Vào nội dung chính
Tạp chí đặc biệt

Châu Âu vất vả đối phó với virus corona

Đăng ngày:

Trong tuần này, các nước Châu Âu, đặc biệt là Ý, Pháp, Tây Ban Nha, ngày càng vất vả đối phó với dịch Covid-19 đang lan rất nhanh, trong khi tốc độ dịch bệnh tại Trung Quốc dường như đang chậm lại.

Thông báo đóng cửa trường học kể từ ngày 16/03/2020 để kềm chế đà lây lan của dịch Covid-19. Ảnh chụp tại một trường ở Nice ngày 13/02/2020.
Thông báo đóng cửa trường học kể từ ngày 16/03/2020 để kềm chế đà lây lan của dịch Covid-19. Ảnh chụp tại một trường ở Nice ngày 13/02/2020. Reuters
Quảng cáo

Đối với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), dịch virus corona nay đã trở thành « đại dịch » toàn cầu. Thay vì phối hợp với các đồng minh châu Âu để đối phó với dịch Covid-19, tổng thống Donald Trump lại ra quyết định đơn phương : cấm nhập cảnh trong 30 ngày đối với những người đến từ châu Âu.

Pháp : Dịch bệnh gây xáo trộn bầu cử địa phương

Pháp hiện vẫn là quốc gia bị dịch Covid-19 nặng thứ hai ở châu Âu, chỉ sau nước Ý. Tối thứ Năm, 12/03/2020, trong một bài phát biểu long trọng được phát trực tiếp trên truyền hình, tổng thống Emmanuel Macron thông báo nhiều biện pháp mạnh để kềm chế đà lây lan của dịch Covid-19, vì theo ông, đây là « khủng hoảng y tế nghiêm trọng nhất » tại Pháp từ một thế kỷ qua.

Biện pháp triệt để nhất đó là đóng cửa toàn bộ các nhà trẻ, trường học từ mẫu giáo đến đại học, kể từ ngày 16/03 « cho đến khi có lệnh mới ». Tuy nhiên, ông Macron đã không quyết định dời ngày bầu cử hội đồng thành phố, thị trấn, xã, mà vòng một và vòng hai sẽ diễn ra ngày 15/03 và 22/03.

Để bảo đảm an toàn cho mọi người, bộ trưởng Y Tế Olivier Véran hôm 11/03 thông báo là các phòng phiếu sẽ được cấp dung dịch khử trùng cho cử tri sử dụng, khi vào phòng phiếu và khi ra khỏi phòng phiếu. Ông cũng khuyên cử tri nên đem theo một cây viết riêng, để ký tên sau khi bỏ phiếu. Nhưng rất có thể là tỷ lệ đi bỏ phiếu năm nay sẽ rất thấp, do nhiều người ngại đến phòng phiếu trong lúc dịch virus corona đang hoành hành.

Theo kết quả một cuộc thăm dò do viện IFOP thực hiện và được công bố ngày 06/03, có đến 28% người Pháp cho biết rất có thể họ sẽ không đi bỏ phiếu ngày Chủ nhật tới, thậm chí 16% trong số này tuyên bố chắc chắn là họ sẽ không đến phòng phiếu.

Nhưng đó là trên cấp độ toàn quốc, riêng tại vùng Paris, có đến 36% người dân dự tính là sẽ không đi bầu hội đồng thành phố. Ngoài ra, một số người đã đăng ký tham gia canh phòng phiếu nay xin rút lui vì sợ bị lây nhiễm do phải tiếp xúc với nhiều người. Điều này sẽ khiến cho việc tổ chức bầu cử thêm phần khó khăn.

Trong thời gian qua, dịch virus corona cũng đã gây xáo trộn chiến dịch tranh cử hội đồng thành phố. Do lệnh cấm tụ họp từ 1.000 người trở lên, trong tuần này nhiều ứng cử viên đã phải hủy bỏ các cuộc mít tinh hoặc thay vào đó là mít tinh theo kiểu « live stream ». Chưa kể là bản thân một số ứng viên cũng bị lây nhiễm hoặc nghi bị lây nhiễm, cho nên phải tự cách ly ở nhà. Tại một số địa phương, các ứng viên thậm chí đã ngưng chiến dịch tranh cử trước vài ngày để tránh nguy cơ lây nhiễm.

Bộ mặt nước Ý thay đổi hoàn toàn

Để ngăn chận sự lây lan của dịch Covid-19, trong tuần này, chính phủ Ý đã ra sắc lệnh đóng cửa toàn bộ các cửa hàng, trừ các siêu thị, hiệu thuốc, sau khi mở rộng ra toàn quốc lệnh hạn chế di chuyển, cho tới nay chỉ áp dụng cho miền bắc nước này. Như vậy là kể từ nay, toàn bộ 60 triệu dân Ý coi như bị cách ly, khiến bộ mặt của quốc gia này thay đổi hoàn toàn. Từ Roma, thông tín viên Anne Treca gởi về bài tường trình ngày 11/03:

« Chỉ trong một đêm, nước Ý đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt, một điều thật khó tin. Các quảng trường không một bóng người, các quán ăn, quán cà phê vắng tanh. Không khí náo nhiệt của các thành phố đã biến mất. Người ta không còn nghe tiếng xe gắn máy nữa. Vào giờ cao điểm hôm qua, hệ thống tàu điện ngầm Roma chẳng có ai đi.

Người nào có thể được thì đã xin nghỉ làm, những người khác thì làm việc ở nhà. Tại các văn phòng, nhân viên ngồi cách xa đồng nghiệp. Trước các siêu thị người ta xếp hàng, để rồi đi vào … từng người một. Mọi người khi nói chuyện đứng cách xa nhau ít nhất một mét và nhất là không bao giờ chạm vào nhau.

Trong khi đó, báo chí liên tục nhắc lại khuyến cáo của chính quyền các vùng : chỉ ra khỏi nhà để mua những thứ thật cần thiết và chỉ đến các cửa hàng gần nhà nhất. Thế mà người dân Ý chấp hành nghiêm chỉnh một cách đáng kinh ngạc, tại một quốc gia vẫn bị mang tiếng vô kỷ luật.

Mặc dù tại Napoli, Firenze hay Roma, người dân đã đổ xô mua hàng về trữ trong đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba, tại các chợ hôm qua, không khí đầy quan ngại, nhưng yên tĩnh. Thủ tướng Giuseppe Conte có vẻ đã biết dùng những lời lẽ đúng mức để thuyết phục người dân Ý.

Đối với giới trẻ, vốn không thích sống gò bó, những người chuyên tác động dư luận trên mạng đã thay thế các chính khách để thuyết phục họ. Kết quả đạt được rất tốt : Tên của sắc lệnh phòng chống virus corona « Tutti a casa » (Mọi người đều ở nhà) đã trở thành một khẩu hiệu lan truyền nhanh không thua gì virus ! »

Merkel hết đòi 0% thâm thủng ngân sách

Tại Đức, bị báo chí chỉ trích vì trong suốt nhiều ngày không thấy lên tiếng về dịch Covid-19, thủ tướng Angela Merkel ngày 11/03/2020 đã mở cuộc họp báo chung với bộ trưởng Y Tế nhằm trấn an dân Đức rằng bà sẽ làm hết sức mình để kềm hãm đà lây lan của dịch bệnh và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Nếu cần, bà sẵn sàng nới lỏng kỷ luật ngân sách, từ bỏ mục tiêu 0% thâm thủng .

Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut gởi về bài tường trình ngày 11/02:

« Không thấy xuất hiện, không có phát biểu nào, không có sự chỉ đạo nào, nhật báo bình dân « Bild » đã chỉ trích nặng nề Angela Merkel vì sự vắng mặt của bà trong lúc nước Đức cũng đang bị dịch virus corona hoành hành. Cuộc họp báo của thủ tướng Đức là nhằm hóa giải những chỉ trích đó và trấn an người dân.

Bà Merkel tuyên bố : « Chúng tôi đang thi hành những biện pháp cần thiết. Chúng tôi sẽ không tự hỏi mỗi ngày là thâm thủng ngân sách đang ở mức nào. Đây là một tình hình bất thường. Chúng tôi sẽ làm những gì cần làm. Nước Đức có đủ nguồn lực cho việc này.

Nguyên tắc trong Hiến pháp của chúng tôi về cân đối ngân sách có dự trù nới lỏng kỷ luật ngân sách trong những tình hình khủng hoảng. Điều này cũng được dự trù trong hiệp ước bình ổn tài chính của châu Âu.

Khi tạm thời gác sang một bên kỷ luật gắt gao về ngân sách, vốn được xem rất là quan trọng ở Đức, nhất là đối với đảng Dân chủ-Thiên chúa giáo, bà Merkel đã lay chuyển cả một giáo điều.

Sáng nay, các kinh tế gia tên tuổi cũng đã đề nghị chính phủ nới lỏng những bó buộc về ngân sách, giảm thuế và nếu cần Nhà nước góp vốn vào các công ty đang gặp khó khăn. Các chuyên gia kể từ nay dự báo kinh tế Đức sẽ bị suy thoái trong quý 1.

Chính phủ Berlin đã thông qua các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, quy việc nới lỏng các quy định về thất nghiệp một phần, và tài trợ cho các doanh nghiệp này. Một số công ty không còn nhận được các phụ tùng cần thiết cho sản xuất của họ. Các công ty khác thì doanh số bị sụt giảm mạnh, nhất là trong ngành du lịch, khách sạn và các công ty tổ chức hội chợ. »

Liên Hiệp Châu Âu cố phối hợp hành động

Để đối phó với dịch Covid-19 đang lan nhanh với tốc độ chóng mặt tại châu Âu, đặc biệt là tại các nước Ý, Pháp, Tây Ban Nha, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu hôm 10/03/2020 đã họp khẩn cấp để phối hợp các hoạt động phòng chống dịch bệnh, cũng như giảm nhẹ tác động lên nền kinh tế của châu lục này. Trong số các biện pháp đầu tiên được loan báo, có việc tạm ngưng áp dụng một số quy định đối với các hãng hàng không.

Từ Bruxelles, thông tín viên Pierre Benazet gởi về bài tường trình ngày 11/03:

« Quy định của Liên Hiệp Châu Âu về các sân bay từ năm 1995 bắt buộc các hãng hàng không phải sử dụng 80% khoảng thời gian dành cho họ để cất cánh và hạ cánh. Nếu không làm như vậy, họ sẽ mất các quyền và các khoảng thời gian đó cho mùa sau.

Việc tạm ngưng áp dụng quy định này là quyết định cụ thể đầu tiên của nhóm phản ứng với virus corona, một nhóm gồm 5 ủy viên châu Âu, đứng đầu là Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, để giám sát việc đối phó dịch bệnh của Liên Hiệp Châu Âu.

Bà Ursula von der Leyen nhấn mạnh : « Đây chỉ là một ví dụ, rất nhiều ngành đang gặp khó khăn và chúng ta phải tìm cách hỗ trợ các ngành đó. Tôi đã yêu cầu nhóm phản ứng với virus corona dự trù các công cụ khác mà Ủy Ban Châu Âu có thể huy động để hạn chế tác động của dịch bệnh đối với kinh tế của toàn châu Âu. »

Việc tạm ngưng áp dụng quy định về các sân bay sẽ là một nguồn dưỡng khí cho các hãng hàng không, hiện vẫn buộc phải cho cất cánh các máy bay gần như trống trơn để cố giữ được khoảng thời gian dành cho họ, trong khi hiện nay có đến 50% hành khách không lên máy bay. »

Trump hết coi thường virus corona

Trong khi châu Âu đang điêu đứng vì virus corona, thì hôm 11/03, tổng thống Donald Trump lại bồi thêm một cú, với quyết định cấm nhập cảnh nước Mỹ trong vòng 30 ngày đối với những người từ châu Âu để ngăn chận dịch Covid-19 lây lan từ châu lục này. Ông Trump như vậy là đã thay đổi hoàn toàn thái độ đối với một con virus mà chỉ vài ngày trước đó ông còn xem thường.

Ngày 10/03/2020, cả hai ứng cử viên có triển vọng nhất trong cuộc bầu cử sơ bộ bên đảng Dân Chủ, Joe Biden và Bernie Sanders lần đầu tiên đều đã hủy các cuộc mít tinh được dự trù tại bang Ohio, theo đúng khuyến cáo của nhà chức trách địa phương. Cũng do lo ngại virus corona, đảng Dân Chủ đã quyết định là cuộc tranh luận truyền hình kỳ tới vào ngày 15/03 tại bang Arizona sẽ diễn ra mà không có khán giả và báo chí.

Về phần tổng thống Donald Trump, cho đến trước ngày 11/03, ông vẫn không thay đổi lịch trình tranh cử và thói quen, cho dù bị chỉ trích ngày càng mạnh về cách đối phó với dịch bệnh tại Mỹ.

Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salves gởi về bài tường trình ngày 11/03/2020 :

« Hai đối thủ chính của ông bên đảng Dân Chủ đã hủy các cuộc mít tinh hôm thứ ba, nhưng tổng thống Trum thì « chẳng lo ngại chút nào », ông « vẫn rửa tay thường xuyên », theo lời phát ngôn viên của ông. Donald Trump vẫn tiếp tục chiến dịch tranh cử, thậm chí loan báo các cuộc tiếp xúc cử tri cho những ngày tới.

Trong cuối tuần qua tại bang Florida, tổng thống Mỹ vẫn bắt tay mọi người, bất chấp khuyến cáo từ chính quyền của ông. Thậm chí ông Trump còn hòa mình vào đám đông hôm thứ Hai tại sân bay Orlando, đồng thời chỉ trích báo chí cứ làm lớn chuyện về virus corona.

Trên mạng Twitter, ông Trump viết : « Năm ngoái, có đến 37 ngàn người Mỹ chết vì dịch cúm, thế mà đâu có nơi nào đóng cửa, đời sống và kinh tế vẫn tiếp tục bình thường. » Ngoài những tuyên bố kiểu như vậy, tổng thống Trump còn từ chối thi hành những biện pháp nghiêm ngặt, vì sợ sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ.

Một số nguồn tin ẩn danh từ Nhà Trắng, được tờ Washington Post trích dẫn, tỏ vẻ quan ngại là tổng thống Donald Trump đang làm cho khủng hoảng thêm trầm trọng. Ngay chính phe Cộng Hòa cũng thấy không an tâm về cách thức mà ông xử lý dịch bệnh.

Sau khi họp với đội chuyên trách về phòng chống virus corona, thống đốc bang Maryland báo động : « Ông ấy nói hoặc viết trên mạng Twitter theo cảm tính của mình, trong khi lẽ ra mọi thông điệp của ông với công chúng phải dựa trên thực tế. » Ấy là chưa kể virus, mà cách đây không lâu ông còn cho là tin giả, đang tiến gần đến bản thân ông. Hai nghị sĩ mà Donald Trump đã có trao đổi, cũng như chánh văn phòng Nhà Trắng hiện đang bị cách ly, sau khi tiếp xúc với một người đã bị lây nhiễm. »

Thật ra, thì theo thông báo của Nhà Trắng hôm 12/03, tổng thống Trump cuối cùng đã hủy hai chuyến đi vận động vào cuối tuần này ở bang Colorado và Nevada.

Trung Quốc chặn dịch từ bên ngoài

Trong khi đó, tại Trung Quốc tốc độ lây nhiễm Covid trong tuần này có vẻ đang chậm lại, số tử vong mới trong mỗi ngày cũng giảm đi, chính phủ Bắc Kinh nay lại lo ngại là virus corona từ nước ngoài tràn vào, cho nên ngày 11/03 đã quyết định là toàn bộ những người từ nước ngoài đến thủ đô Trung Quốc đều phải bị cách ly tại nhà trong 14 ngày.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Simon Leplatre gởi về bài tường trình :

« Vào lúc dịch bệnh kể từ nay đang được khống chế ở Trung Quốc, nhưng đang hoành hành dữ dội ở nước ngoài, Bắc Kinh tự bảo vệ đối với toàn bộ hành khách đến từ bên ngoài.

Bất kể chuyến bay từ đâu đến, toàn bộ hành khách đến thủ đô Trung Quốc đều phải bị cách ly. Cho tới nay, lệnh cách ly chỉ áp dụng đối với công dân từ 4 quốc gia bị dịch nặng nhất : Iran, Ý, Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng trước tình hình số ca lây nhiễm tăng vọt ở châu Âu và trên thế giới, Bắc Kinh kể từ nay thi hành chính sách cách ly một cách có hệ thống.

Tại Thượng Hải, các quy định vẫn bớt chặt chẽ hơn một chút, hành khách người Pháp vẫn chưa bị cách ly 14 ngày, nhưng chỉ cần đi chung chuyến bay với một người Ý là họ sẽ bị buộc phải ở tại nhà trong 2 tuần lễ.

Không có cách gì để tránh bị áp dụng quy định đó : khi đến sân bay, hành khách đi ra từng người một, hộ chiếu của mỗi người sẽ được dán mẫu giấy màu xanh lá cây, màu vàng hoặc màu đỏ. Rồi họ được chở đến tận nhà bằng xe minibus, tiếp đến các ủy ban khu phố sẽ quản lý họ, để bảo đảm là không có ai trốn lệnh cách ly. »

Ấn Độ cũng bế quan tỏa cảng

Trong tuần này, Ấn Độ cũng đã quyết định hủy toàn bộ visa du lịch kể từ ngày thứ sáu 13/03 để ngăn chận dịch Covid-19 lan tràn vào. Tại Ấn Độ, tính đến ngày 12/03 chỉ mới có một ca tử vong, nhưng virus corona có thể sẽ lây lan cực nhanh tại quốc gia đông dân hàng thứ hai thế giới này.

Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis gởi về bài tường trình ngày 12/03 :

« Kể từ thứ sáu này, trong suốt một tháng, sẽ không có một du khách ngoại quốc nào được vào Ấn Độ. Đó là quyết định triệt để của chính phủ Ấn Độ nhằm ngăn chận sự lây lan của dịch bệnh từ nước ngoài. Ngay cả các nhà doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, các diễn giả hội nghị cũng bị cấm cửa.

Nói chung biện pháp này áp dụng đối với toàn bộ người ngoại quốc, trừ các nhà ngoại giao và những người làm việc thường xuyên ở Ấn Độ. Những biện pháp hạn chế còn nghiêm ngặt hơn đối với công dân của một số nước : ngay từ ngày 11/03, khách Pháp, Đức và Tây Ban Nha đã không được phép vào Ấn Độ, ngoại trừ các nhà ngoại giao.

Một số công dân Pháp sống ở Ấn Độ và đi du lịch nay bị kẹt ở nước ngoài. Ngoài ra, toàn bộ những người Ấn Độ đã đi du lịch ở các nước bị dịch nặng nhất như Trung Quốc, Ý, Iran cũng như Pháp và Tây Ban Nha sẽ bị cách ly trong hai tuần khi trở về nước. »

Thư TinHãy nhận thư tin hàng ngày của RFI: Bản tin thời sự, phóng sự, phỏng vấn, phân tích, chân dung, tạp chí

Tải ứng dụng RFI để theo dõi toàn bộ thời sự quốc tế

Xem các tập khác
Không tìm thấy trang

Nội dung bạn đang cố truy cập không tồn tại hoặc không còn khả dụng.