được trả tiền cho các tù nhân bị Israel giam giữ hay cho các gia đình của những kẻ « tử vì đạo », mà Israel xem như là những tên « khủng bố ».

Chính quyền Palestine sẽ phải hạn chế mọi cuộc vận động trước các định chế quốc tế, như Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, đề ra những quy tắc điều hành. Ngược lại, chính quyền Israel cam kết không mở rộng các khu định cư. Nhà nước Palestine tương lai sẽ bị phi quân sự hóa và bị mất nhiều phần lãnh thổ quan trọng cho Israel.

■ Các khu định cư

Các khu định cư tại Cisjordani sẽ bị sáp nhập vào Israel. Như vậy, Donald Trump đã bảo đảm được mong muốn của cánh hữu dân tộc chủ nghĩa, trong khi mà những khu định cư này nằm trong vùng bị chiếm đóng là bất hợp pháp chiểu theo luật quốc tế.

Việc mở rộng các khu định cư đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hơn 400.000 dân di cư hiện đang sinh sống tại vùng Cisjordani. Vùng thung lũng Jourdain, dải đất rộng chiến lược ở biên giới với Jordani, giờ thuộc về chủ quyền Israel.

■ Dải Gaza

Vùng đất lọt thỏm của Palestine sẽ bị phi quân sự hóa. Những phong trào mà Israel xem như là « khủng bố » như phe Hamas hiện đang kiểm soát dải Gaza cũng như là phe Hồi Giáo cực đoan Jihad, sẽ phải giao nộp vũ khí. Donald Trump còn cho rằng người dân Palestine đang sinh sống trên dải Gaza bị làm con tin và buộc phải sống trong cảnh nghèo khổ.

Nếu các điều kiện được hội đủ, ông cam kết rằng người dân trên dải Gaza có thể sẽ có một cảng và nhiều cơ sở hạ tầng kinh tế kể cả trên vùng lãnh thổ của Israel. Đây là phần trong mảng lớn về kinh tế được trình bày trong kế hoạch hòa bình. Cuối cùng, trong khuôn khổ thành lập một Nhà Nước Palestine tương lai, dải Gaza rất có thể sẽ được kết nối với vùng Cisjordani bằng một đường tầu cao tốc.

■ Jérusalem

Jérusalem sẽ là thủ đô của Israel và sẽ không thể bị chia cắt. Donald Trump giữ nguyên lập trường mà ông đã đưa ra hồi cuối năm 2017 khi công nhận việc chiếm đóng và sáp nhập Đông Jérusalem của Israel, vốn dĩ vi phạm hoàn toàn luật quốc tế.

Từ nhiều thập niên qua, một đồng thuận đã được lập ra sao cho quy chế Jerusalem phải được quyết định trong khuôn khổ các cuộc đàm phán hòa bình, bởi vì người Palestine cũng đòi Đông Jerusalem như là thủ đô của Nhà Nước Palestine tương lai. Trong bản kế hoạch hòa bình của mình, nguyên thủ Mỹ đề nghị rõ một thủ đô cho Palestine, nhưng phải nằm sau bức tường hay rào chắn an ninh hiện nay, nghĩa là ở những ngoại ô của Jérusalem.

Liên quan đến những điểm thánh địa, kế hoạch của Mỹ đề xuất việc giữ nguyên trạng. Tuy nhiên, một sự thay đổi có quy mô lớn được đề cập đến bởi vì Donald TRump muốn có một quyền cầu nguyện cho tất cả mọi người tại Khu Thành các đền thờ Hồi Giáo, mà người Do Thái xem đấy như là ngọn Núi Đền của họ. Hiện tại, duy chỉ có người Hồi Giáo là được đến đấy cầu nguyện. Người Do Thái, thì có Bức Tường Than Khóc. Đây là cội nguồn của mọi căng thẳng và bạo lực trong quá khứ.

■ Người tị nạn

Hơn 700.000 người dân Palestine buộc phải chạy trốn khi nhà nước Israel được thành lập năm 1948. Ngày nay, Liên Hiệp Quốc thống kê có hơn 5 triệu người tỵ nạn trên toàn thế giới. Israel luôn từ chối cho phép người Palestine trở về. Kế hoạch của Mỹ củng cố quan điểm này của Israel : Không thể trở về lãnh thổ Israel.

Người tỵ nạn sẽ phải chọn giữa việc đến với Nhà Nước Palestine tương lai, ở lại nơi họ đang sinh sống (chủ yếu ở Liban, Jordani, Syria và tại những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng) hay chọn một nước thứ ba. Hoa Kỳ, sau khi đã ngưng đóng góp tài chính cho UNRWA, cơ chế của Liên Hiệp Quốc vì người tị nạn Palestine, cam kết vận động quốc tế hỗ trợ tài chính.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Chia sẻ :
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.