Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Ý, Pháp trên tuyến đầu chống dịch virus corona

Đăng ngày:

Dịch viêm phổi do virus corona chủng mới (Covid-19) hiện đang lan ra ngày càng nhiều nước trên thế giới, riêng tại châu Âu, hai quốc gia láng giềng Ý, Pháp đang đứng trên tuyến đầu trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh này.

Du khách ngoại quốc đeo khẩu trang tại quảng trường Duumo, Milan. Ảnh chụp ngày 27/02/2020
Du khách ngoại quốc đeo khẩu trang tại quảng trường Duumo, Milan. Ảnh chụp ngày 27/02/2020 Reuters
Quảng cáo

Với hơn 400 ca lây nhiễm và 12 người chết (tính đến ngày 27/02), Ý hiện là quốc gia bị nặng nhất ở châu Âu và dĩ nhiên virus corona này đang là chủ đề thời sự hàng đầu tại Ý, kể cả tại Napoli, qua bài phóng sự của thông tín viên Juliette Gheerbrant từ thành phố này :

« Tại Napoli, ở các cửa hiệu, ở bưu điện, hay như tại quầy báo của Massimiliano Brancaccio, nằm gần hoàng cung, ai cũng nói đến virus corona. Ông nói : « Đúng là ai cũng nói đến con virus này, nhưng tình hình hiện còn khá yên tĩnh, chưa có không khí hoảng loạn ».

Người dân Napoli này chỉ hơi quan ngại cho y tế công cộng, nhưng lo nhiều nhất cho chuyện làm ăn của ông, cho dù hiện giờ khách vẫn đến mua bình thường :

« Hiện giờ thì chưa, nhưng từ đây đến khoảng 1 tháng nữa, chắc là chúng ta sẽ thấy những tác động đầu tiên. Tôi hy vọng sẽ không có, nhưng làm sao mà biết được ! »

Còn đối với Annalisa Cicala, chủ một khách sạn nhỏ, mọi người nói quá nhiều về con virus này. Bà nói : « Tôi thấy việc báo chí đưa tin ồ ạt về tình hình dịch bệnh sẽ gây tác hại cho hoạt động của chúng tôi và cho toàn bộ nền kinh tế của đất nước ».

Một số người dân như Peggy, đang đẩy em bé đi dạo, lúc nào cũng mang theo trong người một lọ nước khử trùng. Trên cửa hiệu thuốc ở đường Toledo có dán thông báo : Hết khẩu trang và gel khử trùng.

Chủ hiệu thuốc Guido Rapana lưu ý : « Người ta hỏi các thông tin về sự lây lan và về nguy cơ dịch bệnh trở nên phức tạp hơn. Họ cũng hỏi mua những phương tiện bảo hộ : khẩu trang, gel khử trùng. Tôi nghĩ là mối lo ngại này là quá đáng so với tình hình thực tế ».

Nhưng ông nhấn mạnh những người rất yếu hoặc đã mắc bệnh thì nên rất thận trọng. Tính đến chiều thứ năm 27/02, số ca lây nhiễm ở Ý đã lên tới 428 và dịch bệnh đã lan tới hơn 10 vùng ».

Tác động đối với kinh tế Ý

Tuy không lo ngại về những hậu quả lâu dài của dịch Covid-19, nhưng trả lời RFI Pháp ngữ ngày 25/02/2020, giáo sư kinh tế học Francesco Daveri, thuộc đại học Bocconi của Ý, cho rằng dịch bệnh này sẽ có tác động lên nền kinh tế Ý, đặc biệt là lên ngành du lịch :

« Chẳng hạn như số khách du lịch đến Venise đã giảm đáng kể. Một vài số liệu cho thấy là số du khách trong thời điểm này của năm đã giảm hơn phân nửa so với mức bình thường. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho các khách sạn, nhà hàng, các hãng hàng không, tàu bè, cũng như cho ngành sản xuất hàng hóa của Ý. Du khách đến Venise đôi khi cũng ghé qua Milano để mua quần áo hàng hiệu « Made in Italy ».

Thật ra thì những số liệu mà tôi nói đến là những số liệu đã có trước khi khủng hoảng dịch thêm trầm trọng. Như vậy là những diễn biến mới nhất sẽ khiến những tác động nói trên thêm nặng nề.

Còn tác động đối với thị trường nội địa thì sẽ ít hơn. Ví dụ như với việc đóng cửa các trường đại học, các quán bar sẽ ít khách hơn, các siêu thị sẽ bớt người đi mua sắm. Tác động như vậy sẽ không nặng bằng tác động do việc số du khách ngoại quốc sụt giảm ».

Pháp : Viện Các bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải đối phó dịch

Trong khi đó, tại Pháp, tính đến ngày 27/02, số ca lây nhiễm virus corona đã tăng vọt lên thành 38 ca, bao gồm hai người chết, một người Pháp và một người Trung Quốc. Mười hai người trong số đó đã được chữa khỏi, và 24 người hiện vẫn nằm viện.

Nằm tại Marseille, Viện Các bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải là viện duy nhất ở châu Âu có khả năng đối phó với các dịch bệnh như virus corona, vì tại viện này có các đơn vị chuyên xét nghiệm, nghiên cứu, điều trị mọi loại bệnh truyền nhiễm.Sau đây là phóng sự của Stéphane Burgatt tại viện này hôm 27/02 :

« Trong các phòng xét nghiệm, toàn bộ máy móc thiết bị chạy hết công suất. Trong những ngày qua, nhiều bệnh nhân đã tự động đến đây để được xét nghiệm, theo lời nhà vi sinh học Pierre Edouaud Fournier :

« Chúng tôi tiếp nhận nhiều người đến xét nghiệm vì họ có những triệu chứng về đường hô hấp, đặc biệt là những người từ Ý về. Mỗi ngày có khoảng bốn mươi người như vậy. Đây là các mẫu xét ngiệm của một người vừa từ Ý trở về. Ông thấy đấy : các mẫu xét nghiệm này được đựng trong các ống đậy thật kín, được tiệt trùng, để sau đó được xét nghiệm phát hiện virus ».

Trong khoảng 2 tiếng nữa sẽ có kết quả xét nghiệm. Trong thời gian phân tích, đó những người đến xét nghiệm được đưa đến một khu riêng. Hiện chưa có ca dương tính nào, nhưng nếu có thì mọi thứ đã được chuẩn bị cho tình huống này, theo lời ông Pierre Edouard Fournier :

« Chúng tôi hoàn toàn tự lập trong việc xử lý từ A đến Z các ca lây nhiễm. Những người này sẽ được chuyển lên tầng 3 bằng một thang máy riêng. Họ sẽ không tiếp xúc với nhân viên bệnh viện cũng như với các bệnh nhân khác. Họ sẽ nằm trong các phòng riêng để được quan sát, điều trị cho đến khi khỏi hoàn toàn.

Hiện giờ, để điều trị bệnh nhân nhiễm virus corona, người ta dự trù dùng thuốc chống sốt rét. Viện Các bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải đã trữ rất nhiều thuốc này ».

Pháp : Chống kỳ thị người gốc Á

Dịch virus corona mới, Covid-19, có vẻ đang bắt đầu lan rộng ở Pháp và điều này rất có thể càng khiến tâm lý kỳ thị người châu Á thêm nặng nề ở Pháp, đến mức mà hiệp hội chống kỳ thị sắc tộc SOS Racisme vào đầu tuần đã phát động một chiến dịch thông tin trên báo chí để chống tâm lý kỳ thị người da vàng.

Trả lời RFI Pháp ngữ ngày 25/02/2020, ông Dominique Sopo, chủ tịch hiệp hội SOS Racisme, cho biết :

« Tình hình đã vượt qua một ngưỡng đáng ngại. Dĩ nhiên là không đợi đến khi có dịch virus corona những thành kiến đó mới bộc lộ. Nhưng đằng sau dịch bệnh này là mối lo ngại cố hữu về cái gọi là « thảm họa da vàng », thỉnh thoảng lại trỗi dậy. Chúng ta thấy rõ là cộng đồng châu Á lại bị xem là mối nguy hiểm mỗi khi có những dịch bệnh khiến dân Pháp lo ngại.

Dịch bệnh càng trầm trọng thì thái độ và hành động thù nghịch sẽ càng nhiều, trong khi vào lúc có những nguy cơ như thế này, lẽ ra mọi người phải biết tôn trọng nhân phẩm. Những người nào ít nhiều có ý thức về mối nguy đó phải đặc biệt cảnh giác không để phát triển trong xã hội một tâm lý thù nghịch đối với một thành phần nào đó trong dân chúng. Chiến dịch thông tin này nhằm mục đích nhắc nhở mọi người là, thay vì tỏ thái độ xua đuổi những người gốc châu Á, hãy nên tìm hiểu nhiều hơn về dịch bệnh, và đó là cách tốt nhất để chúng ta tự bảo vệ nếu dịch bệnh trở nên trầm trọng hơn ».

Chính phủ Nhật bị chỉ trích

Tại châu Á, ngoài Trung Quốc, dịch bệnh cũng đang lan nhanh ở nước láng giềng đông bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản. Riêng tại Nhật Bản, tính đến ngày 27/02, đã có 4 người chết vì virus corona, cộng thêm 4 người trên tàu du lịch Diamond Princess, tổng cộng là 8 ca tử vong. Trên lãnh thổ nước Nhật hiện đã có gần 200 ca lây nhiễm, ngoài gần 700 ca dương tính trên tàu Diamond Princess.

Hôm thứ Tư 26/02/2020, tại Quốc Hội, bộ trưởng Y Tế Nhật đã bị chỉ trích về việc đối phó với dịch virus corona mới, đặc biệt là về việc cách ly các hành khách trên tàu du lịch Diamond Princess. Từ Tokyo, thông tín viên Frédéric Charles gởi về bài tường trình :

« Chính phủ Nhật bị chỉ trích đã không tiếp tục cách ly những công dân của mình, này cho dù họ có phản ứng âm tính khi rời khỏi tàu du lịch để xuống cảng Yokohama. Nhật Bản đã để cho những hành khách này trở về nhà trên các phương tiện chuyên chở công cộng và chỉ khuyên họ mang khẩu trang và tránh gặp người khác. Hiện giờ, có ít nhất hai trong số những người này được xác nhận có nhiễm bệnh, sau khi cho kết quả âm tính trước lúc rời tàu. Khoảng 40 người khác có một số triệu chứng nghi là do virus Covid-19.

Chính phủ Tokyo bị chỉ trích đã không biết ngăn ngừa sự lây lan của virus ra toàn lãnh thổ nước Nhật. Ít nhất 164 người đã bị lây nhiễm. Tại vùng ngoại ô Tokyo, một nữ giáo viên vùng ngoại vi có một vài triệu chứng nhiễm virus corona, đã đi đến trường ngay cả sau khi đã được nhập viện. Trường của cô này đã bị đóng cửa ».

Ấn Độ : Bạo động tôn giáo tiếp diễn

Vào đầu tuần này, tổng thống Mỹ Donald Trump đã viếng thăm chính thức Ấn Độ trong hai ngày 24 và 25/02/2020. Nhưng đúng vào tối 24/02, chỉ cách khách sạn của ông ở New Delhi vài km, ở phía đông bắc thủ đô Ấn Độ, bạo động lại bùng nổ giữa hai cộng đồng Ấn Độ Giáo và Hồi Giáo. Nguyên nhân vẫn là đạo luật mới về quốc tịch gây nhiều tranh cãi tại Ấn Độ.

Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis gởi về bài tường trình hôm 25/02 :

« Nhiều cửa hiệu, trạm xăng và xe hơi bị đốt cháy, hàng chục ngàn người bị đánh đập và bị thương nặng. Khu vực phía đông bắc New Delhi chìm trong khói lửa và đến sáng nay xung đột vẫn tiếp diễn. Các vụ bạo động này xảy ra tại một khu có đông người Hồi Giáo, nơi mà căng thẳng đã dâng cao trong hai ngày qua.

Một bên là những nhóm chống luật mới về quốc tịch, chủ yếu là những người Hồi Giáo. Họ dự định tiến hành một cuộc tọa kháng mới, để phản đối một đạo luật đề ra những tiêu chuẩn về tôn giáo trong việc xét cấp quốc tịch và qua đó loại trừ cộng đồng người Hồi Giáo. Bên kia là những nhóm Ấn Độ Giáo, với sự kích động của một lãnh đạo đảng cầm quyền BJP.

Điều đáng lo ngại là cảnh sát dường như đứng về phía những người Ấn Độ Giáo, không có hành động gì để ngăn chặn, thậm chí còn khuyến khích những người này, khi họ đốt phá các cửa hiệu của người Hồi Giáo. Cảnh sát New Delhi nằm dưới quyền bộ Nội Vụ Ấn Độ và bộ này nằm dưới sự lãnh đạo của những người Ấn Độ Giáo dân tộc chủ nghĩa cực đoan.

Cảnh sát đã bắt giữ một người đàn ông Hồi Giáo đã dám rút súng ra để chống trả. Hàng trăm lính thuộc lực lượng bán quân sự đã được gởi đến tăng viện cho lực lượng tại chỗ nhằm cố kiểm soát tình hình ».

Tính đến ngày 28/02, số người chết vì các vụ bạo động giữa hai cộng đồng ở New Delhi đã lên tới gần 20 người, và số người bị thương là gần 200 người. Thủ tướng Modi đã phải lên tiếng kêu mọi người giữ bình tĩnh.

Một nữ anh hùng của ngành không gian Mỹ qua đời

« Bà là một nữ anh hùng của nước Mỹ, một nhà tiên phong mà di sản sẽ đời đời được ghi nhớ ». Đó là tuyên bố của giám đốc Cơ quan Không gian Hoa Kỳ NASA, khi loan tin bà Katherine Johnson qua đời ngày 24/02/2020, thọ 101 tuổi. Nhà toán học người Mỹ gốc Phi đã góp phần quan trọng vào việc đưa những người đầu tiên lên Mặt trăng nhờ những tính toán của bà.

Sự nghiệp của Katherine Johnson thật sự khởi đầu vào năm 1953, khi bà tròn 35 tuổi, khi ba con gái của bà đều đã lớn. Với bằng cử nhân toán học trong tay, bà được tuyển dụng vào NACA, tiền thân của cơ quan NASA, với nhiệm vụ là dùng các tính toán của bà để… kiểm tra công việc của những người cấp trên. Vào thời gian đó, nước Mỹ còn phân biệt chủng tộc rất nặng nề, Katherine Johnson phải làm việc tách biệt với các đồng nghiệp da trắng, từ văn phòng, quán cà phê, cho đến nhà vệ sinh đều riêng biệt.

Chỉ đến khi cơ quan NASA được thành lập vào năm 1958, các nhà toán học da đen và da trắng bắt đầu làm việc chung với nhau. Kể từ đó, công việc của bà nhanh chóng được mọi người chú ý và thậm chí trở thành tối cần thiết. Chẳng hạn như trong chuyến bay đầu tiên của Mỹ lên quỹ đạo Trái đất vào năm 1962, phi hành gia John Glenn đã từ chối bước lên phi thuyền cho đến khi nào « cô bé đó », như ông vẫn gọi, chưa kiểm tra lại những tính toán của máy tính. Vài năm sau, năm 1969, cũng chính Katherine Johnson đã giúp tính toán đường bay của Apollo 11, đưa những người đầu tiên lên Mặt trăng.

Nhưng trong một thời gian dài, công chúng không hề biết đến những đóng góp của bà, cho đến năm 2015, khi Barack Obama trao tặng bà huân chương Tự do của tổng thống, một trong những huân chương dân sự cao quý nhất ở Hoa Kỳ. Bà càng được biết đến nhiều hơn qua bộ phim « Những gương mặt trong bóng tối » năm 2016 kể lại sự nghiệp của bà nói riêng và những đóng góp của phụ nữ Mỹ gốc Phi nói chung, những người đã đóng một vai trò chủ chốt trong công cuộc chinh phục không gian của Mỹ.

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.